, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 29/12/2022, 16:41

Giá cà phê Arabica bật tăng

THẢO VI
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch hôm qua 28/12, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý là sự bật tăng của Arabica với mức tăng gần 7 cents do những lo ngại về nguồn cung.

Thời tiết diễn biến theo xu hướng tác động tiêu cực đến mùa vụ cà phê trong niên vụ tới đã kéo giá Arabica tăng mạnh gần 4%. Bên cạnh đó, đồng Real hồi phục cũng góp phần hạn chế lực bán từ phía nông dân Brazil và hỗ trợ giá.

Ở chiều ngược lại, Robusta có phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ với mức giảm mạnh gần 3%. Tỷ giá USD/VND kết hợp với nhu cầu đẩy mạnh hàng ra thị trường trước dịp Tết Nguyên đán của nông dân Việt Nam, khiến lực bán tăng mạnh trên thị trường và gây sức ép lên giá.

Cùng chiều với giá thế giới, trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ có sự suy yếu nhẹ 100 đồng/kg. Theo đó, giá cà phê được thu mua trong khoảng giá từ 40.000 - 40.700 đồng/kg. 

Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy tổng lượng cà phê xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 12 của nước ta đạt hơn 69,9 nghìn tấn, tăng mạnh 26,5% so với mức 55,4 nghìn tấn của nửa đầu tháng 11. Với gần 70 nghìn tấn cà phê xuất khẩu, Việt Nam đã thu về hơn 156,9 triệu USD.

Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/12, cả nước đã xuất khẩu tổng cộng 1,65 triệu tấn cà phê, đạt tổng kim ngạch 3,79 tỷ USD, tiến rất sát với mục tiêu kỷ lục 4 tỷ USD trong năm nay.

Theo MXV, lượng tồn kho cà phê của Việt Nam được nhận định đang ở mức thấp. Do vậy, các chuyên gia dự đoán 2023 sẽ là năm xuất khẩu khó khăn của Việt Nam. Một mặt do sản lượng cà phê thu hoạch trong vụ hiện tại sẽ bù vào các kho dự trữ. Mặt khác, sản lượng suy yếu cũng làm giảm lượng xuất khẩu của nước ta.

Giá nhiều loại nông sản suy yếu

Sau phiên giảm mạnh hơn 3% trước đó, giá đường 11 trong phiên hôm qua đã có sự điều chỉnh với mức 0,79%. Một mặt gặp sức ép từ việc nguồn cung mở rộng tại Brazil sau số liệu xuất khẩu tích cực trong tháng 12 và dự báo sản lượng tăng mạnh trong niên vụ 2022/23 của Conab. Mặt khác, mưa lớn ảnh hưởng đến sản lượng mía đường của Thái Lan và Ấn Độ đã hỗ trợ giúp giá mặt hàng này giằng co trong phiên hôm qua.

Cùng chung xu hướng suy yếu với các mặt hàng trong nhóm, giá bông phiên hôm qua ghi nhận mức giảm hơn 1%. Nguyên nhân cho suy yếu này một phần đến từ việc giá dầu giảm khiến Polyester, chất thay thế chính của bông rẻ hơn và kéo theo giá mặt hàng này đi xuống. Bên cạnh đó, thị trường vẫn còn đôi phần lo ngại về triển vọng tiêu thụ bông trong thời gian tới tại Trung Quốc khi Zero Covid đã được nới lỏng nhưng số ca mắc mới vẫn tăng mạnh và số liệu mua hàng chưa có sự bật tăng đáng kể. Điều này cũng góp phần khiến giá bông suy yếu trong phiên hôm qua.

Sau khi chạm mức cao nhất trong vòng 4 tuần trở lại đây vào đầu phiên giao dịch hôm qua, giá dầu cọ đã bất ngờ quay đầu suy yếu và xóa đi hoàn toàn mức tăng trước đó. Một mặt, lực mua được thúc đẩy bởi thông tin Trung Quốc sẽ ngừng yêu cầu xét nghiệm Covid-19 bắt buộc với hành khách di chuyển nội địa, động thái được kỳ vọng sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ dầu thực vật tại quốc gia này trong bối cảnh dịp Tết Nguyên đán đang đến gần. Mặc khác, sức ép từ lực bán chốt lời của các nhà đầu tư đã khiến giá dầu cọ giảm mạnh. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất