, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 29/04/2024, 04:29
 
 
 

Thưa ông, nhìn lại tiến trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) từ những ngày đầu cho tới nay, theo ông điều tích cực nhất mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (Chương trình) mang lại cho người dân là gì?  

TS Ngô Trường Sơn: “Xây dựng NTM đã trở thành một tiến trình mang tính toàn diện và lịch sử”, câu nói đó có thể khái quát một cách đúng, đủ và toàn diện.

Thứ nhất, toàn diện ở nhiều khía cạnh: đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư. Chương trình đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội ở khu vực nông thôn, kết quả của Chương trình đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường ở nông thôn. Chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn ngày một nâng cao, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. 

Thứ hai, yếu tố lịch sử có thể thấy được đó là xây dựng NTM được xác định là quá trình liên tục “chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”. Do đó, xây dựng NTM luôn phù hợp với bối cảnh, nhưng cũng đặt ra nhiều yêu cầu theo hướng đổi mới và sáng tạo. Cụ thể, mặc dù đến nay, cả nước đã có 74.05% số xã đạt chuẩn NTM; 41,1% đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM và 20 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc NTM sẽ về đích, mà chúng ta phải tiếp tục xây dựng NTM theo hướng nâng cao, kiểu mẫu và có thể hướng đến NTM thông minh.

 
 

Nói về phát triển kinh tế làng quê, phải kể đến chương trình OCOP – một chương trình có ý nghĩa thiết thực và nổi bật trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Cụ thể, chương trình này đã đóng góp như thế nào trong việc xây dựng NTM? 

Đối với Chương trình OCOP, được xác định là một giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM, nhất là phát huy nội lực và gia tăng giá trị; nâng cao chất lượng, thương hiệu của sản phẩm OCOP theo hướng phát huy giá trị tài nguyên bản địa, truyền tải về văn hóa, tri thức dân gian của địa phương. Với tiếp cận về “Tinh thần OCOP Việt Nam” như vậy, trong hơn 5 năm qua, Chương trình OCOP đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, có thể nhìn thấy rõ ở những khía cạnh như:

- Về sản phẩm, Chương trình OCOP đã đạt được kết quả nổi bật với hơn 10.881 sản phẩm OCOP của 5.610 chủ thể đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,8% sản phẩm 3 sao, 31,1% sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao. Đặc biệt, sản phẩm OCOP đang từng bước khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”. 

- Các chủ thể OCOP đã từng bước thay đổi tư duy về sản xuất, từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa gắn với sản phẩm, chất lượng và thương hiệu của mình. Đồng thời, các chủ thể này cũng tham gia trực tiếp vào các kênh phân phối theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, mà ở đó chủ thể OCOP là tác nhân điều phối hoạt động của chuỗi. 

- Bên cạnh các yếu tố về chất lượng, an toàn thực phẩm, nhiều sản phẩm OCOP đã khai thác, tích hợp các giá trị về văn hóa, đặc điểm vùng miền, tri thức bản địa... hình thành các câu chuyện sản phẩm để gia tăng giá trị. 

- Năng lực quản trị, tổ chức về sản xuất, chế biến, thương mại sản phẩm của các chủ thể OCOP có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là các chủ thể đã có sự chủ động và tham gia hiệu quả vào các kênh phân phối hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi...), trong đó có thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến (online).

Như vậy, đến nay có thể khẳng định, Chương trình OCOP rất phù hợp về định hướng để phát huy thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của các địa phương, đặc biệt là các địa phương còn nhiều khó khăn về phát triển sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung, nhưng lại có sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và văn hoá đặc trưng…

 
 

Có thực tế là chương trình OCOP phát triển thành phong trào, nhưng không ít sản phẩm “sáng nở, tối tàn“, do nhiều nguyên nhân. Để OCOP phát triển một cách thực chất, trở thành những sản phẩm có linh hồn, tinh thần của người dân nông thôn, nhất là người trẻ, khiến họ tìm thấy năng lượng tích cực ở quê mình và chính mình để trở về quê và thành công, thì với phong trào OCOP hiện nay, hình như chất xúc tác thực sự chưa có?

Bên cạnh những thành tựu nổi bật đã nêu ở trên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại của Chương trình OCOP sau hơn 5 năm triển khai. Số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là các sản phẩm có lợi thế; thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia vào chương trình; chưa tập trung đến các giải pháp về chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, nâng cao năng lực thực sự của chủ thể; hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP. Đây cũng là những vấn đề mà Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tổ chức triển khai trong thời gian tới.

Để các sản phẩm OCOP trở thành những sản phẩm đặc sắc, cảm xúc, khơi dậy niềm tự hào về quê hương xứ sở, Chương trình OCOP sẽ tập trung vào một số giải pháp như:

- Chú trọng công tác nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy của lực lượng thanh niên và sinh viên nông thôn về phát triển kinh tế, trong đó có phát triển sản phẩm OCOP.

- Tập trung cho các sản phẩm là lợi thế, thế mạnh của địa phương, gắn với văn hóa và tri thức bản địa. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu.

- Khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn. Hình thành các câu chuyện mang tính quảng bá trên các nền tảng về giá trị văn hóa, tri thức bản địa của người dân và cộng đồng, đi kèm với thông điệp về tiêu dùng bền vững, có trách nhiệm.

- Nâng cao năng lực, sự chủ động của các chủ thể theo hướng hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa. Đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp đáp ứng thị trường xuất khẩu.  

Bên cạnh đó, Chương trình OCOP sẽ tập trung đẩy mạnh phong trào thanh niên khởi nghiệp, hình thành “sân chơi” giúp khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và động lực để khởi nghiệp và phát triển kinh tế, góp phần đánh thức và khơi dậy niềm tự hào của thanh niên nông thôn về các giá trị của sản phẩm OCOP.

 
 
 
 
 
 

Có thực tế tại nhiều địa phương, là khi đạt danh hiệu NTM rồi, sau một thời gian, lại mất tiêu chí, rớt hạng, bởi nội lực không theo kịp tác động của tình hình kinh tế xã hội. Tiêu chí đưa xếp hạng cho thấy định lượng hơn là định tính. Đây là con đẻ của thực chất hay là không thực chất của phong trào này. Cơ chế chính sách  sắp tới là gì, để chương trình NTM tiếp tục đứng vững và phát triển thực sự, thưa ông?

Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương xác định những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới như sau:

- Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình.

-  Đẩy mạnh triển khai Chương trình theo các nội dung thành phần, nội dung cụ thể, tăng cường phân cấp, trao quyền chủ động hơn nữa cho địa phương, cộng đồng và người dân quyết định. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình theo hướng đi vào thực chất, đảm bảo hiệu quả và bền vững như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã khẳng định, điều quan trọng và cũng là điểm mới của giai đoạn này là “xây dựng NTM là “tạo cốt” nhưng phải giữ được “hồn”, bản sắc văn hóa nông thôn”. 

- Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và với địa phương trong công tác tham mưu.

- Thực hiện tốt nguyên tắc “lấy người dân là chủ thể” trao quyền chủ động hơn cho các địa phương để linh hoạt áp dụng và khuyến khích cộng đồng, người dân tham gia vào xây dựng NTM.

Ông kỳ vọng như thế nào về sự phát triển của nông thôn Việt Nam trong tương lai xa (10 - 20 năm tới)?

Nghị quyết 19-NQ/TW đã khẳng định mục tiêu “Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh…”, đó là cái đích và mục tiêu hướng đến. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì xây dựng NTM phải trở thành khát vọng vươn lên, thay đổi sức sống và diện mạo nông thôn. Để cụ thể hóa được khát vọng đó thì người dân phải là chủ thể, trung tâm, động lực trong quá trình xây dựng NTM. Xét cho cùng, diện mạo và sức sống của nông thôn đều phải phục vụ người dân và do người dân tạo dựng, đó mới là hướng phát triển bền vững của nông thôn Việt Nam, là đích hướng đến của NTM và là những “miền quê đáng sống”, là nơi đi để trở về.

 

Widget "Chân trang - Nông thôn mới"