, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 20/04/2024, 02:26
 

Nếu không kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2021 đạt 44 tỷ USD sẽ khó đạt được. Đó là đánh giá chung của lãnh đạo nhiều địa phương tại hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19” tổ chức ngày 13/9, do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì.

 
 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 8 ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22% so với tháng 7/2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt trên 60,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 32,13 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1%. Xuất siêu nông sản chỉ đạt khoảng 3,35 tỷ USD, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

Khó khăn chồng chất

Đại diện Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, gây khó khăn cho việc tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến không thể bố trí đủ cơ sở vật chất để thực hiện sản xuất, kinh doanh theo phương thức “3 tại chỗ”. Một số đơn vị phải dừng hoạt động do phát hiện các trường hợp F0 hoặc do nằm trong khu vực phải cách ly, phong tỏa. Về lưu thông, việc vận chuyển hàng hóa, vật tư, sản phẩm ra vào khu vực sản xuất vẫn gặp khó khăn, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Tình trạng thiếu container rỗng (do không giải phóng được hàng hóa - PV), tăng giá cước vận tải đã tác động đến tiến độ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Đông Bắc Á cũng như nhập khẩu nguyên liệu (thủy sản, điều, gỗ) để phục vụ chế biến xuất khẩu. Việc Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam - tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt khu vực cửa khẩu biên giới đất liền để phòng, chống dịch Covid-19 cũng tác động đến tiến độ thông quan hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này. 

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết từ tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đã liên tục đi xuống, trung bình mỗi tháng giảm 15% do việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn vì giãn cách, thiếu xe lạnh, container lạnh, tàu biển, thời gian giao hàng bị kéo dài… Nếu trước đây 1 xe lạnh chở thanh long từ biên giới Việt Nam vào địa phận tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) chỉ mất 2 - 3 ngày, nay kéo dài hơn 1 tuần do thủ tục kiểm soát tăng lên khiến chi phí lưu xe tăng cao gấp đôi, thiếu xe để quay đầu chở hàng dẫn đến giá thành hàng hóa tăng cao, khó cạnh tranh với hàng nội địa Trung Quốc và các nước khác.

 

 

 

Làm gì để giải tỏa ách tắc?

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam đã giữ được tốc độ tăng trưởng rất tốt trong 7 tháng đầu năm với mức tăng đạt 15,2%, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 16 tỷ USD. Đến tháng 8/2021, khó khăn mới phát sinh khi nhiều tỉnh thành áp dụng các biện pháp giãn cách chặt chẽ hơn. Để giải quyết tình trạng này, ông Khánh kiến nghị các địa phương tìm cách tháo gỡ ngay những thủ tục không cần thiết, những nút thắt mà doanh nghiệp phải đối mặt như vấn đề lưu thông, tín dụng, chính sách thuế… Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị các doanh nghiệp, thương nhân nhanh chóng chuyển sang xuất khẩu chính ngạch thay vì chỉ xuất khẩu tiểu ngạch như hiện nay.

Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các phương tiện giao thông vận tải để giải tỏa ùn ứ hàng hóa; miễn giảm phí BOT cho các xe tải chở rau quả xuất khẩu nhằm hạ bớt giá thành vận chuyển là những giải pháp ngắn hạn mà ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) đề xuất. Ông Nguyên cũng cho rằng cần xem xét tăng độ phủ vắc-xin phòng Covid-19 tối đa cho các lao động trong ngành nông nghiệp để đảm bảo đủ nhân công hoạt động và đảm bảo an toàn hàng hóa xuất khẩu. 

 

 

Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ giảm tiền điện đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; Bộ Tài chính miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong năm 2021 và giảm thuế thu nhập cá nhân năm 2021 để hỗ trợ người lao động; Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo khối ngân hàng thương mại gia hạn các khoản vay đến hạn, giảm lãi suất cho vay với nguồn vốn phục vụ thu mua lúa gạo, cho vay thêm theo hình thức tín chấp hoặc tăng hạn mức, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay.

Cho rằng các sàn giao dịch điện tử, kênh phân phối trực tuyến là giải pháp lưu thông hàng hóa hợp lý trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp đề xuất thành lập Trung tâm Xúc tiến nông sản quốc gia để kết nối với Hoa Kỳ và Châu Âu, đồng thời, tổ chức quy hoạch trung tâm logistics vùng để việc kết nối, lưu thông trong nội vùng được thuận lợi hơn...

 

Các địa phương cần chủ động hơn

Nhấn mạnh vai trò của địa phương trong tiêu thụ nông thủy sản, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đặt vấn đề: “Cũng bị bủa vây bởi dịch bệnh, tại sao Bắc Giang và Hải Dương có thể xuất khẩu suôn sẻ hơn 100.000 tấn vải thiều trong một thời gian rất ngắn, mà thanh long, dưa hấu lại nay tắc chỗ này, mai tắc chỗ khác?” Từ đó, yêu cầu các địa phương phải chủ động trong việc hỗ trợ nông dân.

 

Cũng bị bủa vây bởi dịch bệnh, tại sao Bắc Giang và Hải Dương có thể xuất khẩu suôn sẻ hơn 100.000 tấn vải thiều trong một thời gian rất ngắn, mà thanh long, dưa hấu lại nay tắc chỗ này, mai tắc chỗ khác?

 

Nhất trí với ý kiến cho rằng vai trò của địa phương là quyết định, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thời gian qua việc điều hành của một số địa phương còn cứng nhắc, thiếu sâu sát và chưa kịp thời dẫn tới ùn tắc, ứ đọng trong sản xuất, lưu thông hàng hóa. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép gây khó khăn, cản trở lưu thông hàng hóa; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để làm việc cụ thể với doanh nghiệp, từ đó, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp trong cung cấp thông tin thị trường; chủ động trao đổi, đàm phán với các thị trường nhập khẩu chính về việc tạo thuận lợi trong thủ tục thông quan hàng hóa nông sản cũng như tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản… Đối với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Phó Thủ tướng yêu cầu sớm có chính sách về vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp.

 

Thùy Dung. Thiết kế: Hữu Nhất