, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 27/04/2024, 19:50
 

Mùa Đông năm 2023, trên Đường Hồ Chí Minh giữa rừng già trùng điệp, chỉ có tiếng côn trùng và chim chóc gọi nhau. Chiếc xe chở đoàn người từ Sài Gòn - TP.HCM tiến sâu vào con đường 20 Quyết Thắng. Tiến dần lên cột mốc 543 biên giới Việt - Lào. Trên mọi khúc quanh của con đường đẹp như lụa, tuồng như có nụ cười của ai đó lẩn khuất sau những tán lá rừng, thân thiện, gọi mời. Từng khúc quanh mềm mại nơi này, hơn nửa thế kỷ trước, là tọa độ máu, nơi biết bao nụ cười thanh xuân đã tắt lịm, thân xác thanh xuân đã gửi lại trên hàng trăm khúc quanh như thế. 50 năm sau, linh hồn của những thanh xuân như vị thần rừng, khôn thiêng trong từng chếc lá, thổi vào dãy Trường Sơn bừng lên dưới ánh nắng ngày đông.

Câu chuyện đẫm chất sử thi về những người mở đường được người đàn ông từng là bộ đội Trường Sơn kể đi kể lại, gấp gáp, liên tục, như là, nếu không kịp xâu chuỗi từng việc, không kịp ghép từng mảnh, là sẽ không kịp gửi gắm lại một ký ức lịch sử. 

Vào lúc này, ngay chỗ từng người trong đoàn người từ Sài Gòn - TP.HCM đang chạm tay vào những phiến đá đánh dấu cột mốc 543, là phân ranh Việt - Lào. 50 năm trước, hòng “lật cánh” đường vận tải chiến lược và đường giao liên từ phía Đông dãy núi Trường Sơn sang phía Tây Trường Sơn, họ đã mở đường vận tải chiến lược quân sự Tây Trường Sơn trên đất nước Lào. Người đàn ông nhớ lại, người dân Lào đã giúp đỡ nhiều mặt cho bộ đội Việt Nam. Chiến tranh ngày càng ác liệt, bị đánh đường này bộ đội mở đường khác tạo thành một mạng đường như trận đồ bát quái. Người dân Lào đã nhường tất cả những chỗ nào có thể làm đường được cho bộ đội mở đường, họ không chỉ di tản đi nơi khác mà còn cung cấp cho bộ đội cả lương thực, thực phẩm… 

Phiến đá phân ranh số 543 giờ đây trong ý nghĩ của tôi là cột mốc ân tình. Và bên kia, trên mảnh đất thân ái của người Lào, thân xác của biết bao thanh xuân Việt còn nằm lại, chưa tìm được đường về, lặng lẽ chờ người đón. Tiếng chim gọi bầy buồn hiu trên đỉnh núi từ xuân sang hạ đến thu qua đông rồi lại xuân, nửa thế kỷ…

Mùa hè năm 2022. Khi Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP được hoàn thành, như chỗ trú ngụ cho hàng vạn linh hồn nơi quan tái, họ được đón về bằng một lễ rước linh thiêng.

 
 
 
 

Trong một bữa rượu, khi tôi nói Đền tưởng niệm Cà Roòng – ATP trên đường 20 Quyết Thắng vừa ra đời như khúc tưởng niệm, thình lình bất ngờ ngay cả với cựu binh Trường Sơn. Ngày khánh thành ngôi đền, khi tiếng chuông gióng giả vang lên, nhiều người lính đã đưa tay quệt nước mắt, và một cựu binh mặt trận phía Bắc giờ đã chạm tuổi 70 ngồi nghe, bật khóc: “Đời tôi quảng giao cũng nhiều, nhưng bạn bộ đội là bền nhất”.

Sẽ chẳng có so sánh nào là nhất, nhưng chính vì thế, mọi trải nghiệm đều có giá trị riêng nó. Ai đó nói rằng, kinh nghiệm sinh tử là thứ nhớ dai nhất, dù muốn lãng quên. Đây không chỉ là chuyện mất - còn, mà là thứ giấy quỳ để nhận diện mặt người viết hoa. Có lẽ vì vậy mà, người đàn ông sống sót trở về từ những tọa độ lửa, từ những khúc quanh kinh hoàng, từ rừng hoang núi lạnh, đã muốn kể về những “người bạn bộ đội” mãi mãi ở lại trong trái tim mình. Một ngày cuối năm, người đàn ông lầm lũi về núi, chờ đêm qua mau để vào đền thỉnh chuông gọi bạn.

 
 
 
 

Và sáng nay, trong sương mù đẫm lạnh vùng biên ải, tiếng chuông gióng giả từ đền thiêng đó tiếp tục vọng từng hồi thanh thoát. Âm thanh ra đi từ ruột chiếc đại hồng chung vang những thầm thì, nghe như là nước mắt, là hân hoan và cả tiếng cười nói xôn xao. Tất cả dồn lại rồi loãng ra, thanh âm từ khối đồng nguyên chất như được ai đó rắc những ánh vàng lấp lánh, đọng lên lá, lên thân cây ủ mục, cả hốc đá và cây cỏ vô danh, tìm tới con suối nhỏ như sợi chỉ len lỏi từ ruột đất. Mọi vật đều được phần, được đón thứ ánh sắc ngân vang coong coong. Tiếng gọi, đúng rồi, dù nhỏ, rất nhỏ, như tiếng người gọi người, thì thầm, mải miết không dừng. Tôi chìm vào một giấc mơ bồng bềnh. Hình như rừng xao động. Một thứ tiếng động không dáng hình, chỉ có đôi mắt, không, hàng ngàn đôi mắt nhìn tôi. Những đôi mắt tuổi 20 trong veo. Những đôi mắt biết đi. Đi theo tiếng chuông gọi, trùng trùng tiến về đền tưởng niệm. Khi chuông bặt tiếng, mọi thứ biến mất, âm – dương đã giao hòa, tôi ngước lên trời xanh thăm thẳm, trí óc bỗng dội về câu thơ cổ Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư (Một tiếng kêu vang lạnh cả trời). 

Tôi đã nghe chuông từ những ngôi chùa trên núi, giữa phố thị ồn ào ngựa xe, chốn thôn dã sư thầy như tín đồ nông phu chân lấm tay bùn, cả tiếng chuông ở đảo xa. Mỗi nơi một cảm xúc, do cảnh mà sinh tình, dẫu rằng đều đồng quy ở thanh thản, thoát tục, nhẹ lòng với phiền trược kiếp người. Nhưng ở chốn này, cũng tiếng chuông gieo hạt từ tâm của Phật, cũng vọng từ pháp khí mang theo lời kệ Ba nghiệp lắng thanh tịnh - Gửi lòng theo tiếng chuông - Nguyện người nghe tỉnh thức - Vượt thoát nẻo đau buồn (Kệ chuông - Nhất Hạnh), nhưng sao thấy dằng dặc nỗi ao ước, bởi chiếc đại hồng chung đấy, vang lên chốn này, là điều có một không hai ở xứ sở. Chuông được đặt chốn không phải am đường miếu tự, cũng không phải nghĩa trang, mà trên chiếc xương sống của dải đất hình chữ S, dẫu nửa thế kỷ đã vắng binh đao, vẫn khôn nguôi những đôi mắt như dò tìm đường về quê mẹ. Chuông Cà Roòng trên đỉnh Trường Sơn. Tôi có niềm tin, như bao người luôn nghĩ đến người đã khuất, tiếng chuông vô lượng mà nhiệm màu, sẽ mở đường dẫn dắt những sinh linh bơ vơ, tìm được lối về đoàn viên, để cùng khóc cười ngày hạnh ngộ. 

 
 
 
 

Đừng bao giờ anh hỏi chuông gọi hồn ai. Chuông gọi hồn anh đó (John Donne). Đây là lời đề từ cho bộ tiểu thuyết Chuông Nguyện Hồn Ai của Ernest Hemingway. Một “phi lộ” hiển ngôn, rằng tiếng chuông hay lời của hiện tại, bằng sự lay động, vang đập vào những đường bay tâm thức, không dừng lại ở chuyện gõ vào quá khứ để an ủi cho những linh hồn. Theo điển chế Phật Giáo, tiếng chuông có thể thấu đến địa ngục, ai bị đọa đày mà nghe được, liền được giải thoát. Nhưng tôi nghĩ, những người lập đền, thỉnh chuông không dừng lại ở ý nghĩ đó. Lòng họ đã đi từ đau đớn đến thanh tịnh để đặt đúc rồi gióng chuông. Lòng thanh tịnh thì nhiệm màu mới đến. Tiếng chuông hòa vào hồn thiêng sông núi, hương hồn chiến sĩ trận vong sẽ được siêu thoát đã đành, nhưng nó như một lời vọng lại. Chuông như bài kệ, bài kinh không lời, mang những hạt từ bi che chở, yêu thương, vỗ về và tỉnh thức. Chuông Cà Roòng còn là lời nguyện cầu cho hòa bình, cho tình yêu và nụ cười. Trường Sơn – xương máu, một bảo tàng đớn đau và thiêng liêng chẳng nơi nào hơn trên đất nước này. 

Nghe tiếng chuông ngân trong buổi sớm cuối năm biên giới, tôi muốn quỳ hôn cát bụi của người, ôi quê hương yêu dấu.