, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 11/12/2017, 15:28

Gạo Việt - "Những hạt ngọc trời"

THÙY DUNG

Với người Việt, cây lúa được ví như “hạt ngọc trời”. Dọc chiều dài đất nước, từ sự chắt chiu của người nông dân, mỗi vùng đất đều có những giống lúa đặc sản, cho hạt gạo có hương vị thơm ngon độc đáo. Từng hạt lúa như mang trong mình cái hương của đất, của nước, của nắng, của gió nơi miền quê đã nuôi dưỡng cho thân lúa trổ đòng. Mỗi vùng miền mang những nét đặc trưng riêng mà không nơi nào giống nơi nào. Nông thôn Việt xin giới thiệu một vài loại trong số đó.

Gạo Già Dui Xín Mần

Già Dui là giống lúa thuần đặc sản địa phương của huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Đây là một trong những sản phẩm gạo đặc trưng của các tỉnh miền núi cực Bắc, được xem là quà tặng “độc nhất vô nhị” mà thiên nhiên ban cho vùng đất này.

Lúa Già Dui được gieo trồng vào cuối tháng năm đến trung tuần tháng sáu âm lịch ở những vùng đất có độ cao trên 1.000m, sau hơn bốn tháng thì bà con bắt đầu gặt về. Gạo Già Dui Xín Mần hơi tròn, hạt dài trung bình, có màu trắng và mùi thơm nhẹ. Khi nấu thành cơm có mùi thơm đặc trưng, độ dẻo cao, khi ăn có thể cảm nhận được vị ngon, ngọt khác hẳn với các loại gạo khác.

Gạo Già Dui nức danh với những đặc tính tốt như vậy là nhờ thổ nhưỡng thích hợp với quá trình sinh trưởng của cây lúa, cũng như nhờ những kinh nghiệm canh tác tích lũy được của đồng bào vùng núi Xín Mần. Ngày 28.09.2017, sản phẩm gạo tẻ Già Dui Xín Mần truyền thống đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, gắn liền tên tuổi của giống lúa này với vùng đất Hà Giang.

Gạo Séng Cù

Nếu ai đã có dịp được thưởng thức gạo Séng Cù thì chắc hẳn sẽ khó mà quên được hương vị thơm dẻo đặc biệt của loại gạo này. 

Gạo Séng Cù được trồng ở các thung lũng núi cao của các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái. Cây lúa Séng Cù uống nước từ mạch nước ngầm, nước sạch trong các khe núi đã trở thành loại gạo đặc sản số một của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc. 

Hạt gạo Séng Cù dài, ngà ngà màu đục và còn phủ bụi cám. Khi nấu, cơm dẻo nhưng ráo, tơi, chất cơm thơm ngọt, đậm đà. Gạo Séng Cù ngon nhất khi được thu hoạch vào khoảng tháng 9-tháng 10 âm lịch, thế nên đây là loại gạo thường được lựa chọn cho những bữa cơm ngày tết của nhiều gia đình.

Gạo Bắc Hương

Bắc Hương là một giống gạo thơm ngon của vùng châu thổ sông Hồng và được trồng ở nhiều nơi khác nhau như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên… Nổi tiếng nhất có lẽ phải nói đến gạo Bắc Hương có xuất xứ từ hai mảnh đất phì nhiêu Hải Hậu và Giao Thủy thuộc vùng đất Nam Định.

Với đặc thù là vùng chiêm trũng được sự ưu ái, bồi đắp của dòng sông Cái đỏ nặng phù sa, quê hương Nam Định đã nuôi dưỡng nên giống lúa Bắc Hương cho hạt gạo trắng, đều hạt dáng dài, mẩy và mỏng mình. Cơm nấu lên dẻo mềm, có hương thơm tự nhiên, vị ngọt đậm đà.

Gạo Tám Xoan Hải Hậu

Gạo Tám Xoan là một trong những đặc sản truyền thống của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định với những đặc trưng riêng mà không loại gạo nào khác có được. Chính vì thế mà ngay từ thời phong kiến, gạo Tám Xoan thường được dùng để cung tiến triều đình, nổi tiếng là “Gạo tiến vua”. Nhà nào có được ít gạo Tám Xoan thì để dành cho ngày lễ Tết hay làm quà biếu.

Trên những ruộng bùn pha cát nơi hạ lưu sông Hồng, khi mưa dầm không úng, nắng hạn không khô, phù sa chảy vào tháng sáu đắp qua tháng mười để nuôi dưỡng cây lúa Tám Xoan. Thời xưa, người ta chỉ thu khi lúa đã chín tới tám phần chứ không thu già. Năng suất thấp nhưng hương thơm vừa ở đỉnh điểm, hạt gạo trắng xanh ăn ngọt và mềm. Gạo phơi bằng sân đất, trên chiếu cói nắng vừa; xay giã bằng cối xay tre, cối giã gỗ. Nấu cơm gạo Tám Xoan muốn ngon phải nấu bằng niêu đất hay nồi gang đun lửa rơm.

Hạt gạo Tám Xoan thon, dài mỏng mình, có màu trắng xanh với mùi thơm rất đặc biệt. Nồi cơm vừa chín tới tỏa mùi thơm lừng. Đã thế, cơm gạo Tám Xoan là phải ngon, phải dẻo. Vì vậy mà dân gian có câu:

Cơm tám ăn với chả chim/ Chồng đẹp, vợ đẹp, những nhìn mà no.

Gạo đỏ Măng Đen

Gạo đỏ (gạo lứt) Măng Đen là lương thực truyền thống của người Xơ Đăng ở xã vùng cao thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đây là tặng vật quí của thiên nhiên, cây lúa bám rễ trên đất nương rẫy khô, “chỉ hưởng nước trời” để vươn lên giữa thời tiết khắc nghiệt của dãy Trường Sơn. Lúa cấy xuống là tự thân sinh trưởng, phát triển một cách hoang dại. Với đồng bào, hạt gạo đỏ là sản phẩm của thần núi, thần sông mà thành.

Giống lúa đỏ Măng Đen mỗi năm chỉ cấy được một mùa. Khoảng tháng hai, tháng ba, người dân xuống giống gieo mạ, đến cuối tháng ba đầu tháng tư thì cấy lúa. Đến tháng chín, tháng mười khi lúa đỏ ửng trên thân thì ra gặt mang về.

Gạo đỏ Măng Đen có vỏ lụa màu nâu sẫm và dày, hạt gạo rắn chắc, rất sạch và giàu chất dinh dưỡng. Không chỉ dùng để nấu cơm ăn hàng ngày, từ gạo đỏ Măng Đen còn có thể nấu thành rượu gạo đỏ, bánh tráng gạo đỏ, bột dinh dưỡng gạo đỏ…

Gạo thơm xốp

Đồng bằng sông Cửu Long là miền đất hứa để trồng và sản xuất gạo. Chính vì thế mà hầu hết các loại gạo ở Việt Nam có chất lượng tốt đều được sản sinh từ vùng đất này. Gạo thơm xốp là một trong số đó. Có xuất xứ từ vùng đất An Giang, gạo thơm xốp được trồng từ giống lúa tự kháng sâu bệnh nên luôn sinh trưởng mạnh mẽ dù trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Loại gạo này có nhân dáng mình dài, mùi thơm dễ chịu. Cơm nấu ra mềm dẻo, bóng như trộn với dầu. Đặc biệt, gạo thơm xốp bảo quản được rất lâu, ít khi bị mối mọt.

Gạo Nàng Thơm chợ Đào

Đây là loại gạo được mang tên một người con gái đẹp người đẹp nết trong câu chuyện cổ xưa của vùng đất Chợ Đào thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Đúng như cái tên gọi mỹ miều, gạo Nàng Thơm đem nấu cơm, nước vừa sôi là tỏa hương thơm ngào ngạt. Khi chín hạt cơm bóng mượt, vị thơm, dẻo, xốp, ăn rất ngon và đặc biệt cơm nguội để qua đêm vẫn dẻo thơm lạ thường. 

Lúa Nàng Thơm có vỏ màu vàng rơm, thon dài, eo cong, đuôi nhọn hơi quớt lên. Bẻ đôi hạt gạo bên trong có màu hạt lựu hồng hồng. Mỗi năm chỉ cấy được một mùa lúa Nàng Thơm, mà giống lúa này lại chỉ trồng được ở 11 ấp thuộc xã Mỹ Lệ, nơi có sự giao hòa giữa dòng nước ngọt của sông Rạch Đào từ sông Vàm Cỏ Đông và dòng nước mặn của rạch Nha Ràm từ sông Rạch Cát.

Gạo Nàng Thơm chợ Đào là thứ gạo quý, từng là đặc sản của Nam bộ dùng để tiến vua Minh Mạng. Đến hôm nay, gạo Nàng Thơm Chợ Đào vẫn nức tiếng xa gần.

Gạo thơm Hương Lài

Lại thêm một loại gạo đến từ vùng đất Long An khiến bạn phải xuýt xoa. Đây là nơi có điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để mang lại những hạt gạo Hương Lài thơm ngon bậc nhất. Chính vì vậy mà Long An được coi là quê hương của giống lúa trứ danh này.

Hạt gạo thơm Hương Lài thon dài, màu trắng trong, đẹp như ngọc. Đặc biệt, khi nấu lên hạt cơm trắng tinh, mềm, dẻo, vị ngọt mát và có hương thơm thoang thoảng của hoa lài. Giống gạo này được chia thành hai loại: gạo Hương Lài trong với hạt gạo to, những hạt gạo nhỏ được mang tên gạo hương lài sữa.

Gạo Huyết Rồng

Lúa Huyết Rồng từng là cây lúa mọc hoang ở vùng nước ngập, sau này được đưa vào sản xuất kinh tế. Do có nguồn gốc từ giống lúa hoang nên lúa Huyết Rồng có đặc tính sinh trưởng tốt, hạt gạo lại có giá trị dinh dưỡng cao nên được xưng tên lúa “Rồng” – một giống lúa cực quý ở lưu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, do màu đỏ sậm của gạo giống màu của máu nên được gọi là “Huyết”.

Gạo Huyết Rồng có vỏ màu đỏ, khi bổ đôi bên trong hạt gạo cũng có màu đỏ. Nấu thành cơm mang mùi thơm đặc trưng, có vị bùi pha lẫn vị béo ngậy, càng nhai kĩ càng cảm nhận được vị ngọt.

Gạo Huyết Rồng là loại gạo giàu dưỡng chất. Những thành phần dinh dưỡng có chứa trong gạo Huyết Rồng có thể giúp ngăn ngừa và làm giảm tác nhân nhiều bệnh tật. Đặc biệt, từ xa xưa, người Việt đã biết dùng gạo Huyết Rồng để bổ trợ sức khỏe cho phụ nữ có thai và trẻ nhỏ.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất