, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 28/03/2024, 15:35
Cột cờ Lũng Cú.
 

Hành trình hơn 450km từ Hà Nội lên TP Hà Giang rồi nghỉ đêm, sau đó tiếp tục theo con đường Hạnh Phúc (quốc lộ 4C) đưa chúng tôi đến cao nguyên đá, vùng đất xa xôi nơi biên cương Tổ quốc, thuộc 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. 

 
Đường lên cao nguyên đá.
 

Với tôi, cao nguyên đá có rất nhiều kỷ niệm bởi hơn 10 năm trước, tôi đã từng có thời gian ngắn làm việc tại vùng đất Hà Giang mến người, trọng nghĩa. Những chuyến công tác lên cao nguyên tuy vất vả song luôn đong đầy hạnh phúc và tạo cơ hội cho một người trẻ như tôi có được những trải nghiệm đáng quý, đáng nhớ với bao điều mới lạ. Chuyển công tác về xuôi nhưng nỗi khắc khoải, khát khao được thăm lại cao nguyên đá vẫn luôn thường trực trong tôi.

Có người từng bảo “Chưa lên cao nguyên đá thì coi như chưa đến Hà Giang”, nhưng với tôi, Hà Giang còn rất nhiều địa danh khác với những cảnh đẹp hút hồn, những phong tục độc đáo, mới lạ. Ở Hà Giang mùa nào cũng đẹp, mỗi mùa có sức quyến rũ riêng và quan trọng nhất, tình người vùng cao luôn chân thành, ấm áp dù cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn.

 
Những nếp nhà ở Mèo Vạc ẩn khuất trong màn sương.
Dòng sông Nho Quế.
 

Hà Giang ngày tôi trở lại dường như không thay đổi. Vẫn những con đường đèo uốn lượn, vắt vẻo trên triền núi, vẫn những vách đá cheo leo phủ đầy sương và nơi “Cổng trời”, từng cơn gió lạnh tê tái vẫn đều đặn tràn qua những vạt đá tai mèo xám xịt, chập chùng đuổi nhau đến tận chân trời. 

Cao nguyên đá Hà Giang mùa này thật đẹp. Những vườn lê, đồi hồng xanh mát mắt. Những thửa ruộng bậc thang lúa bắt đầu chín. Những ngôi nhà sàn gỗ óng lên màu thời gian và những cô thiếu nữ dân tộc Dao, Lô Lô, Mông… mắt ướt mượt sóng sánh, má hồng lên dưới nắng. 

 
 
Người Mông tận dụng từng hốc đất để canh tác trên núi đá.
 
 

Mấy ai lên cực Bắc mà không đến thăm phố cổ Đồng Văn - một quần thể các công trình kiến trúc mang phong cách kiến trúc cổ Việt Nam - Trung Hoa rất độc đáo với hơn 40 nếp nhà của đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Hoa, Mông, Dao sinh sống từ lâu đời. Vào ngày chợ phiên, khu phố cổ vốn nhỏ bé, tĩnh lặng bỗng trở nên náo nhiệt, đông vui như ngày hội. Chợ Đồng Văn mỗi tuần họp một phiên duy nhất vào chủ nhật, hội tụ đủ các sắc màu khác nhau bởi những bộ trang phục rực rỡ của người Mông, Dao, Tày, Giáy, Nùng, Lô Lô… Họ đổ từ các ngả núi xuống chợ. Người dắt lợn, dắt chó, người gùi củi, gùi rau… Phiên chợ vùng cao không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là điểm hẹn, là nỗi khắc khoải mong chờ của bao nam thanh nữ tú. Họ đến chợ để gặp gỡ, tìm hiểu và trao duyên. Hoặc chỉ để uống rượu và tìm gặp người xưa… 

 
Một nếp nhà đơn sơ của người Mông. 
Một số hộ dân ở Quản Bạ trồng cỏ nuôi bò trên phần đất bị sạt lở.
 

Với đặc trưng là những dãy núi đá vôi trùng điệp, ngoài thời tiết quanh năm trong lành, mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên quyến rũ, Hà Giang là nơi không thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp. Để có thể trồng trọt, người dân phải cày trên những mảnh nương đá nhiều hơn đất hoặc phải gùi đất đổ vào từng hốc đá tai mèo (đồng bào gọi là thổ canh hốc đá) để trồng ngô, gieo hạt dền hay hạt tam giác mạch. Vật lộn với thiên nhiên để mưu sinh nên từng vạt ngô, vạt tam giác mạch lên xanh mượt là bao công khó nhọc đổ xuống. 

Anh Phạm Văn Phương, công nhân đang làm việc ở nhà máy thủy điện Nho Quế (Mèo Vạc), người dẫn chúng tôi đi thăm thú cao nguyên đá kể rằng vào mùa khô, nước ăn với người dân tộc đã là một điều xa xỉ, nói gì đến nước giặt giũ, tắm rửa. Một chậu nước họ phải tận dụng để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Để giúp đồng bào khắc phục phần nào sự khó khăn về nước sinh hoạt, những năm qua Đảng, Nhà nước đã đầu tư xây dựng những chiếc bể treo tích nước trên cao nguyên này, nhờ đó, đời sống của người dân đỡ vất vả hơn. Bạn tôi cũng bảo, bà con ở đây toàn gọi rượu là nước. Nước sinh hoạt có thể thiếu nhưng rượu thì lúc nào cũng có sẵn trong nhà, mỗi khi có khách quý rượu chính là thứ không thể thiếu để đưa ra mời thay tấm chân tình của người trên cao nguyên đá.

 
Du khách chinh phục đỉnh Mã Pì Lèng. 
Những em bé vùng cao.
Hồn nhiên.
Trẻ em chạy theo xe ô tô để mong nhận những phần quà của du khách.
 

Trên suốt cung đường, thi thoảng chúng tôi lại gặp những em bé vùng cao với đôi mắt trong veo, quần áo mỏng manh đi trong giá lạnh. Nhiều em gùi những bó cỏ to hơn người mang về cho trâu bò ăn hoặc gùi những bó hoa tam giác mạch chờ bán cho du khách kiếm tiền phụ bố mẹ… 

Trẻ em ở huyện Yên Minh bán bánh dọc đường phụ giúp bố mẹ.

Từ khi cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là công viên địa chất toàn cầu (năm 2010), khách du lịch trong và ngoài nước đã đến đây nhiều hơn. Nhờ vậy, điện, đường, trường, trạm cũng được đầu tư nhiều hơn. Du lịch mở ra những hướng đi mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao nguyên đá, giúp đồng bào vùng cao có điều kiện sống tốt hơn xưa… 

Chia tay Hà Giang, tôi thầm mong lần trở lại sau sẽ được thấy vùng đất thân thương này đẹp hơn nữa, sung túc hơn nữa và tiếng hát, tiếng khèn da diết gọi bạn của những chàng trai vùng cao vẫn không thôi bay lượn qua trên những đỉnh núi mờ sương… 

Phạm Thị Ngoan