, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 09/07/2022, 07:38

Giá muối cao kỷ lục 10 năm qua

LÊ KHÁNH
(nongnghiep.vn)
Dù sản lượng không cao nhưng năm nay, giá muối ở Sa Huỳnh (Thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) có thời điểm lên đến 2.500 đồng/kg, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Những người phụ nữ lam lũ bên cánh đồng muối là hình ảnh thường thấy ở Sa Huỳnh (Thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi). Ảnh: Lê Khánh.

Cánh đồng muối Sa Huỳnh được biết đến là vựa muối nổi tiếng ở khu vực miền Trung với tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Vào năm 2011, sản phẩm muối Sa Huỳnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đồng muối tại đây rộng gần 110ha với khoảng 2.400 diêm dân thuộc 3 tổ dân phố là Tân Diêm, Thạnh Đức 1 và Long Thạnh 1 (phường Phổ Thạnh, Thị xã Đức Phổ) gắn bó với nghề làm muối.

Những năm qua, giá muối lên xuống thất thường cùng với điều kiện thời tiết khí hậu biến đổi khiến cho nghề làm muối ở Sa Huỳnh gặp không ít khó khăn. Có những năm, giá muối xuống thấp chỉ còn vài trăm đồng/kg, cộng với công việc vất vả nên rất nhiều người trẻ đã bỏ đi tìm công việc khác. Những người còn bám trụ đa số là phụ nữ hoặc đã lớn tuổi và gắn bó lâu năm với nghề.

Năm nay, những cực nhọc của diêm dân ở đây đã được đền đáp khi giá muối tăng cao kỷ lục. Người dân địa phương cho biết, đỉnh điểm nhất là vào đầu tháng 6 vừa qua, thương lái thu mua muối tại ruộng cho bà con với giá lên đến 2.500 đồng/kg, cao nhất trong 10 năm qua. Hiện nay, tuy giá muối có giảm nhẹ nhưng so với cùng kỳ năm trước cũng cao gấp 3 đến 4 lần nên diêm dân có lãi tốt.

Giá muối ở Sa Huỳnh năm nay được thương lái thu mua rất cao nên diêm dân ở đây rất phấn khởi. Ảnh: Lê Khánh.

Với khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, tấm lưng ướt đẫm, bà Trần Thị Nhớ (trú phường Phổ Thạnh, Thị xã Đức Phổ) cho biết, năm nay giá muối cao nên người dân ở đây ai cũng vui mừng. Mặc dù vậy, so với các năm trước thì năng suất năm nay lại không đạt bằng.

Nguyên nhân chính khiến muối đạt năng suất thấp vẫn là do thời tiết. Thông thường, mỗi vụ muối của người dân Sa Huỳnh sẽ bắt đầu từ tháng 3 kéo dài cho đến tháng 8 âm lịch. Trong thời gian này, năng suất muối đạt cao nhất vào tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, vào năm nay 2 tháng này thời tiết không thuận lợi nên mất mùa.

“Làm nghề muối vất vả lắm, hàng ngày phải ra đồng từ 7 giờ sáng. Làm quần quật, ăn trưa luôn tại ruộng rồi làm tiếp đến chập tối mới về. Nghề này sợ nhất vẫn là trời mưa. Có khi muối đã phơi được 2 ngày, sắp thu hoạch rồi mà mưa đổ xuống thì cũng không thể cứu nổi, bao nhiêu công sức coi như bỏ, phải làm lại đợt sau. Như năm nay, trời hay có mưa, không làm được thường xuyên nên năng suất không đạt. Nhưng may mắn là giá cao nên mỗi hộ gia đình cũng lãi vài chục triệu đồng”, bà Nhớ chia sẻ.

Giữa cái nắng trưa với nhiệt độ có lúc lên đến 37 độ C, trên cánh đồng muối Sa Huỳnh, hàng trăm diêm dân vẫn tất bật bên các ruộng muối. Trong số này, nhiều người được thuê để dồn muối, kịp để xe của thương lái đến thu mua. Mỗi bao 50kg, người xúc muối thuê được trả 2.000 đồng, còn người đỡ và cột dây bao muối được trả 1.000 đồng.

Cánh đồng muối Sa Huỳnh có diện tích khoảng gần 100 ha là nơi mưu sinh của khoảng 2.400 diêm dân. Ảnh: Lê Khánh.

Giá muối cao nên người dân phấn khởi, có lãi khá. Tuy nhiên, từ trước đến nay, diêm dân ở Sa Huỳnh vẫn không thể quyết định được giá cả mà tùy thuộc vào thương lái thu mua. Bài toán vẫn thường gặp ở đây là khi muối thu hoạch ít thì giá cả tăng, nhưng khi muối được mùa, sản lượng cao lập tức diêm dân bị ép giá.

“Chỉ cần giá muối ở mức 30.000 đồng/bao 50kg trở xuống thì nhiều người dân sẽ bỏ ruộng vào TP.HCM đi làm thuê, làm mướn, bán hủ tiếu. Nếu như nhà nước có giải pháp giúp ổn định đầu ra, ổn định giá muối từ đầu mùa đến cuối mùa, người dân sẽ yên tâm làm ăn”, ông Phùng Đình Hoa (trú phường Phổ Thạnh, Thị xã Đức Phổ) nói.

Theo ông Võ Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Đức Phổ, với sản phẩm muối Sa Huỳnh, theo kế hoạch phát triển từ nay đến năm 2025, Thị xã Đức Phổ đặt mục tiêu sản lượng muối đạt 12.000 tấn, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến muối và xây dựng mạng lưới thị trường tiêu thụ muối ổn định, đảm bảo cho diêm dân có lãi. Bước đầu, Thị xã thí điểm mô hình phát triển nghề muối gắn với du lịch nông thôn. Đến năm 2030, sản lượng muối đạt trên 20.000 tấn.

“Địa phương xác định phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế về truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người làm muối”, ông Vương cho biết.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất