, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 19/04/2024, 19:35
 

Thủy Xuân, giữ nghề xưa kết hợp với du lịch

Làng hương Thủy Xuân không chỉ là làng nghề nổi tiếng của cố đô với hàng loạt các cơ sở làm hương mà còn là điểm đến du lịch đầy ấn tượng.

 
 
 
 

Đi về hướng Tây Nam thành phố Huế tầm 7km, trên đường Huyền Trân Công Chúa là làng hương lớn nhất xứ Huế, nổi tiếng với nghề làm hương trầm hàng trăm năm nay. Đến làng, ngoài tham quan, du khách còn được trải nghiệm các công đoạn làm hương bằng thủ công khi có thể tự tay làm nên một nén hương thơm ngát.

Làng… thơm

Vừa bước chân đến đầu làng, khách đã có thể nghe hương thơm tỏa ngát không gian. Hương Thủy Xuân có mùi thơm đặc trưng. Hầu hết người dân ở đây đều biết se hương từ khi còn nhỏ. Họ sống bằng nghề làm hương, nghề truyền thống như đã ăn sâu vào máu thịt.

Theo lời của nhiều nghệ nhân thì nghề làm hương ở đây đã tồn tại hơn 700 năm. Xưa, đây là nơi cung cấp hương cho triều đình, các phủ quan và nhân dân trong vùng Thuận Hóa. Qua nhiều thế hệ, dân trong làng cổ vẫn duy trì nghề gia truyền để làm nên những cây hương trầm thơm ngát cho đời, phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân trong, ngoài tỉnh.

 
 
 
 

Như nhiều làng nghề làm hương khác, để làm hương, khâu quan trọng đầu tiên là chọn nguyên liệu. Nguyên liệu làm hương ở Thủy Xuân thường gồm ngũ vị thuốc bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi, bạch đàn, quế… hòa với nước, trộn lại với nhau làm bột hương. Người Huế kỵ thắp hương bị tắt nửa chừng hay cháy bùng bất thường, vì vậy, lõi hương Thủy Xuân phải là thân tre già lấy từ rừng Nam Đông, Bình Điền hay Phong Sơn về chẻ nhỏ và được phơi nắng liên tục nhiều ngày để lõi hương thật khô, thật giòn. Làm vậy, khi đốt lên, cây hương mới cháy đều đến tận chân hương mà không gãy ngang. Công đoạn chẻ lõi cũng yêu cầu sự điêu luyện và dứt khoát của người thợ mới làm ra được từng loại chân hương theo đúng kích cỡ đại, trung, tiểu. Bột hương trộn dẻo rồi được se quanh lõi hương, se sao cho vừa đủ mỏng, tròn rồi mới đem đi phơi nắng.

Để tăng năng suất, có hộ đầu tư máy móc chẻ lõi, se hương… Làm bằng máy có thể cho sản lượng tăng gấp năm đến mười lần, góp phần tăng giá trị kinh tế. Tuy vậy, vẫn có những nghệ nhân tâm huyết duy trì đồng thời cả việc làm hương thủ công, như gia đình bà Tuyết, bà Bích Loan… Theo họ, làm bằng tay sẽ khiến cây hương cháy chậm hơn và tỏa mùi thơm xa hơn, lâu hơn. Và quan trọng, để lưu giữ lại cách làm truyền thống đã được truyền qua nhiều đời, nuôi sống bao con người và làm nên niềm tự hào của làng.

Hương Thủy Xuân cung cấp ra thị trường đủ các loại như: hương quế, hương dầu sả, hương thơm tẩy mùi, nhang vòng, nụ trầm, nổi bật nhất là hương trầm. Hương của làng không sử dụng hóa chất, chỉ dùng các loại hương liệu, nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường, sức khỏe nên có màu vàng sáng và mùi hương đặc trưng dễ chịu.

Người làng nghề duy trì nghề làm hương bởi đam mê nghề là chính, vì hương được làm thủ công nên năng suất không cao, giá thành lại rất bình dân, lợi nhuận chỉ đủ lo bữa cơm trong ngày.

 
 
 
 

Và những trải nghiệm…

Từ nhu cầu của du khách, nhiều hộ dân trong làng ngày nay đã bày biện thêm các quầy hàng trưng bày và bán nhiều loại hương do gia đình làm, ngoài ra, còn có nơi để du khách tham quan hoặc trải nghiệm các công đoạn làm hương, chằm nón lá (một sản phẩm nổi tiếng của xứ Huế). Do làng nằm ven đường nên ngày nay, đường Huyền Trân Công Chúa còn được gọi là đường Làng hương xứ Huế. Con đường này nằm trên trục đường du lịch của địa phương, gắn với các điểm tham quan di sản như lăng tẩm của các vua Tự Đức, Đồng Khánh hoặc đồi Vọng Cảnh, chùa Từ Hiếu, chùa Thiền Lâm…

 
 
 
 

Hầu hết du khách đến làng đều bày tỏ sự thích thú khi được tự tay làm hương, nhất là công đoạn se hương. Nhiều vị khách khác thì chăm chú đi từ nhà này sang nhà khác để chọn mua những loại hương phù hợp mang về nhà hoặc dâng hương tại các chùa lân cận. Thời điểm tuyệt vời nhất để ghé thăm làng hương là vào mùa hè. Lúc này thời tiết khô ráo, hương đã làm xong và tăm hương sẽ được phơi trên nhiều đoạn đường trong làng. Hương truyền thống thường chỉ có hai màu đỏ và nâu. Tuy nhiên, để bắt mắt, những nghệ nhân ở làng hương Thủy Xuân còn phối thành nhiều màu để nhuộm chân. Dạo bước quanh làng nghề làm hương trăm tuổi, khách sẽ thích thú với những con đường trải đầy các bó chân hương xòe tròn như cánh hoa cùng đủ màu tím, vàng, xanh, hồng, đỏ… đang phơi mình trong nắng. Với nhiều bạn trẻ, cảnh tượng này rất thích hợp để có những bộ ảnh “check-in” đẹp và riêng biệt.

 
 
 
 

Làng hương Thủy Xuân hiện còn khoảng 50 hộ giữ nghề, trong đó có 20 hộ kết hợp làm nghề với làm du lịch. Nhiều năm qua, làng đã tham gia các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh làng nghề truyền thống cũng như điểm đến du lịch với bạn bè trong nước và quốc tế.

Với những nét đặc trưng của làng nghề truyền thống được gìn giữ cẩn thận cùng sự chân thành, thân thiện của người dân, làng hương Thủy Xuân hội tụ nhiều yếu tố tích cực để trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách.