, //, :: GTM+7

Fintech động lực phát triển kinh tế số

TRẦN TRỌNG TRIẾT

Báo cáo Vietnam Fintech Report 2020 (do Fintech News Singapore thực hiện) cho thấy số lượng các start-up Fintech của Việt Nam đã tăng hơn 3 lần trong giai đoạn 2017 - 2020. Cụ thể, năm 2017 Việt Nam có 44 start-up thì đến nay, con số này đã lên đến 118 start-up, tăng 168%.

Những con số trên cho thấy phần nào tính chính xác của các dự báo về việc thị trường tài chính công nghệ (Fintech) ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2021, nhất là khi Chính phủ ban hành Nghị định về sandbox (kỹ thuật quan trọng trong lĩnh vực bảo mật có tác dụng cô lập các ứng dụng, ngăn chặn các phần mềm độc hại để chúng không thể làm hỏng hệ thống máy tính, hay cài các mã độc nhằm ăn cắp thông tin cá nhân - NV). Trong năm 2021, động lực chính thúc đẩy sự phát triển của các start-up Fintech chính là sandbox. Khi sandbox cho Fintech được Chính phủ ban hành, đây sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển mạnh mẽ các mô hình dịch vụ Fintech mới, mang lại tiện lợi cho người dùng.

Thúc đẩy hình thành và phát triển ngân hàng số

Ngân hàng số (Digital banking) là một thuật ngữ ngân hàng, xuất hiện và được đề cập đến từ khá lâu nhưng chỉ mới được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới trong thời gian gần đây.

Khác với ngân hàng điện tử, tức Internet banking (là một loại dịch vụ của ngân hàng truyền thống hiện hữu dành cho khách hàng có tài khoản thực hiện chủ yếu các dịch vụ liên quan đến tài khoản và thẻ như chuyển tiền, thanh toán, quản lý tài khoản và thẻ kèm thêm các tiện ích thông tin, mua sắm khác), ngân hàng số là một ngân hàng với đầy đủ các chức năng như một ngân hàng truyền thống hiện hữu nhưng toàn bộ các hoạt động hỗ trợ khách hàng liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng đều diễn ra trên nền tảng Internet được bảo mật ở mức độ cao, khách hàng không cần đến chi nhánh, không cần gặp mặt trực tiếp giao dịch viên.

Tại châu Á, các start-up Fintech ngày càng có khuynh hướng phát triển theo hướng trở thành ngân hàng số. Hồng Kông đã cấp 10 chứng chỉ ngân hàng độc lập cho các Fintech. Con số này ở Singapore là 4 và ở Malaysia là 3. Tại các thị trường Hồng Kông, Singapore, Malaysia, các Fintech thường bắt tay với các tập đoàn tài chính lớn hoặc công ty viễn thông để hình thành ngân hàng số.

Tại Việt Nam, các khái niệm ngân hàng số, ngân hàng ảo... thời gian gần đây cũng được nhắc đến nhiều. Đáng chú ý là việc start-up Kỳ lân Grab đã nộp hồ sơ xin thành lập ngân hàng số ở Singapore với vốn điều lệ 1,1 tỉ USD. Grab cũng triển khai và nhân rộng các dịch vụ tài chính, chẳng hạn như eMoney, cho vay và phân phối bảo hiểm vào hệ sinh thái Fintech lớn nhất Đông Nam Á. Grab cũng có những bước đi tương tự với dịch vụ GrabPay tại Việt Nam, triển khai các dịch vụ như thanh toán hóa đơn điện nước, nạp thẻ điện thoại, thậm chí là mua sắm, ăn uống ở các cửa hàng đối tác của Grab. Mới đây, bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO của Be Group (quản lý ứng dụng gọi xe Be), cũng tiết lộ: “Đội ngũ của Be đang kết hợp với nhiều tổ chức tài chính, công nghệ trong nước và quốc tế để tạo ra một ngân hàng số”.

Đầu tháng 12/2020, nhiều tập đoàn lớn đứng sau các ví điện tử ở Việt Nam đã được Singapore cấp giấy phép thành lập ngân hàng số, như Liên danh Grab - Singtel; Sea và 2 doanh nghiệp của Trung Quốc là Ant Financial và Greenland Financial Holdings; trong đó, Sea và Ant Financial sở hữu eMonkey, Airpay tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Ví MoMo, hiện nay các ngân hàng đang phối hợp rất chặt chẽ với Fintech, thậm chí đầu tư rất quy mô vào các Fintech, để phát triển dịch vụ. Theo ông Diệp, Fintech không thay đổi mô hình kinh doanh của ngân hàng mà cùng với ngân hàng đưa ra cách tiếp cận khách hàng mới. Có thể nói Fintech chính là kênh bán hàng theo mô hình mới cho ngân hàng.

Xu hướng thành lập ngân hàng ảo, hoạt động hoàn toàn trực tuyến được dự đoán sẽ còn tăng mạnh với sự hậu thuẫn của các đại gia công nghệ và tập đoàn viễn thông lớn. Các ngân hàng này có lợi thế rất lớn và hoạt động hiệu quả hơn ngân hàng truyền thống khi áp dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) cộng với nguồn dữ liệu khổng lồ thu thập từ hoạt động thanh toán của người dùng ví điện tử.

Thúc đẩy các ngân hàng hiện hữu chuyển đổi số

Trước làn sóng mạnh mẽ của ngân hàng số, công cuộc chuyển đổi số cũng đang được nhiều ngân hàng truyền thống hiện hữu tại Việt Nam thúc đẩy nhằm gia tăng sự cạnh tranh. “Chuyển đổi số đang gia tăng trải nghiệm của khách hàng, từ đó tạo cơ hội cho các ngân hàng thương mại tăng trưởng nguồn khách hàng. Chuyển đổi số không chỉ giúp ngân hàng tăng doanh thu mà còn giảm chi phí, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động”, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, nhận định.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 95% tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 39% tổ chức đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh công nghệ thông tin.

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam, đến năm 2025, dự kiến có khoảng 1/3 doanh thu ngân hàng truyền thống sẽ được quản lý bởi các mô hình kinh doanh mới, từ việc số hóa đến việc áp dụng công nghệ trong các dịch vụ của ngân hàng.

Trên thế giới hiện có khoảng 10.000 công ty Fintech đang cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống trong mọi lĩnh vực từ thanh toán, huy động vốn, cho vay, kinh doanh ngoại hối và cả tư vấn đầu tư. Riêng ở Việt Nam, các doanh nghiệp Fintech hiện chủ yếu chỉ tập trung ở ba dịch vụ: thanh toán, cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng. Phát triển ngân hàng số với doanh nghiệp Fintech Việt còn hạn chế do vấp phải nhiều thách thức về khuôn khổ pháp lý, những vấn đề mới phát sinh như quy định pháp luật về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, các vấn đề về định danh và xác thực; các cơ chế và quy định về chia sẻ dữ liệu… Tuy nhiên, sự phát triển của ngân hàng số từ các công ty Fintech nước ngoài đang buộc Việt Nam phải đẩy nhanh hơn nữa việc chuyển đổi số trong các ngân hàng truyền thống hiện hữu cũng như thành
lập mới các ngân hàng số nếu không
muốn mất thị phần. “Đã đến lúc phải xúc tiến việc cấp phép cho các ngân hàng số. Việc cấp phép thành lập ngân hàng số chắc chắn sẽ đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng diễn ra nhanh hơn”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, đề xuất.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa cho phép hình thức xác thực điện tử (eKYC) giúp các ngân hàng có thể mở tài khoản trực tuyến cho khách hàng. Có thể xem eKYC là chiếc “thẻ thông hành” đầu tiên trong việc nới rộng cửa cho các ngân hàng (truyền thống) bước vào kỷ nguyên mới: ngân hàng số, bởi trước xu thế phát triển của thị trường tài chính công nghệ hiện nay, ngân hàng số đã trở thành vấn đề không thể né tránh. Ngân hàng Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt và hướng đến xu thế này, bắt đầu từ việc chuyển đổi số của các ngân hàng hiện hữu. Để nâng cao năng lực quản trị, mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ với hiệu quả cao trên nền tảng công nghệ mới, ngành ngân hàng rất cần sự hợp tác của các doanh nghiệp Fintech.

*

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế với hàng triệu giao dịch giữa các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp mỗi giờ. Do vậy, việc áp dụng thành công công nghệ số để phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ có tác động lan tỏa rất lớn, có thể mang lại hiệu quả theo cấp số nhân đối với toàn bộ hoạt động kinh tế.

Bình luận


user-avt

Ca Mai

19:10, 28/10/2021

Bài viết đúng xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, xu hướng tất yếu của cmcn lần thứ tư..

Xem thêm bình luận
Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất