, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 24/04/2024, 05:55
 

Công nghệ và internet có mặt trong hầu hết mọi ngõ ngách cuộc sống hôm nay, thì chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực. CĐS trong nông nghiệp càng được quan tâm đặc biệt vì đây là ngành trụ cột của nền kinh tế. “Bên tách trà” kỳ này sẽ phát họa bức tranh toàn cảnh về CĐS nông nghiệp Việt Nam qua góc nhìn của ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) và ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp Số Việt Nam (VIDA). Cũng trong buổi tọa đàm này, ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Thủy canh Việt (Vietponics) và bà Phạm Diễm Lệ, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Hữu cơ Quảng Trị cũng sẽ chia sẻ những kinh nghiệm CĐS tại doanh nghiệp của mình. Người mời trà là ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Tổng biên tập Tạp chí Nông Thôn Việt.

 
 
 

 

Ông Nguyễn Đức Quang: Trong chúng ta hiện vẫn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về CĐS nông nghiệp. Các khách mời hôm nay có lẽ cũng có những định nghĩa khác nhau về CĐS. Vậy nó là gì, và CĐS nông nghiệp khác với việc ứng dụng các công nghệ thông minh vào nông nghiệp (công nghệ cao) thế nào?

Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Chuyển đổi số ngành nông nghiệp trước hết phải bằng việc số hóa ngành nông nghiệp, mà ta có thể hiểu là làm cho toàn bộ chu trình sản xuất nông nghiệp, mở rộng ra cả đầu vào và đầu ra, trở thành những module có dữ liệu và dữ liệu này được chuẩn hóa, hệ thống hóa, đồng bộ hóa. Việc ứng dụng công nghệ số giúp cho các dữ liệu đó trở thành dữ liệu số, từ đó có thể cộng hưởng hiệu quả toàn bộ tiến trình sản xuất nông nghiệp được tối ưu và đạt năng suất cao. Chỉ khi đó, các giai đoạn tiếp theo ứng dụng số hóa và chuyển đổi số mới có thể tiến hành một cách hiệu quả được. 

Ông Nguyễn Đức Tùng: Nông nghiệp công nghệ cao là khái niệm để chỉ ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa năng suất lao động trên mảnh vườn hay khu vực địa lý. Việc ứng dụng công nghệ giúp giảm nhân lực, giảm chi phí đầu tư ban đầu, đồng thời quản lý mọi yếu tố rủi ro trong quá trình canh tác. Khi công nghệ đóng vai trò then chốt thì có thể tiên lượng được thời điểm thu hoạch, sản lượng, chất lượng ra sao…

Còn CĐS nông nghiệp là một bức tranh toàn cảnh, phải có chính sách, nguồn tài chính, sàng lọc công nghệ, dữ liệu dùng chung, lựa chọn doanh nghiệp đầu đàn, lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng, nguồn nhân lực tham gia quá trình… Trong đó chỉ rõ vai trò của quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. Một vườn dưa công nghệ cao chỉ được hiển thị trên màn hình điện thoại của nông dân. Nhưng khi được số hóa, nó được cả Bộ trưởng Bộ NN&PTNT giám sát. Nhờ đó, những người đứng đầu chính phủ cập nhật rất nhanh tình hình nông nghiệp trên cả nước, nên việc điều chỉnh, bổ sung các chính sách phù hợp trở nên thuận lợi hơn. Có thể nói, CĐS là quá trình dịch chuyển toàn bộ nền nông nghiệp, lột tả nhiều mô hình sản xuất mới như kinh tế tuần hoàn, liên kết hoàn thiện chuỗi cung ứng, can thiệp tối thiểu của người dân, minh bạch sản xuất và công nghệ giữ vai trò quyết định.

Bà Phạm Diễm Lệ: CĐS đề cập nhiều đến các loại công nghệ hiện đại, từ các thiết bị không người lái trong việc phun thuốc trừ sâu, tưới tiêu, chụp hình từ trên cao - không ảnh cho đến công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối blockchain, công nghệ tiên đoán thời tiết, các thiết bị đo độ ẩm, tưới tiêu, các công nghệ robot, các ứng dụng thương mại điện tử… Người nông dân chỉ cần điều khiển các chương trình trên máy tính, mọi công việc ngoài vườn đã có máy móc lo. Thật là một tương lai đáng mơ ước của nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc áp dụng CĐS phải tùy theo vị trí địa lý, thổ nhưỡng và điều kiện kinh tế của từng vùng. Thực tế trên đồng lúa của chúng tôi ở Quảng Trị chưa thể áp dụng được CĐS trong quản lý canh tác sản xuất. Hiện chúng tôi chủ yếu áp dụng số hóa trong quản lý, bán hàng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm chứ khí hậu thời tiết miền Trung rất phức tạp, có khi nắng hạn không đủ nước để tưới tiêu, khi bão lũ phải bơm tháo nước. Như vụ Đông Xuân 2021 - 2022 bão lũ ngập trắng ruộng thì áp dụng CĐS theo kiểu nào? 

Mặt khác tại Quảng Trị với tính chất ruộng vườn manh mún nhỏ lẻ. Nông dân có người canh tác hữu cơ, có người canh tác bằng phân hóa học thì rất khó để đồng bộ. Mà nông dân cũng không có nguồn lực tài chính để đầu tư công nghệ sử dụng trên những mảnh ruộng nhỏ lẻ như vậy. Chỉ có cách là nhà nước đầu tư công nghệ rồi phân phối về cho huyện, xã, cho các hợp tác xã và nông dân thuê lại để sử dụng với giá rẻ. Còn doanh nghiệp hay nông dân tự đầu tư công nghệ thì cần nguồn vốn rất lớn, và ruộng đồng phải trên quy mô diện tích lớn mới đủ hiệu quả để đầu tư. 

Ông Nguyễn Đức Huy: Do đặc điểm về địa lý, địa hình nước ta khá đa dạng nên việc quy hoạch diện tích lớn để sản xuất nông nghiệp không dễ. Như địa hình khu vực Tây Nguyên không bằng phẳng, nên việc cố gắng “gom” lại thành những cánh đồng mẫu lớn để áp dụng tự động hóa, cơ giới hóa rất khó, do đó việc sản xuất nông nghiệp vẫn đang còn thâm dụng nhiều lao động, tốn nhiều nhân công. 

Muốn khắc phục tình trạng canh tác nhỏ lẻ, manh mún thì nên khuyến khích người làm nông nghiệp tham gia hợp tác xã. Giống như tôi nếu canh tác một mình thì chỉ có gần 1ha đất vườn, nên sản lượng không cao. Nhưng từ khi thành lập hợp tác xã thì tôi có được khu vườn rộng đến 3ha và trồng phong phú các loại rau củ.

 
 

Ông Nguyễn Đức Quang: Từ kinh nghiệm HTX của mình, ông có thể chia sẻ thêm với mọi người về cách tổ chức, vận hành và chia sẻ lợi ích trong HTX thế nào để tránh mâu thuẫn lợi ích?

Ông Nguyễn Đức Huy: Theo tôi, nếu để HTX vận hành theo mô hình công ty cổ phần là chưa thể hiện rõ được sự ưu việt của mô hình hợp tác xã hội và mô hình cũng sẽ thiếu bền vững, vì nếu chỉ góp vốn và chờ chia lợi nhuận thì sẽ rất dễ xảy ra mâu thuẫn lợi ích. Cách của chúng tôi là góp nhân (người) chứ không phải góp vốn. Người thì góp công sản xuất trên vườn, người thì làm marketing, người phụ trách kinh doanh… Các thành viên cũng phải nắm rõ luật HTX năm 2012, theo đó HTX phải có ít nhất 7 thành viên, mỗi thành viên không đóng góp quá 20% cổ phần. Và bất cứ thành viên nào cũng có quyền biểu quyết…

Cách tổ chức sản xuất trong HTX cũng cần có sự tính toán và phân chia một cách có kế hoạch. Làm sao để HTX không lâm vào tình trạng hàng nay có, mai không. Chẳng hạn, nếu xuống giống một lần thì HTX sẽ thu hoạch 1 tấn rau một ngày. Sản lượng nhiều rất dễ lâm vào tình trạng được mùa mất giá, không phải nhà buôn ép giá, mà vì bản chất nông sản là “sáng rau chiều rác”, bán không kịp sẽ phải đổ đi. Thay vì vậy, phải tính toán làm sao để mỗi ngày thu hoạch khoảng 33kg rau thôi. Như vậy, tổng lượng rau trong 1 tháng vẫn là 1 tấn, nhưng có rau hàng ngày thì vừa dễ bán được giá cao mà không cần “giải cứu” bao giờ. 

Nhưng để có thể tổ chức được vậy thì cần có công nghệ hỗ trợ, mà cụ thể là hệ thống tưới tiêu sao cho phù hợp. Vì trong một khu vườn thường sẽ có cây ở nhiều giai đoạn sinh trưởng khác nhau, có nhu cầu tưới và phân khác nhau. Làm sao thiết kế một hệ thống nhận biết nhu cầu của từng cây và đáp ứng đúng đủ cho nhu cầu đó, thì phải có một khu vườn thông minh (smart farm) dựa trên ứng dụng công nghệ.

 
 
 
 

Ông Nguyễn Đức Quang: Nếu xem công nghệ giữ vai trò then chốt trong công cuộc CĐS ngành nông nghiệp, thì việc lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp cũng là một việc không đơn giản? 

Ông Nguyễn Đức Tùng: Công nghệ thay đổi rất nhanh, nên công nghệ nào được đánh giá phù hợp thì là điều không tưởng. Doanh nghiệp phải có cho mình nền tảng dữ liệu phù hợp với chính yêu cầu từ nhà mua là thị trường. Người mua từ Mỹ không quan tâm anh dùng công nghệ nào, nhưng anh phải đảm bảo những tiêu chí căn bản, đó là tính minh bạch về quy trình, nguồn gốc xuất xứ, cách hợp tác với nông dân…

Ông Nguyễn Đức Huy: Về công nghệ, tôi thấy hầu hết các ứng dụng IoT trên thị trường mới chỉ dừng lại ở mức độ là nhà thông minh (smart home) chứ chưa được là nông trại thông minh (smart farm). Smart home là chương trình lập trình sẵn, hoạt động dựa trên cảm biến chuyển động hay phân tích hành vi của con người. Còn smart farm phức tạp hơn bởi vì cây cối thì không chuyển động, cũng không thể tự thể hiện nhu cầu của chúng, do đó cần nhưng thuật toán phức tạp hơn để nhận biết và phân tích chính xác nhu cầu của chúng. 

Vì vậy, muốn làm smart farm thì cần phải có những kiến thức nền tảng. Chẳng hạn như tôi viết chương trình Hệ thống kiểm soát tự động thì phải dựa trên 2 nguồn dữ liệu: (1) dữ liệu về các yếu tố môi trường tác động đến sự sinh trưởng và phát triển của cây (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió…), và (2) dữ liệu về sinh trưởng của cây (độ ẩm vùng rễ, lượng phân vùng rễ, đường kính thân cây, độ dài của lóng cây, diện tích lá cây, thậm chí là hướng của chùm hoa, tone màu của lá…). Trên cơ sở thu thập và phân tích dữ liệu từ 2 nguồn trên thì máy sẽ tính toán được nhu cầu của cây để từ đó đưa ra được một chương trình tưới phù hợp. 

Các bạn CNTT lập trình rất giỏi nhưng nếu không có người chỉ ra cho họ các chỉ số này thì họ cũng không thể lập trình một chương trình chuẩn xác cho từng khu vườn, từng loại cây được. 

Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Theo tôi thì vấn đề của CĐS không phải là lựa chọn công nghệ thông tin, mà trước tiên phải bằng cách tổ chức lại việc sản xuất nông nghiệp phù hợp. Nếu chưa biết sản xuất như thế nào cho phù hợp thì cũng không thể chỉ ra công nghệ nào phù hợp, và lao vào chọn lựa trong khi không thực sự biết mình cần gì, có thể thích ứng với thứ nào... thì chẳng khác gì đẽo cày ngã ba đường và sẽ sa lầy. CĐS đòi hỏi một sự đầu tư đồng bộ, tuy nhiên, có thể đầu tư từng bước khi có một tổng đồ, điều quan trọng nhất là phải có một lộ trình rõ ràng. 

Ông Nguyễn Đức Tùng: Rõ ràng là CĐS nông nghiệp đã diễn ra khắp nơi, từ Hà Giang, Sơn La đến Đồng Tháp, Cà Mau… nhưng nó không đồng bộ, không phải chính sách chưa phù hợp mà do nhận thức của người dân ở từng vùng miền, nhất là người đại diện nhà nước ở lĩnh vực đó. Họ chưa nhìn thấy những giá trị thiết thực của CĐS nên chưa có động lực để làm cho quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn. Ngoài ra hiện cũng thiếu các chính sách hỗ trợ về mặt tài chính, phát triển nguồn nhân lực, logictics, hỗ trợ về thị trường. Thông qua việc đưa công nghệ vào nông nghiệp, đã bộc lộ rất nhiều hạn chế về những vấn đề này dẫn đến khó khăn trong CĐS.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Theo tôi, việc số hóa và cái gọi là “chuyển đổi số” nông nghiệp ở các tỉnh chủ yếu dừng lại ở mức độ nỗ lực cố gắng làm ra một cái gì đó để gọi là chuyển đổi số. Tỉnh nào cũng cố gắng đầu tư các trang thiết bị và phần mềm, nhưng thiếu phương pháp, thiếu quy hoạch tổng thể, và do vậy hiệu quả rất hạn chế. Thực sự thì người đứng đầu cũng đang loay hoay với chủ trương chuyển đổi số, chính họ cũng đang lúng túng và chưa biết cần phải chuyển đổi số nông nghiệp như thế nào. Hiện tại, không thể dừng lại, không thể đứng yên, nên cách lựa chọn của đa số địa phương là làm những việc rất cụ thể, vụn vặt để có cái nói là đã làm. Với tình trạng như thế, tính phong trào là không thể tránh khỏi.

 
 

Ông Nguyễn Đức Quang: Có phải thách thức lớn nhất trong việc số hóa chính là trình độ và tính bảo thủ của người nông dân. Bởi vì số hóa nông nghiệp phải bắt đầu từ từng mét đất, từng hộ nông dân. Mà ai cũng biết, trình độ nông dân thì hữu hạn, và người nông dân khá bảo thủ, thường tin vào kinh nghiệm “cha truyền con nối” hơn. Vậy ai là người gỡ nút thắt này, nông dân tự nhận thức hay nhà nước cần tuyên truyền nhiều hơn?


Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Đúng là hạn chế và thách thức lớn đó chính là tư duy và hành động trong tiến trình chuyển đổi số. Cần phải thay đổi tư duy thì mới thay đổi hành động, và muốn hành động hiệu quả thì cần có năng lực – và cụ thể ở đây là năng lực số. Nên người nông dân cần được hướng dẫn, đào tạo và đi từng bước để thích nghi hiệu quả với tiến trình chuyển đổi này.

Nguyễn Đức Huy: Hãy cố mang cho người nông dân giải pháp, chứ đừng chăm chăm bắt họ phải thuần thục công nghệ. Khi bán giải pháp, đồng nghĩa với việc sẽ hướng dẫn người nông dân thay đổi tư duy sản xuất. Nếu làm được như vậy thì việc chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ dễ dàng và hiệu quả, vì với tôi, chuyển đổi số thực chất là một quá trình chuyển đổi tư duy. 

Ông Nguyễn Đức Tùng: Theo tôi thì đừng bao giờ đặt trọng trách chuyển đổi số lên vai người nông dân. Họ nên được coi là đối tượng thụ hưởng trong quá trình đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù nông dân là người trực tiếp tham gia sản xuất nhưng nếu không có sự dẫn dắt của doanh nghiệp thì họ vẫn đi theo tư duy sản xuất cũ. Có công nghệ trong tay nhưng nếu không chịu áp lực từ thị trường như doanh nghiệp thì năng lực ứng dụng công nghệ của họ sẽ chậm dần đều, dẫn tới tình trạng không tận dụng triệt để công nghệ và không tin tưởng công nghệ. 

Bà Phạm Diễm Lệ: Tôi cũng nghĩ rằng nông dân chỉ là người thụ hưởng. Người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng chỉ biết làm luôn tay luôn chân, nếu có học thì họ cũng chỉ học thêm về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi là chính. Như doanh nghiệp của tôi khi làm gạo hữu cơ thì phải cung cấp giống, phân bón, đồng thời bảo hiểm năng suất, bao tiêu sản lượng đầu ra. Nhưng vẫn phải có một đội ngũ kỹ thuật “ra đồng cùng bà con nông dân” trong mỗi vụ mùa. Nói vậy để thấy rằng nông dân luôn cần sự hỗ trợ, dẫn dắt của doanh nghiệp. Nông dân là người được thụ hưởng từ CĐS. Còn chính doanh nghiệp mới là người cần đi đầu trong CĐS.

 
 
 
 

Ông Nguyễn Đức Quang: Chúng ta đã nói về vai trò của doanh nghiệp và nông dân. Vậy vai trò của Chính phủ quả là rất quan trọng trong cuộc chơi CĐS ngành nông nghiệp này.

Ông Nguyễn Đức Tùng: Đúng là vai trò Chính phủ là cực kỳ quan trọng trong hành trình CĐS nông nghiệp. Việc đầu tiên là Chính phủ cần xây dựng báo cáo tổng quan về nhu cầu thị trường, rồi quay trở lại đánh giá năng lực sản xuất của nông nghiệp Việt Nam. Từ đó mới quay lại ban hành chương trình hành động giúp doanh nghiệp đi đúng hướng, định hình năng lực sản xuất của doanh nghiệp.

Chính phủ cũng phải khẩn trương đưa ra bộ tiêu chí chung, bao hàm tất cả mục tiêu phát triển quốc gia, như phát triển xanh, phát triển bền vững, phát triển tổng quan… Đó là nền tảng căn bản để đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng nông nghiệp nhằm tiếp cận thị trường và công nghệ.

Ngoài ra, Chính phủ muốn phát triển ngành hàng nào, khu vực nào thì phải nghiên cứu kỹ để đưa ra những chính sách tài chính đủ hấp dẫn. Lúc đó thì mới thúc đẩy sự hợp tác cũng như tham gia CĐS của doanh nghiệp và nông dân. Chính phủ và chính quyền các tỉnh cũng cần phải đồng hành chặt chẽ với doanh nghiệp và nông dân, thường xuyên cung cấp thông tin và tiêu chuẩn thị trường, trở thành chất xúc tác để mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân tốt hơn.

Bà Phạm Mỹ Lệ: Tôi muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính quyền trong mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân. Cách đây hơn 5 năm, khi bắt tay vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn tỉnh Quảng Trị là nhân tố thúc đẩy hợp tác giữa chúng tôi với nông dân trong làm gạo hữu cơ. Sở phải đứng ra đảm bảo với người nông dân rằng doanh nghiệp của tôi làm đúng cam kết như trong hợp đồng đã ký là: bảo hiểm năng suất, bao tiêu sản lượng, và ngược lại Sở phải tuyên truyền vận động và đảm bảo người nông dân tuân thủ tuyệt đối quy trình canh tác hữu cơ mà công ty chúng tôi đưa ra. Thậm chí, để nông dân yên tâm, ông giám đốc sở phải cam kết: “Nếu xảy ra mất mùa, nếu doanh nghiệp họ không trả tiền bảo hiểm năng suất và không bao tiêu sản lượng đầu ra thì tôi trả cho bà con”. Được sự hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo thì doanh nghiệp như tôi mới có động lực để đổi mới phương thức canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bản tính người nông dân là “ăn chắc, mặc bền”, là bởi vì thu nhập từ mỗi vụ mùa đảm bảo cho bữa ăn của cả gia đình. Vì vậy họ sợ bị lừa, sợ mất mùa và cũng ngại áp dụng kỹ thuật mới. Nông nghiệp hữu cơ hay CĐS đều là những thứ mới mẻ, nếu không có sự “bảo lãnh” của chính quyền thì người nông dân rất khó tham gia. 

Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Để số hóa toàn diện, Chính phủ cần có một tổng đồ để biết nên số hóa cái gì mà tạo thành một cơ sở dữ liệu phù hợp và định hướng phần mềm hiệu quả. Trên cơ sở đó, từng bước chọn lựa các ưu tiên, các công nghệ phù hợp và thực hiện các bước đi một cách hợp lý tùy theo điều kiện của từng địa phương. Không có tổng đồ, không tránh khỏi việc trở thành nơi thí nghiệm công nghệ; hoặc trở nên hỗn loạn dữ liệu mà không thể có được dữ liệu chất lượng để tạo ra chuyển đổi thực sự. Nếu biết rõ về chuyển đổi số là gì, hiểu sâu cần phải chuyển đổi số như thế nào, và nắm chắc cần làm sao để chuyển đổi số hiệu quả, tôi tin rằng, nó sẽ cải thiện một cách căn bản cách thức, cơ hội và giá trị của người nông dân và của cả nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam.

XUÂN LỘC