, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 20/04/2024, 01:41
 

Việt Nam đã sôi sục với thuật ngữ “chuyển đổi số” (CĐS) từ nhiều năm qua, nhưng trên thực tế vẫn chưa có những hiệu quả rõ rệt, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tạp chí Nông thôn Việt đã liên hệ với sáu tỉnh, thành để hỏi về kết quả CĐS nông nghiệp ở các địa phương, nhưng không nhận được hồi đáp. Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI), từng lo ngại rằng: “Cái gọi là “chuyển đổi số” nông nghiệp ở các tỉnh phải chăng chủ yếu dừng lại ở mức độ nỗ lực cố gắng làm ra một cái gì đó để gọi là chuyển đổi số. Tỉnh nào cũng cố gắng đầu tư các trang thiết bị và phần mềm, nhưng thiếu phương pháp, thiếu quy hoạch tổng thể, và do vậy hiệu quả rất hạn chế. Thực sự thì người đứng đầu cũng đang loay hoay với chủ trương chuyển đổi số, chính họ cũng đang lúng túng và chưa biết thực sự cần phải chuyển đổi số nông nghiệp như thế nào. Hiện tại, không thể dừng lại, không thể đứng yên, nên cách lựa chọn của đa số địa phương là làm những việc rất cụ thể, vụn vặt để có cái nói là đã làm…”. Làm sao để CĐS không chỉ là phong trào mà nó thật sự hiệu quả ở từng địa phương, từng cánh đồng? Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với ông  Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp để làm rõ câu hỏi này. 

 
 
 
 

Đầu tiên, mong ông có những chia sẻ cơ bản nhất về bức tranh CĐS ngành nông nghiệp trên cả nước hiện nay?

Chúng ta biết rằng, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh trong những năm qua kể cả chất và lượng, điều đó thể hiện qua các chỉ số tăng trưởng ấn tượng của nền nông nghiệp quốc gia. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp đạt 3,02% với kim ngạch xuất khẩu đạt 53 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ thỏa mãn với con số đạt được. Bám sát chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2021, chúng ta tập trung xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp minh bạch, phát triển đa giá trị, đa tầng lớp… 

Trong điều kiện cuộc cách mạng lần thứ tư phát triển vượt bậc với những xu hướng chuyển động của kinh tế thế giới, đồng thời những xung đột về chính trị, xung đột thị trường… đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của nông sản Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta mong muốn tổ chức lại sản xuất, gia cố từng khâu trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, sao cho minh bạch, gia tăng giá trị. Muốn đạt được mục tiêu như vậy, thì cần thiết phải có một sự thay đổi trong phương thức quản trị, mà một trong những yếu tố quan trọng nhất của quản trị chính là CĐS. Chúng tôi cũng ý thức được rằng CĐS trong nông nghiệp không dừng ở nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mà phải bắt nguồn từ cơ sở, từ mỗi người nông dân. Nó cũng thể hiện trong tư duy số được đưa vào phương thức quản trị, điều hành ở các cơ quan quản lý nhà nước. Điều đó cũng phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chọn năm 2023 là Năm chuyển đổi số quốc gia. Và nông nghiệp được lựa chọn là một trong tám lĩnh vực trọng tâm của CĐS.

Làm sao CĐS nông nghiệp đi vào thực chất, không phải chỉ mang tính phong trào là điều mà mọi người băn khoăn. Liệu có cần sự can thiệp của Chính phủ, thể chế vào sân chơi này cũng như vai trò của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp như thế nào để từng bước CĐS ở cơ sở hiệu quả hơn? 

Về mặt thể chế thì từ tháng 6/2020, Chính phủ đã có quyết định số 742/QĐ-TTg liên quan đến CĐS trong các lĩnh vực nông nghiệp. Chúng ta cũng đã xây dựng chiến lược CĐS của ngành nông nghiệp, đồng thời đã thành lập những cơ quan thường trực, ban chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện… theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Vậy làm sao để tiếp cận đúng, tiếp cận trúng, gia tăng giá trị của CĐS cho nông nghiệp, đặc biệt làm sao để người nông dân hiểu được những công nghệ mà người ta nắm trong tay để tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất hướng ra thị trường? Đó là mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới. 

Tôi rất mong chuyển đổi số không phải là một phong trào, không chạy theo thành tích mà chúng ta phải có lộ trình CĐS thiết thực và hiệu quả, đúng như tinh thần của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi chỉ đạo về công cuộc CĐS quốc gia. Theo tôi điều quan trọng nhất chúng ta phải hiểu rằng, CĐS thực chất là chuyển đổi nhận thức. Chúng ta biết rằng, về hình thức CĐS là chuyển đổi về hạ tầng, công nghệ thông tin, nhưng yếu tố quyết định là chuyển đổi về con người. Mọi phần mềm đưa ra mà con người không sử dụng được thì đều vô nghĩa. Mọi hạ tầng chúng ta thiết lập nên mà không có “phần hồn” (con người trong đó) thì nó cũng chỉ là phần cứng vô tri. Chính vì vậy, chuyển đổi nhận thức là đầu tiên và quan trọng cần phải hiểu đúng, hiểu đủ. Tôi cũng rất mong có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông báo chí làm sao để xã hội nhận thức đúng, đủ về CĐS nông nghiệp.

 
 

Còn lộ trình CĐS thì sao, Chính phủ có cần đưa ra một chiến lược, lộ trình bài bản cho từng địa phương, để tránh cho họ loay hoay không biết bắt đầu từ đâu? Hoặc nhà nước phải đưa ra lộ trình tổ chức lại việc sản xuất nông nghiệp phù hợp, để người nông dân thực sự trở thành chủ thể cũng như người hưởng lợi từ quá trình CĐS?

CĐS là một hành trình không có đích đến và nông nghiệp là một trong tám ngành được ưu tiên chuyển đổi số quốc gia. Hiện nay, internet đã có mặt trên 75% diện tích vùng nông thôn, đây là một điều kiện thuận lợi cho CĐS. Hầu hết người nông dân đều có công cụ smartphone trong tay. Vậy làm sao để người nông dân nhận thức và tận dụng được các công cụ công nghệ để nó mang lại giá trị cho họ. Đó là việc mà tất cả hệ thống chính trị phải cùng làm.

Thực tế, một số địa phương đã có chủ trương để chuyển đổi. Điều đó cũng bắt nguồn từ tính thực tiễn và hữu ích của nó trong lĩnh vực nông nghiệp. Ví dụ như câu chuyện mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc nông sản. Nông dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã biết đưa hàng lên mạng để tự tìm đầu ra cho nông sản… Rõ ràng là những câu chuyện về CĐS đã diễn ra trên nhiều địa phương. Nhưng để CĐS toàn diện thì đòi hỏi chúng ta phải cùng nhau xây dựng một nền tảng số, cho phép tất cả cùng tham gia vào…

Đối với Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp, chúng tôi là cơ quan trực tiếp tham mưu cho ban chỉ đạo về CĐS. Việc đầu tiên chúng tôi đang phải làm là xây dựng khung kiến trúc dữ liệu số ngành nông nghiệp. Khung dữ liệu số này sẽ giúp chuẩn hóa từng quy trình sản xuất, lưu đồ sản xuất; đấu nối từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến phân phối cho người tiêu dùng. Và công nghệ sẽ được sử dụng để chuẩn hóa cho từng khâu.  

Đối với bất cứ chủ trương nào, thì điều quan trọng là khi thực hiện phải tránh chạy theo thành tích. Dù mục tiêu lớn hay nhỏ thì chúng ta cũng cần phải xác định lộ trình. Trong lộ trình đó có người chủ trì, có người phối hợp, có lực lượng chính, lực lượng phụ, có đơn vị quản lý từ trung ương đến cơ sở và có vai trò của hiệp hội ngành hàng.

Trước đây, ông từng là Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT). Với một người đầu tàu năng nổ trong công cuộc CĐS, lẽ ra khu vực này đã có những thành công nhất định về CĐS, thế nhưng thực tế thì CĐS trong nhóm ngành chế biến cũng chưa cao, vì sao?

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện chúng ta có khoảng 13.800 doanh nghiệp, 19.000 hợp tác xã. Riêng trong lĩnh vực chế biến có khoảng 7.500 cơ sở với công suất 1 triệu tấn sản phẩm mỗi năm. Và đúng là CĐS trong khu vực này còn thấp. Bởi vì chúng ta vẫn đi theo triết lý kinh doanh thông thường, doanh nghiệp chưa tận dụng CĐS để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Rất ít doanh nghiệp có hệ thống CRM (nền tảng quản lý quan hệ khách hàng), hay ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp). CĐS giúp doanh nghiệp giảm nhiều chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Không tận dụng được CĐS thì doanh nghiệp bị thiệt thòi. Chính vì vậy, tôi mới nói ở giai đoạn này, nhận thức về giá trị của CĐS là điều vô cùng quan trọng. Nhận thức là phải hiểu đúng, hiểu đủ: thực chất chuyển đổi số là chuyển đổi phương thức quản trị. Trong nông nghiệp, CĐS là chuyển đổi phương thức quản trị sản xuất lẫn phương thức tiêu dùng và hành vi tiêu dùng. Nếu chúng ta tạo ra sàn thương mại điện tử mà người dân vẫn buôn bán ở chợ, vẫn thanh toán dùng tiền mặt…. thì sẽ hạn chế rất nhiều sức mạnh của CĐS. Cho nên, việc tuyên truyền sâu, tuyên truyền mạnh là bước đi đầu tiên của chính sách CĐS.

 
 

Lâu nay, việc tuyên truyền cho CĐS đã có nhưng chỉ mới diễn ra manh mún, chưa tạo được sự chuyển đổi trong tư duy của nông dân. Vậy sắp tới chúng ta đã có kế hoạch truyền thông đồng bộ mạnh mẽ cho CĐS chưa, hay trước đây đã có rồi mà chúng ta vẫn làm chưa tới?

Truyền thông cho chính sách CĐS trong nông nghiệp là một hành trình lâu dài, không thể làm ngay như một phong trào, mà cần có từng giai đoạn, xây dựng mục tiêu mục đích trong từng thời điểm. Trong giai đoạn đầu thì truyền thông chính sách là vô cùng quan trọng. 

Truyền thông chính sách rất đa dạng, phong phú, chúng ta tiếp cận nhiều nguồn lực, nhiều chủ thể với nhiều phương tiện… để tạo sức mạnh tổng thể. Chúng ta có thể tuyên truyền bằng nguồn nhân lực số, như những bạn sinh viên làm trong lĩnh vực phần mềm, tiếp cận từ thị trường nước ngoài, và đưa ra thông tin cập nhật thị trường xuất khẩu… Hoặc truyền thông chính sách bằng một mô hình, hay một điển hình lao động hoặc một sản phẩm phần mềm ứng dụng hiệu quả. Chẳng hạn như giới thiệu về CĐS ở những vùng nông nghiệp rộng lớn, như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có 13 tỉnh đồng bằng và nơi tập trung 70% lực lượng sản xuất phục vụ cho xuất khẩu nông sản… Hoặc truyền thông bằng những cá nhân tâm huyết, như Đào Đức Hiếu, một chàng trai Hà Nội lên lập nghiệp ở Hà Giang, đã mang thương hiệu trà cổ Suối Giàng ra thế giới. Những con người nhỏ bé đã cho thấy mọi thứ hay ho đều có thể lan tỏa bằng phương pháp số. Truyền thông chính sách CĐS bằng những câu chuyện như vậy thì rất cụ thể và cho hiệu quả cao.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho CĐS nông nghiệp, thì các địa phương và doanh nghiệp không chỉ cần truyền thông, mà còn cần hỗ trợ rất nhiều về chính sách. Thông qua việc đưa công nghệ vào nông nghiệp, đã cho thấy CĐS hiện đang thiếu các chính sách hỗ trợ về mặt tài chính, phát triển nguồn nhân lực, logistics, hỗ trợ về thị trường…

 
 
 
 

CĐS không phải từ nguồn lực ngân sách nhà nước, mà lực lượng chính thuộc về xã hội. Có một thực tế là tài sản thế chấp của các hợp tác xã hiện nay muốn sử dụng để vay vốn rất khó. Nhưng sau chuyển đổi số, mỗi nông dân sẽ có một tài khoản tham gia cùng các tổ chức tài chính và bảo hiểm, tạo thành một hệ sinh thái tín chấp nông nghiệp. Nơi đó các nhà tài chính, nhà bảo hiểm có thể thiết lập hệ thống tài chính vi mô (micro finance) cho phép các hợp đồng thế chấp nông nghiệp được thực hiện dễ dàng hơn. Hệ thống bưu điện Việt Nam với 8.000 điểm bưu điện cấp xã, sẽ hình thành không gian tín chấp thông qua nền tảng số. Lực lượng này đã có sẵn, chúng ta sẽ phải triển khai một cách có hệ thống. 

Hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng đã triển khai mạnh mẽ các tổ khuyến nông cộng đồng. Theo đó, các kỹ sư nông nghiệp sẽ đồng hành cùng nông dân, cán bộ khuyến nông phải tập huấn trực tiếp cho nông dân trên cánh đồng, phải cầm tay chỉ việc chứ không đào tạo qua loa. Nhiều nông dân có thể tham gia các khóa học online để tiết kiệm thời gian. Quan trọng nhất là chương trình học phải sâu sát thực tiễn để nông dân biết làm chủ công nghệ số. Mỗi người nông dân tham gia vào hệ sinh thái CĐS đều sẽ biết tự xây dựng dữ liệu số cho mình. Có như vậy họ mới có thể tham gia xuất khẩu chính ngạch, thương mại điện tử…! Những hoạt động này sẽ góp phần hình thành “nghề nông dân” như Bộ trưởng Lê Minh Hoan vẫn thường nói đến. Nghề nông dân cũng quan trọng như nghề bác sĩ hay nghề công nhân. Vì kinh tế nông nghiệp Việt Nam thành hay bại cũng bắt đầu từ người nông dân. 

Tóm lại, CĐS nông nghiệp sẽ cần một lộ trình, chúng ta không chạy theo những con số thành tích, mà tập trung vào chất lượng sản xuất nông nghiệp. Làm sao để người nông dân trở thành đối tượng thụ hưởng nhưng vẫn là người làm chủ không gian sản xuất, không gian tiêu thụ, đó là cái đích chúng ta hướng tới.

Cảm ơn ông về những thông tin trên.