, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 05/04/2022, 17:37

Giá lương thực tăng phi mã, WB kêu gọi hỗ trợ người nghèo

LÊ KIÊN
Ngày 31/03, quan chức cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ người nghèo. Bởi, từ khi xảy ra cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, giá lương thực đã tăng phi mã.
Giá lương thực tăng đang có tác động đáng kể đến đời sống người dân Yemen vốn bị chiến tranh tàn phá và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Ảnh: AFP/ Khaled Ziad.

Chiến tranh ảnh hưởng giá lương thực

Giá lương thực tăng, các nước đang phát triển và các nước phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột Nga và Ukraine - hai quốc gia chiếm hơn 1/4 sản lượng lúa mì hàng năm của thế giới. 

Chia sẻ với tờ AFP tại Tuần lễ Khí hậu Trung Đông và Bắc Phi ở Dubai, bà Mari Pangestu, Giám đốc điều hành chính sách phát triển của WB cho biết: “Sản xuất hiện tại vẫn đáp ứng đủ lương thực, vấn đề ở đây là khả năng chi trả để mua lương thực. Ngoài việc cam kết dòng chảy hàng hóa và phân bón không gặp trở ngại, chúng tôi thực sự cần đảm bảo khả năng chi trả lương thực cho các hộ gia đình nghèo được giải quyết".

Theo công bố của Hội nghị về Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc, các nhà nhập khẩu lương thực ròng là đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hậu quả kinh tế của chiến tranh. Trong đó, danh sách thống kê 36 quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine chủ yếu đến từ châu Phi và Trung Đông.

Chỉ số giá lương thực của FAO và các chỉ số giá hàng hóa riêng lẻ tính đến tháng 2/2022. Ảnh: AFP/ Erin Conroy.

Nhiều rủi ro gia tăng do biến đổi khí hậu 

Ngoài tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19, các vấn đề về chuỗi cung ứng càng trở nên trầm trọng hơn kể từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đẩy giá lương thực thế giới lên một mức cao kỷ lục. 

Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, chi phí vận chuyển hàng hóa đã tăng 34% kể từ thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine ngày 24/02.

Bà Mari Pangestu cho rằng điều quan trọng cần thiết lúc này, là phải duy trì và mở rộng các chương trình cung cấp hỗ trợ lương thực, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều rủi ro đang gia tăng do biến đổi khí hậu mang lại.

"Những rủi ro do biến đổi khí hậu mang lại khiến các chương trình bảo trợ xã hội của các quốc gia cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cần phải duy trì và hỗ trợ người nghèo, những người nông dân, đảm bảo cho họ có thể tiếp cận với nguồn phân bón và vật tư đầu vào để họ có thể sản xuất cho mùa vụ tiếp theo". - Giám đốc điều hành chính sách phát triển của WB nói.

Trong báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố hôm 30/03, nhiệt độ ở Trung Đông và Trung Á đã tăng 1,5oC (2,7oF) kể từ những năm 1990, gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Điều này cảnh báo khu vực đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng khí hậu, an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng bị đe dọa, đồng thời gia tăng nguy cơ đói nghèo và xung đột.

Bà Pangestu nhấn mạnh thêm: “Sản lượng lương thực giảm ở Trung Đông là một trong những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng, các chính phủ cần tập trung vào hoạt động nông nghiệp bền vững để giải quyết vấn đề an ninh lương thực dài hạn”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất