, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 19/04/2024, 10:12
 

Lần đầu tiên trong chuyên mục Bên tách trà, vấn đề quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp được đưa ra bàn luận, đối thoại một cách trực diện, không né tránh. Ở đó, người đang công tác, nhà nghiên cứu và người làm ăn trong ngành nông nghiệp cùng ngồi lại, để nói về những vướng mắc, khó khăn, từ đó đưa ra những giải pháp hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Tham dự bàn tròn có các khách mời: Ông Nguyễn Trí Ngọc (Phó Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt), Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL), ông Huỳnh Cảnh (Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận). 

Đặc biệt, người mời trà là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

 

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trước đây, vì xem nông nghiệp là ngành sản xuất nên tư duy sản xuất đi kèm tư duy năng suất và sản lượng. Ta đánh đồng sản lượng càng cao thì thu nhập của người nông dân và giá trị gia tăng của một ngành hàng càng tốt. Cũng như có giai đoạn, ta quy hoạch trồng bao nhiêu ca cao, cao su, nuôi bao nhiêu con lợn, con tôm, con cá… và xem đó là một “pháp lệnh”. Ta cứ nghĩ, ta “nắm” được hết trong tay mình. Nhưng dưới tác động của quy luật thị trường, có chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa, giải cứu nông sản, trồng – chặt, chặt - trồng. Ta phải chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó, giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng được xem là đích đến. Quy hoạch vùng nguyên liệu được xem là giải pháp bao trùm cho bước chuyển mang tính chiến lược đó. Song, có những khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ, cũng như cần hoàn thiện gì về mặt chính sách… để quy hoạch vùng phát huy hiệu quả thế mạnh, tôi rất muốn lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia, của người đang làm kinh tế nông nghiệp.

 
 
 
 

Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân: Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, ở ĐBSCL hiện nay, với trồng lúa và nuôi trồng thủy sản - hai khu vực chiếm diện tích đất canh tác lớn nhất, có tới 50% nông dân sở hữu đất nông nghiệp dưới 1 hecta (0,6 - 0,7 hecta). Số nông dân canh tác 2 hecta trở lên chiếm chưa tới 20%, nghĩa là trung bình mỗi hộ sở hữu 1,2 hecta. Trong khi đó, nói riêng trồng lúa, nông dân muốn vượt ngưỡng nghèo (đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu), phải canh tác từ 2 hecta trở lên. Muốn khá thì phải 5 hecta trở lên.

Nuôi thủy sản, nuôi tôm ở dạng quảng canh cải tiến và luân canh với lúa thì thu nhập khá hơn chút. Với thủy sản nuôi trồng thâm canh, chỉ có nông dân giàu mới nuôi được nhưng đầy rủi ro. Trong khi đó, diện tích trồng cây ăn quả và hoa màu rơi vào khoảng 0,5 hecta. Diện tích canh tác trên 0,5 hecta chỉ chiếm 30 - 40%. Trừ một vài loại cây ăn quả có thu nhập cao như sầu riêng, bưởi Năm Roi, nhìn chung cây ăn quả và rau màu đều cho thu nhập không cao lắm. Tôi phải nói cụ thể để thấy ngay tại đồng bằng lớn nhất cả nước, đất nông nghiệp cũng đang phân tán, nhỏ lẻ ra sao, đòi hỏi phải tổ chức sản xuất lại.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nước ta có dân số làm nông nghiệp đông. Cùng với đô thị hóa và tăng lên về dân số, đất đai bị chia cắt dần, nhỏ càng nhỏ hơn. Chính sự manh mún đó kéo theo tư duy quẩn quanh, làm ăn nhỏ, tự phát, cha truyền con nối, hoặc nghe ngóng người ta trồng gì bán được giá thì trồng theo. Đời này qua đời khác, cứ thế, làm cho nền nông nghiệp Việt Nam vấp phải một lời nguyền đó là lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ. Quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu là một trong những giải pháp để “giải” lời nguyền đó.

Ông Nguyễn Trí Ngọc: Quy hoạch sản phẩm để lại cho quy hoạch vùng một bài học, đó là, những người làm quy hoạch và tham gia hoàn thiện quy hoạch phải có tầm nhìn mang tính chiến lược thì sự phát triển mới được bền vững và hiệu quả. Nếu không, ta chỉ đáp ứng được những yêu cầu tức thì, chứ không phải cả chặng đường phát triển. Đặc biệt trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang phải đối phó với hai thách thức đồng thời là biến động về thị trường và biến đổi khí hậu.

 
 
 
 

Ông Huỳnh Cảnh: Bình Thuận là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước. Hiện, đa số bà con trồng thanh long một cách tự phát, đẩy trái thanh long vào khủng hoảng giá. Trên mặt báo, giải cứu thanh long trở thành tiêu điểm. Bản thân doanh nghiệp của tôi cũng “sống chung” với cơn bão của thị trường. Trong khi đó, thị trường vẫn chưa chuộng sản phẩm chế biến từ trái thanh long, hơn 90% doanh nghiệp đóng gói quả tươi, chỉ có 5% chế biến sâu. Các nhà máy chế biến cũng chỉ có công suất nhỏ. Hiện, trái thanh long của chúng ta đang phải đối mặt với sự cạnh tranh của thanh long Thái Lan, Campuchia... Tới đây, tình hình chắc còn nhiều khó khăn hơn do hạ tầng giao thông vận tải của ta vẫn còn nhiều hạn chế. 

Ông Nguyễn Trí Ngọc: Câu chuyện “được mùa mất giá” từng được thảo luận một cách thẳng thắn và gay gắt tại nghị trường của Quốc hội. Đã có nhiều giải pháp đưa ra, tưởng chừng có lúc điệp khúc đó đã lắng đi nhưng rồi nó lại bùng phát trở lại. Nhiều người đi tìm lời giải. Tôi nghĩ sâu xa hơn cả là do quy hoạch chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, với những đặc điểm của sản xuất nông nghiệp. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nền nông nghiệp của ta là một nền nông nghiệp mù mờ. Chúng ta không rõ có bao nhiêu cây thanh long, bao nhiêu con heo, con cá… Ta cứ nuôi trồng một cách tự phát, để rồi nông dân không biết thị trường của họ ở đâu, khách hàng cuối cùng mong muốn gì ở sản phẩm do họ làm ra… Nông dân đoán tín hiệu thị trường qua thương lái. Tương tự, thương lái cũng vậy, qua một đầu mối khác. Nếu tất cả được quy hoạch vào một vùng nguyên liệu, đường đi nước bước sẽ rõ ràng hơn. Thay vì sản lượng như trước, đích đến hiện tại là giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng. Thậm chí, sản lượng có thể ít hơn nhưng thu nhập lại cao hơn nếu bà con biết tối đa hóa giá trị trong chuỗi ngành hàng với kĩ năng bán hàng của họ. Ít đi ở đây, không có nghĩa là sản xuất ít lại mà sản xuất chất lượng hơn để đưa tới phân khúc thị trường với giá cao hơn. Chúng ta cũng không cần sản xuất ồ ạt nữa, bán thô ít hơn để tránh khủng hoảng giá, học cách sơ chế, bảo quản, chuyển qua một phần chế biến. Công nghệ bảo quản cho phép chúng ta bảo quản sản phẩm lâu hơn.

 
 
 
 

Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân: Định hướng phát triển vùng nguyên liệu để nâng cấp chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, hộ nông dân sản xuất nhỏ phải liên kết lại, ít nhất từ 50 chục hecta liền thửa trở lên theo điều kiện hạ tầng thủy lợi, để cùng áp dụng một quy trình kĩ thuật, cơ giới hóa, liên kết với dịch vụ đầu vào và đầu ra, áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc và đăng ký mã sản phẩm cho từng thị trường nông sản. Liên kết sản xuất như vậy giúp giảm chi phí sản xuất và rủi ro do dịch bệnh, nhất là trong nuôi tôm nước lợ/mặn. Chuyện này nhiều địa phương đã áp dụng cánh đồng lớn/liên kết trong sản xuất lúa nhưng không thành công vì thiếu tổ chức hiệu quả để gắn với chuỗi cung ứng. Chúng ta có phát triển Hợp tác xã (HTX), nhưng đa số HTX quy mô nhỏ, năng lực quản trị kinh doanh yếu. Nếu HTX có năng lực quản trị tốt và kinh doanh có hiệu quả, nông dân sẽ có nhiều lựa chọn tùy theo nguồn lực và mục tiêu sinh kế: Ai muốn sản xuất và kinh doanh nông nghiệp thì tham gia khâu canh tác và dịch vụ của HTX; ai không muốn làm nông nghiệp mà cần giữ đất thì có thể đóng góp cổ phần hoặc cho HTX thuê đất để tập trung làm nghề khác. Hoặc nông dân có thể cho doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp thuê đất. Có như vậy mới phát triển kinh tế nông nghiệp có sức cạnh tranh, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào kinh doanh nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Từ đó, tạo cơ hội việc làm mới cho lao động nông thôn. Có người sợ làm như vậy có thể sinh ra địa chủ mới, đẩy nhóm nông dân nhỏ qua bên lề và cuộc sống họ khó khăn hơn khi nghề nghiệp không ổn định.

Vấn đề mấu chốt là năng lực quản trị và môi trường kinh doanh của HTX tốt, doanh nghiệp hoạt động đúng luật và thỏa thuận rõ ràng giữa các bên, lao động chuyển nghề được đào tạo kỹ năng tốt, thì không ai có thể đẩy nông dân ra khỏi nông nghiệp, nông thôn được. Một nghiên cứu của chuyên gia Ngân hàng Thế giới cách đây khoảng 10 năm cho thấy bán đất và chuyển dịch lao động nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng, người dân có thu nhập cao hơn. Quan trọng là lao động có kỹ năng, tác phong nghề chuyên nghiệp và quản lý kinh tế hộ. 

Ông Nguyễn Trí Ngọc: Trong những năm 2017, 2018, cụm từ “quy hoạch vùng sản xuất” hoặc “quy hoạch vùng nguyên liệu” bắt đầu được đề cập đến trong các văn bản của nhà nước. Nhưng phải tới cuối năm 2018, khi Luật Trồng trọt được thông qua, cụm từ ấy mới được nhắc đến nhiều như một giải pháp toàn diện. Song, từ đó đến nay đã 5 năm, quy hoạch vùng sản xuất diễn ra vẫn còn chậm. Lý do: việc triển khai còn thiếu quyết liệt, thiếu năng động; nông dân có sức ì lớn, tính bảo thủ cao. Những chính sách khuyến khích thực hiện quy hoạch vùng chưa đi được vào thực tiễn. Luật Đất đai, Luật Lao động sửa đổi vẫn còn chậm… Những góp ý về chính sách, chẳng hạn sửa đổi Luật HTX như Tiến sĩ Nhân nói ở trên, tới nay, đã diễn ra ở nhiều cuộc hội thảo nhưng dường như chưa có một tổng kết toàn diện để áp dụng. Ta cũng chưa ban hành tiêu chí cho quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, theo tôi, nhà nước cần hoàn thiện về cơ chế, chính sách tác động trực tiếp đến ngành nông nghiệp. Ví dụ như Luật Đất đai, chính sách về phát triển HTX, chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp... 

Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân: Cũng nói thêm, trong mấy năm qua, ở vùng ĐBSCL, số lượng HTX phát triển nhưng quy mô sản xuất ngày càng nhỏ, thành ra nhiều mà yếu và không phát triển kinh doanh. Năng lực HTX còn kém thì khó thu hút nông dân tham gia và trở thành đối tác kinh doanh với doanh nghiệp. Điều này cần được khắc phục trong Luật HTX và triển khai Chương trình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Tôi từng dự một cuộc hội thảo lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật HTX được tổ chức ở Cần Thơ. Nhiều ý kiến về việc dự Luật vẫn đang xem HTX như một tổ chức kinh tế làm trách nhiệm xã hội nhiều hơn là một tổ chức kinh doanh. Chừng nào còn quan điểm đó thì chừng đó, HTX không thể nào thoát khỏi khung ràng buộc pháp lý về môi trường kinh doanh để phát triển. Cần phải coi HTX như một doanh nghiệp thì nó mới phát huy hết thế mạnh của mô hình này. HTX có năng lực tổ chức sản xuất và kinh doanh tốt, giúp tạo hệ đệm “cung – cầu” của chuỗi cung ứng, hạn chế được mùa hoặc tới mùa thì mất giá.

 
 
 
 

Ông Nguyễn Trí Ngọc: Lập quy hoạch xong, ngại nhất là xé rào, mở rộng quy hoạch; nhưng có nên luật hóa không, hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Nhìn ra thế giới, ví dụ Brazil quy hoạch phát triển cà phê theo vùng, có quy định, người dân nào vượt rào quy hoạch, sẽ không được tham gia vào thị trường tiêu thụ nữa. Ở ta, nên chăng, cũng đã đến lúc nghĩ đến, hoặc có quy chế nào đó buộc người dân phải tuân thủ khi đã tham gia vùng quy hoạch. Thị trường biến động và cũng hết sức khắc nghiệt. Tuân thủ quy định thì cung - cầu hài hòa, nếu không thì phải trả giá. 

Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân: Cần thông cảm với cô bác nông dân. Kinh tế gia đình và thu nhập ít ỏi của họ phụ thuộc chủ yếu vào mảnh ruộng, nên họ phải đeo đuổi những việc ngắn hạn mà họ nghĩ sẽ giúp mình có thêm tiền cho cuộc sống. Họ không biết ai là người sử dụng sản phẩm của mình, không biết phân tích tài chính, không tiếp cận thông tin thị trường, hiểu biết hạn chế về luật lệ và kinh doanh. Do đó, nông dân ngày nay cần được trang bị kiến thức và kỹ năng không chỉ kỹ thuật mà còn luật, quản trị trang trại và kinh doanh để quản trị rủi ro. Đã qua cái thời dựa vào kinh nghiệm sản xuất và làm chơi ăn thiệt, nông dân cần phải trở thành nông doanh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Năm ngoái, thanh long rớt giá, đổ cho trâu bò ăn, nhiều đại biểu hỏi sao không phục hồi lại quy hoạch sản phẩm? Nhưng ai là người định ra cung - cầu ấy ? Không quốc gia nào một mình một chợ cả. Chúng ta có cam kết được với bà con, nếu làm đúng, mọi rủi ro đều có nhà nước lo? Nhà nước không dám bảo đảm điều đó. Còn nếu xem đó là một kế hoạch “cứng” của nhà nước thì nhà nước chỉ bảo trợ những sản phẩm nằm trong quy hoạch. Một phần sản phẩm sẽ bị xem là bất hợp pháp vì không nằm trong quy hoạch. Phải ứng xử ra sao? Đó thực sự là những câu hỏi không có câu trả lời trong quá trình chuyển đổi. Do đó, trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, phải khẩn trương hình thành hệ sinh thái ngành hàng. Trên thế giới, họ tiếp cận tư duy thị trường thông qua những thiết chế xã hội để dẫn dắt, định hướng phát triển của từng ngành hàng, bớt dần sự can thiệp của nhà nước một cách phi thị trường. Nhà nước sẽ có những hỗ trợ thông qua thông tin thị trường, khoa học công nghệ, tư vấn… cho người nông dân. Tập thể những ngành hàng đó phải tự vận động bằng “bàn tay phía sau của Nhà nước” chứ không phải “bàn tay phía trước của Nhà nước”.

 
 
 
 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khi còn là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, tôi có mời đại diện của Mavin - một doanh nghiệp có vốn đầu tư của Úc, về đầu tư ở tỉnh nhà. Ông ấy bảo: “Tôi sẵn sàng nhưng nói điều này, ông đừng buồn: Người Úc chúng tôi không biết Đồng Tháp của các ông ở đâu cả. Tương tự, không biết An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau ở đâu. Nhưng chúng tôi biết Mekong Delta (ĐBSCL). ĐBSCL là một thương hiệu. Ai cũng biết đó là một trong những vùng châu thổ lớn nhất của thế giới. Sao các ông không ngồi lại với nhau, lấy một thương hiệu chung của ĐBSCL? Sao người Việt Nam không đi chung với nhau?”. Câu hỏi đó khiến tôi nhớ mãi. Cũng như Tây Nguyên, ai cũng biết là thủ phủ của cây cà phê, có không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể của nhân loại. Sao cứ phải định vị cà phê Đăk Lăk, cà phê Kon Tum… mà không phải là cà phê Tây Nguyên? Sâm được xem là quốc bảo hiện nay, cũng đều là sâm của núi Ngọc Linh nhưng phía Quảng Nam cũng muốn là một thương hiệu, phía Kon Tum cũng muốn là một thương hiệu?

Ông Nguyễn Trí Ngọc: Ở trên, Bộ trưởng Hoan nói “lời nguyền” là một chữ rất nhân văn. Thực ra, phân tán, nhỏ lẻ, manh mún là đặc trưng của nền nông nghiệp Việt Nam. Quá trình nô hóa trong lịch sử dẫn đến tâm lí bảo thủ, trì trệ, được di truyền từ đời này sang đời khác. Tính tư hữu của nông dân càng được củng cố khi ruộng đất trở thành tư liệu sản xuất nằm trong tay họ. 

Tư duy đó không chỉ có ở nông dân mà còn ở lãnh đạo các địa phương. Địa phương nào cũng đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội riêng; qua đó đánh giá năng lực của đội ngũ lãnh đạo… Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp thời đại mới đòi hỏi quy mô tập trung, mang tính liên vùng. Con sông đâu chỉ một tỉnh, khí hậu, thị trường cũng đâu chỉ gói lại trong một tỉnh? Tư duy một tỉnh đó tác động và làm phân tán nguồn lực cộng đồng, tài nguyên tự nhiên, thị trường… tạo ra sự manh mún. Kéo theo chính sách cũng như những nguồn lực của nhà nước cũng bị phân tán theo. Cuối cùng, liên kết vùng không có. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi hay nói với các địa phương: “Tôi cũng từng là lãnh đạo một địa phương, tôi biết, ai cũng muốn ăn cây nào rào cây đó. Nhưng đã tới lúc, phải thay đổi tư duy”. Ai cũng nghĩ đó là sự phân chia một miếng bánh, nếu nơi này nhiều thì nơi kia sẽ ít. Sao không nghĩ cách để làm chiếc bánh đó lớn ra nhờ tư duy liên kết, hợp tác và ai cũng sẽ có cái phần của mình trong đó? Tư duy liên kết, hợp tác trên thế giới đã được định hình lâu rồi. Ví dụ, 27 nước châu Âu cùng liên kết lại thành Liên minh châu Âu (EU). Vì phát triển, họ chấp nhận ngồi lại với nhau, làm gì cũng làm với nhau. Ngồi với nhau trở thành văn hóa, thành triết lí sống. Đừng nghĩ có ai cạnh tranh với ta; mà phải nghĩ ta còn có thể liên kết với ai được nữa không?

 
 
 
 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chuyện rủi ro của thị trường thì nước nào cũng có nhưng ở những nước tiên tiến, họ hạn chế thấp nhất. Họ định hình bằng phát triển vùng nguyên liệu, ở đó có sự tham gia của hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức nông dân, các chương trình của nhà nước. Liên kết chuỗi rất vững. Ở các nước, hiệp hội ngành hàng của họ cũng rất mạnh. Đó là một trong những cánh tay nối dài của nhà nước và thực sự là một tổ chức gần dân. Hiệp hội ngành hàng ở ta vẫn là một tập hợp ghép rời rạc. Ở ta, tư duy ngắn hạn đang giết chết tất cả. Nông dân thì tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó. Doanh nghiệp thì tư duy thương vụ, cái gì béo bở thì nhào vô làm ăn, không thì thôi. Chính quyền thì tư duy nhiệm kì. Trong khi đó, giấc mơ về một vùng nguyên liệu bền vững, không phải là một ngày, một bữa, một vụ. 

Ông Huỳnh Cảnh: Trên thế giới, có những hiệp hội về trái cây rất mạnh. Họ có thể quyết định sản lượng cũng như tình hình xuất khẩu của một ngành hàng. Ở Việt Nam chưa có hiệp hội nào mạnh đến vậy. Tỉ lệ người dân và doanh nghiệp tham gia vào hiệp hội rất nhỏ, hiệp hội ở ta chưa đủ tầm để gây ảnh hưởng hoặc quyết định đến sự phát triển của một ngành hàng. Chẳng hạn tỉnh Bình Thuận, hiện cả tỉnh có trên dưới 200 doanh nghiệp làm về trái thanh long, nhưng số doanh nghiệp tham gia Hiệp hội Thanh long của tỉnh chỉ chiếm khoảng 10%. Nếu có hơn 50% nông dân và doanh nghiệp vào hiệp hội, tiếng nói của hiệp hội sẽ khác. Có nhiều lý do khiến người ta e ngại khi tham gia hiệp hội. Trong đó có việc, người tham gia không được quyền lợi gì; hai là nói thật, cũng rất mất thời gian. 

Ông Nguyễn Trí Ngọc: Về chính sách, từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98 nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhưng nhìn chung, liên kết chuỗi của chúng ta vẫn còn lỏng lẻo và mang tính đặc trưng của sản xuất mùa vụ, thiếu tập trung… Tuy nhiên, trong tình hình mới, hoặc là phải liên kết hoặc sẽ bị bỏ lại phía sau. Nhất là gần đây, thị trường Trung Quốc cứ tưởng là dễ tính nhất thì giờ họ cũng bắt đầu đòi hỏi rất cao về chất lượng. Ta phải thay đổi sự tùy tiện trong sản xuất nông nghiệp. Để làm được, phải tổ chức lại sản xuất, trước hết phải từ khâu liên kết. Liên kết với nhau để thành tổ hợp, liên kết với nhau để hoàn thiện hạ tầng, hợp tác với nhau để tiêu thụ sản phẩm. 

Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân: Tôi biết hiện nay, có những doanh nghiệp hợp tác với một nhóm nông dân để tạo ra một vùng nguyên liệu để họ cung cấp dịch vụ đầu vào rồi thu mua sản phẩm đầu ra để chế biến. Song, sự hợp tác đó vẫn chưa bài bản. Mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức nông dân và tổ chức doanh nghiệp chưa bị ràng buộc bởi những cam kết, những hợp đồng kinh tế mang tính pháp lý. 

Muốn phát triển được vùng sản xuất và liên kết được doanh nghiệp với nông dân để chuỗi hàng hóa lưu thông, nông dân phải tham gia vào HTX. Muốn vậy, như tôi nói ở trên, Luật HTX cần phải được sửa đổi phù hợp để đưa vào cuộc sống. Thực tế ở ĐBSCL và các vùng khác cho thấy muốn HTX có năng lực kinh doanh tốt, giám đốc và ban quản trị phải có năng lực đủ mạnh và có thu nhập cao. HTX phát triển phải dựa vào kinh doanh; nếu chỉ dừng lại ở việc tổ chức hợp tác sản xuất và làm đầu mối trung gian giữa nông dân và doanh nghiệp để hưởng lợi hoa hồng thì cũng sẽ không phát triển. Ở ĐBSCL hiện tại chủ yếu là dạng này. Nông dân, HTX và doanh nghiệp là những thành tố của hệ sinh thái kinh doanh. Muốn hệ sinh thái này phát triển biền vững thì các thành tố này cần hỗ tương tốt, đóng góp với nhau cho mục tiêu chung và cùng mạnh lên.

Vai trò của Nhà nước và Viện/Trường là tạo môi trường thuận lợi cho hệ sinh thái này. Thậm chí khi HTX mạnh lên có thể trở thành doanh nghiệp để tạo hệ sinh thái kinh doanh mới. Có như vậy mới tạo nên những cụm kinh doanh/đầu mối nông sản ở địa phương. Nhiều cụm này sẽ liên kết với trung tâm kinh doanh/đầu mối cấp tiểu vùng và vùng như định hướng của quy hoạch tích hợp vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050.

 
 

 Ông Huỳnh Cảnh: Hiện ở Bình Thuận, có khoảng 33.000 hecta trồng thanh long. Trong đó, chỉ có 30% diện tích đạt chuẩn VietGAP, 5% đạt GlobalGAP. Tỉ lệ còn rất thấp. Hiện, thị trường thanh long chưa có yêu cầu phải làm VietGAP. Hay nói chính xác hơn, VietGAP không phải là tiêu chí để thanh long có thể xuất khẩu. Vì thế, bà con chưa nhận thấy phải sản xuất theo chuẩn VietGAP để làm gì. Chưa kể, ở ta, có hiện tượng chạy theo con số, chỉ tiêu của tỉnh. Có việc cấp chứng chỉ VietGAP tràn lan, gây ra sự bất minh trên thị trường. Bà con chưa được hướng dẫn để quản lý sản phẩm do mình làm ra và tự mình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chưa được hướng dẫn để biết làm theo chuẩn quan trọng ra sao. Tuy nhiên, với yêu cầu chất lượng ngày càng cao của thị trường, bà con cũng dần phải thay đổi tư duy. Có thể hiện tại, VietGAP chưa phải là yêu cầu để xuất khẩu nhưng nếu cố gắng duy trì và đạt, cũng là một tiêu chí cho thấy chất lượng sản phẩm. Sản phẩm có chất lượng, không dư thừa lượng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật… sẽ khiến người ta tin tưởng, có uy tín và tồn tại hoài trên thị trường. Nếu sàng lọc qua thị trường và bị bắt lỗi, thì đến cả thị trường nội địa cũng không dung chứa nổi sản phẩm do mình làm ra. Nếu có được một HTX mạnh, quán triệt và cung cấp kiến thức cho bà con thì quá tốt.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hiện có nhiều hình thái nông nghiệp mới như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị… Trên cùng một mảnh ruộng, người ta vừa làm du lịch, vừa trồng lúa, chăn nuôi… Vùng nguyên liệu có thể là nơi chuyển tất cả mô hình kinh tế nông nghiệp mới vào trong đó, ở đó, nông dân và HTX, HTX và doanh nghiệp, các địa phương… liên kết cùng có lợi trong một chuỗi ngành hàng. Lúc đó, vai trò của nhà nước nằm ở kiến tạo, kết nối thông qua khuyến nông, thông qua trồng trọt, chăn nuôi… từ đó đưa ra những quy chuẩn, hỗ trợ hạ tầng chung cho một vùng nguyên liệu. Hay chẳng hạn sắp tới, Bộ có chương trình hỗ trợ kho bãi trong các vùng nguyên liệu, nếu đó là mô hình nhỏ lẻ, nhà nước không thể hỗ trợ được hết, doanh nghiệp đầu tư vào cũng thấy không đáng. Nhà nước và doanh nghiệp cùng đầu tư cho nông dân thông qua một quy mô đủ lớn; khi đủ lớn, chúng ta truyền thông, giới thiệu, xây dựng hình ảnh cũng dễ hơn. Và cũng chỉ với quy mô đủ lớn, mới có thể tác động được thị trường. 

Nếu có một vùng nguyên liệu, ta cũng có thể hình thành nên những thiết chế nông dân (những tổ chức nông dân, HTX hay các hội quán nông dân, ở Đồng Tháp là ví dụ), để bà con, nhà khoa học, nhà quản lý cùng ngồi lại với nhau. Qua đó, người dân được cập nhật những kiến thức, những xu hướng của ngành, được trang bị kiến thức thị trường, kĩ năng buôn bán… Từ đó, hình thành một lớp nông dân mới, chuyên nghiệp, có tri thức, biết làm chủ thửa ruộng của mình. Ý nghĩa của việc chuyển quy hoạch sản phẩm sang quy hoạch vùng nguyên liệu là vậy. Đó không phải là ghép những mảnh đất nhỏ thành một mảnh đất lớn và đặt tên là vùng nguyên liệu. Sâu xa là thay đổi hoàn toàn tập quán sản xuất, cách định vị một ngành hàng nông nghiệp, tạo ra giá trị cao hơn, đồng thời hình thành nên một đội ngũ nông dân, đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp trong vùng nguyên liệu đó. 

Cảm ơn các khách mời đã tham gia bàn tròn.