
Cụ thể, chỉ số giá lương thực tháng 7 giảm 8,6% so với tháng 6. Đây là tháng thứ tư liên tiếp chỉ số này giảm, xa rời dần mức cao kỷ lục thiết lập hồi tháng 3/2022. Tuy nhiên, chỉ số giá lương thực tháng 7 vẫn cao hơn 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của FAO thì giá lương thực giảm dần từ đỉnh là điều đáng hoan nghênh khi rất nhiều nơi đang khó tiếp cận nguồn lương thực. Tuy nhiên, nhiều yếu tố bất ổn vẫn còn, như giá phân bón cao gây ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất thời gian tới và sinh kế của người nông dân, triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm và biến động tiền tệ. Tất cả những điều này đều gây ra căng thẳng nghiêm trọng cho an ninh lương thực toàn cầu.
Trong báo cáo của FAO, chỉ số giá dầu thực vật giảm 19,2% trong tháng 7 so với tháng 6, đánh dấu mức thấp nhất trong 10 tháng qua. Báo giá quốc tế đối với tất cả các loại dầu đều giảm.

Tháng 7 cũng ghi nhận chỉ số giá ngũ cốc giảm 11,5%, nhưng vẫn cao hơn 16,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá lúa mì thế giới giảm tới 14,5%, một phần nhờ thỏa thuận đạt được giữa Ukraine, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc về xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng trên Biển Đen, và một phần do đang mùa thu hoạch ở Bắc bán cầu.
Giá ngũ cốc thô thế giới giảm 11,2% trong tháng 7, trong đó ngô giảm 10,7%, một phần cũng do thỏa thuận Biển Đen cũng như khả năng cung ứng theo mùa tăng ở Argentina và Brazil. Giá gạo quốc tế cũng lần đầu đi xuống trong năm nay.
Giá đường giảm 3,8% so với tháng 6, chủ yếu do sản lượng ở Brazil cao hơn dự kiến và đà sản xuất thuận lợi ở Ấn Độ. Tuy nhiên, thời tiết khô nóng ở châu Âu có thể làm ảnh hưởng đến sản lượng củ cải đường và làm giá đường tăng trở lại.
Các chỉ số khác như giá sữa và thịt cũng đồng loạt giảm, lần lượt là 2,5% và 0,5% so với tháng 6.
Cách đây vài ngày, 3 tàu chở hơn 58.000 tấn ngô đã được cấp phép rời các cảng của Ukraine. Trước đó, tàu Razoni, chuyến tàu đầu tiên chở ngũ cốc của Ukraine, mang cờ Sierra Leone chở hơn 26.500 tấn ngô cũng đã khởi hành từ cảng Odessa để đến cảng Tripoli của Liban.