Thêm giá trị cho thức quà quê dân dã
Cơ sở Chế biến Thực phẩm Ngọc Lan (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) là đơn vị chuyên sản xuất các loại thực phẩm từ trái cây của địa phương. Đặc biệt, sản phẩm cà na sấy dẻo và cà na ngâm đường của cơ sở này rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cà na là thức quả quen thuộc mỗi khi mùa nước lũ về. Trái cà na có màu xanh nhạt, dài cỡ hai đốt ngón tay, nhìn gần giống như trái cóc non, vị chua, hơi chát. Với trái cà na dân dã, người miền Tây có thể chế biến thành nhiều món ăn tuy đơn giản mà rất hấp dẫn.
Sinh ra và lớn lên ở vùng ngập lũ, những ký ức gắn liền với món ăn tuổi thơ đã thôi thúc chị Trần Thị Ngọc Lan – chủ Cở sở Chế biến Thực phẩm Ngọc Lan chọn trái cà na để chế biến, phát triển thành sản phẩm OCOP.

Trước đây, cà na được biết đến là loại cây mọc dại, thường chỉ xuất hiện vào mùa nước lũ. Thế nhưng hiện nay nhiều người dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu trồng cà na để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chị Ngọc Lan cho biết: “Cà na là loại cây khá dễ trồng. Khu vực thuộc vùng Đồng Tháp Mười của huyện Vĩnh Hưng có nhiều hộ trồng cà na nên nguồn trái dồi dào quanh năm, không sợ thiếu nguyên liệu mà chi phí đầu vào cũng không cao”.
Trái cà na sau khi thu mua về sẽ được sơ chế, khử trùng, ngâm, sấy, đóng gói... Theo chị Trần Thị Ngọc Lan, chế biến món cà na sấy dẻo và cà na ngâm đường phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trong đó, công đoạn ướp cà na là quan trọng nhất. Muốn thành phẩm đạt chuẩn, cà na phải được ướp sao cho vừa thấm gia vị, loại bỏ vị chua và chát nhưng vẫn giữ được mùi vị và hương thơm đặc trưng. Để nâng cao năng suất, Cơ sở Chế biến Thực phẩm Ngọc Lan còn đầu tư thiết bị, máy móc nhằm tối ưu hóa quy trình. Bên cạnh đó, cơ sở còn chú trọng đến khâu đóng gói, thiết kế bao bì, nhãn mác. Sản phẩm cà na sấy dẻo và cà na ngâm đường đóng hộp rất tiện lợi để có thể đưa vị quê đậm đà đi muôn nơi.

Năm 2022, cà na sấy dẻo và cà na ngâm đường của Cơ sở Chế biến Thực phẩm Ngọc Lan được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ loại cây hoang, nay cà na lại trở thành “cây kinh tế” của nhiều hộ nông dân trong quá trình chuyển đổi cây trồng. Từ loại quả dân dã, bình dị, các sản phẩm từ cà na được “khoác áo mới”, nâng tầm thành sản phẩm công nghiệp nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng quê Đồng Tháp Mười.
Ngoài ra, Cơ sở Chế biến thực phẩm Ngọc Lan còn có nhiều sản phẩm khác như nước sốt me xào chua ngọt, tắc xí muội, chanh muối, muối tiêu, muối ớt... Các sản phẩm của Cơ sở Chế biến Thực phẩm Ngọc Lan thường xuyên được giới thiệu tại các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh với mong muốn vươn xa trên thị trường, đưa sản phẩm quê nhà đến gần với người tiêu dùng.

“Làm OCOP” từ nông sản chất lượng
Sản phẩm Gạo ĐTM Lài Tím của Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thuận (xã Vĩnh Thuận) cũng là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh của huyện Vĩnh Hưng.
Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thuận cho biết: “Hợp tác xã được thành lập từ tháng 7/2017. Ngay từ khi mới thành lập, chúng tôi đã ấp ủ mong muốn làm ra các sản phẩm riêng, đặc trưng. Do đó, Hợp tác xã chọn sản xuất gạo tím theo hướng hữu cơ”. Hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thuận đang sản xuất trên 510ha lúa, trong đó có khoảng 10ha sản xuất giống lúa ĐTM Lài Tím.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Diệu Ngân, gạo tím được trồng từ giống lúa thuần chủng, không biến đổi gen và sản xuất theo quy trình khép kín, nghiêm ngặt từ khi canh tác lúa cho đến khi thu hoạch, vận chuyển, lưu kho và đóng gói. Năng suất mỗi vụ đạt khoảng 4 tấn/ha, giá bán 40.000 đồng/kg. Sản phẩm gạo tím của Hợp tác xã được thị trường đón nhận bởi gạo ngon, sạch, đảm bảo an toàn, có thể truy xuất được nguồn gốc. Đặc biệt, gạo tím có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thuận đã liên kết đầu ra với các cửa hàng nông sản sạch tại TP Tân An và TP.HCM. Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn phát triển mô hình du lịch sinh thái để phát huy tối đa lợi thế sẵn có. Khu vui chơi sinh thái Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thuận không chỉ thu hút du khách đến trải nghiệm các hoạt động đặc trưng của vùng đồng quê mà còn là nơi để bày bán, giới thiệu sản phẩm OCOP của Hợp tác xã đến khách du lịch.
Ông Lê Quốc Bổn - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng cho biết thông qua chương trình Mỗi xã một sản phẩm, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương đã được nâng tầm, có khả năng cạnh tranh trên thị thường. Chương trình cũng góp phần thay đổi tư duy về kinh tế nông nghiệp, tăng thêm giá trị cho các loại nông sản đặc sản, tăng thêm thu nhập cho người dân. Đây cũng chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để địa phương nâng cao tiêu chí thu nhập trong thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Thời gian tới, huyện Vĩnh Hưng sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện, hướng dẫn các hợp tác xã, hộ sản xuất - kinh doanh đăng ký tham gia Chương trình OCOP, chú trọng phát triển những sản phẩm mang tính truyền thống, thế mạnh của địa phương. Với các sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn, huyện sẽ phối hợp các chủ thể để duy trì, cải tiến về cả chất lượng và mẫu mã để từng bước thăng hạng cho sản phẩm.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đến nay, tỉnh Long An đã xây dựng và công nhận 85 sản phẩm OCOP, gồm 30 sản phẩm đạt 4 sao và 55 sản phẩm đạt 3 sao; có 40 chủ thể tham gia OCOP, trong đó, 6 chủ thể là hợp tác xã, 14 chủ thể là doanh nghiệp và 20 chủ thể là hộ sản xuất, kinh doanh.