, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 03/03/2024, 10:00

Ghé thăm vườn trồng loại sâm từng là đặc sản tiến vua ở vùng núi cao A Lưới

TUẤN ANH
Những vườn hoa sâm ở các xã Quảng Nhâm, Hồng Bắc, A Roàng, Trung Sơn… thuộc vùng cao huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đang là điểm đến check-in hấp dẫn đối với người dân và du khách thập phương.
Một vườn sâm ở huyện miền núi A Lưới.

Chạy xe hơn 180km từ Đà Nẵng đến vùng trồng sâm ở Trung Sơn để tham quan vườn hoa đang đến mùa thu hoạch, chị Nguyễn Thị Thùy Phương rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên nghe đến tên cũng như biết đến loài hoa sâm có hình dáng và màu sắc thú vị này.

Sâm được trồng ở đây là sâm Bố Chính (hay còn gọi là sâm Thổ Hào), được người Chăm phát hiện ra cách đây hơn 300 năm ở vùng đất Quảng Bình. Là loại dược liệu quý để tiến vua thời vua Lê, chúa Trịnh, sâm Bố Chính có dược tính cao với nhiều công dụng như: bổ tỳ vị, thanh nhiệt, dưỡng ẩm, bổ máu, trị suy nhược cơ thể, mất ngủ, suy dinh dưỡng, suy giảm sinh lý… 

Sau một thời gian dài thất truyền, loại sâm này dần được khôi phục và phát triển trở lại vào năm 2017 ở Quảng Bình. Nhận thấy cây có điều kiện sinh trưởng phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, ngành nông nghiệp huyện A Lưới hướng dẫn người dân trồng thí điểm tại xã Quảng Nhâm vào cuối năm 2021.

Nhiều nông dân ở huyện A Lưới đã chuyển đổi diện tích trồng sắn, mì thiếu hiệu quả sang trồng sâm.

Bà Nguyễn Thị Thanh - Phó phòng NN&PTNT huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Để đảm bảo sức khỏe người dùng cũng như an toàn cho vùng dược liệu lớn, ngành nông nghiệp đang hướng dẫn cho bà con sử dụng bác biện pháp vi sinh, sử dụng các loại nấm đối kháng để phòng trừ sâu bệnh, tạo điều kiện cho cây sâm phát triển một cách thuận tự nhiên nhất”.

Anh Nông Văn Du ở xã Trung Sơn, huyện A Lưới đang trồng sâm Bố Chính với diện tích 6 sào. Anh cho biết nếu cây không bị dịch bệnh thì một vụ có thể thu hoạch gần 1 tấn củ sâm; giá bán ra dao động từ 200.000 - 300.000/kg củ tươi, mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng sắn, khoai mì. Ngoài ra, sâm Bố Chính còn có thể cho thu hoạch cả cây lẫn hoa. “Mỗi lần thu hoạch hoa có thể thu được khoảng 1 triệu đồng cho 50 cân hoa tươi” - anh Nông Văn Du thoải mái chia sẻ.

Mô hình trồng sâm mang lại thu nhập tốt cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Là đơn vị trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật, giống và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, Công ty TNHH SBC Hoàng Gia cho biết chất lượng và sản lượng của cây sâm Bố Chính được trồng trên vùng núi cao phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế rất tốt, các chế phẩm từ sâm đưa ra thị trường rất đa dạng. Ví dụ như nước sâm, trà hoa sâm rồi củ sâm sấy, sâm ngâm mật ong, sâm đưa vào các món ẩm thực.

Sâm được sử dụng như một loại gia vị trong món ăn. 

Tuy nhiên, chị Hồ Nhật Phương - Giám đốc Công ty TNHH SBC Hoàng Gia cho rằng diện tích trồng sâm Bố Chính hiện có ở A Lưới còn khá nhỏ, chỉ mới hơn 8ha, chưa phản ánh đúng tiềm năng và chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Vì vậy, việc xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác cùng các nông hộ cá thể tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển vùng trồng sâm là những điều kiện cần để phát triển diện tích trồng cây dược liệu này trong tương lai gần.

“Năm nay, chúng tôi cũng đã ký hợp đồng liên kết với 25 hộ của xã Quảng Nhâm, Hồng Kim... Công ty hỗ trợ bà con bằng cách đầu tư có hoàn lại, về phân, giống, đạm hay các chế phẩm sinh học; đồng thời giúp bà con chăm sóc theo đúng quy trình công ty đưa ra" - chị Phương cho biết.

Chị Hồ Nhật Phương cho biết A Lưới có điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp để trồng sâm Bố Chính.

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, A Lưới đưa ra chủ trường, chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào đây. Một trong những lĩnh vực được đặc biệt ưu tiên là nông nghiệp xanh, bền vững.

Đối với cây dược liệu, huyện đã quy hoạch vùng trồng với diện tích trên 210ha để kêu gọi đầu tư. Hai loại cây được xác định phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây là sâm Bố Chính và cà gai leo. Tuy nhiên, cũng theo UBND huyện, hai loại cây này hiện không nằm trong danh mục 100 loài cây dược liệu quý mà Bộ Y tế quy định, nên có nhiều hạn chế cho việc quy hoạch, phát triển.

Huyện A Lưới đang quy hoạch để phát triển các vùng trồng cây dược liệu. 

Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Sở Y tế tiếp tục kiến nghị với Bộ Y Tế để đưa đưa những loại cây này vào danh mục để phù hợp với định hướng phát triển của huyện cho những năm tiếp theo”.

Việc phát triển cây sâm Bố Chính ở các vùng trồng dược liệu tại A Lưới cũng đang gặp không ít khó khăn. Chủ yếu là do người dân chưa năm vững các kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh. Hiện ngành nông nghiệp huyện, doanh nghiệp đang cùng với các trường đại học, viện nghiên cứu tìm kiếm biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa những dịch bệnh trên cây sâm, giúp người nông dân yên tâm sản xuất. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất