, //, :: GTM+7

Giá nông sản bật tăng

THANH HUYỀN
Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết, kết thúc phiên giao dịch hôm qua (14/3), lúa mì là mặt hàng tăng mạnh nhất thị trường nông sản với mức tăng lên tới 1,72%, qua đó ghi nhận phiên tăng giá thứ ba liên tục.

Lúa mì nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ lực mua kỹ thuật của các nhà đầu tư, khi mà giá đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tháng vào cuối tuần trước. Thêm vào đó, sự không chắc chắn về tương lai của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen cũng đã thúc đẩy đà tăng giá lúa mì.

Đại diện của Nga tham gia vào vòng đàm phán tại Geneva cho biết, Moscow sẵn sàng gia hạn thỏa thuận vào ngày 18/3 tới, nhưng chỉ trong thời gian ngắn hơn là 60 ngày. Nguyên nhân là do chỉ có một phần của thỏa thuận được thực hiện và hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Nga vẫn bị cản trở.

Ukraine đã ngay lập tức phản đối đề nghị trên và cho rằng thỏa thuận chỉ có thể được gia hạn thêm ít nhất là 120 ngày. Những động thái của hai quốc gia này khiến thị trường hoang mang về khả năng thỏa thuận ngũ cốc được gia hạn và hỗ trợ cho đà tăng của các mặt hàng ngũ cốc.

Cùng với đó, giá ngô cũng đã quay đầu tăng mạnh trở lại và xóa đi hoàn toàn mức giảm của phiên trước đó. Lực mua đối với ngô chủ yếu đến từ sự khởi sắc mạnh mẽ của giá lúa mì, theo sau những lo ngại liên quan tới tương lai của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Ngoài ra, triển vọng khả quan đối với hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ sang thị trường Trung Quốc đã hỗ trợ đà tăng của giá.

Theo báo cáo của công ty tư vấn Safras & Mercado, xuất khẩu ngô trong tháng 2 của Brazil sang Trung Quốc đã giảm mạnh. Dữ liệu cho thấy, các lô hàng ngô từ Brazil tới Trung Quốc trong tháng vừa rồi chỉ đạt 70.000 tấn, thấp hơn nhiều so với mức 983.700 tấn của tháng 1 và hơn 1 triệu tấn của tháng 12/2022.

Lý giải cho tình trạng này, Safras cho biết hiện nông dân Brazil đang ưu tiên cho hoạt động bán đậu tương hơn, khi mà hoạt động thu hoạch có nhiều tiến bộ. Bên cạnh đó, người mua từ Trung Quốc cũng chuyển sang mua nhiều ngô từ Mỹ và Ukraine hơn.

Thông tin trên cho thấy áp lực cạnh tranh của nguồn cung từ Brazil đối với ngô Mỹ tại thị trường Trung Quốc đã giảm đáng kể. Điều này đã thúc đẩy mạnh đối với giá ngô Chicago. Bên cạnh đó, lực mua bắt đáy của các nhà đầu tư sau khi giá ngô giảm về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 08 năm ngoái cũng góp phần vào đà tăng của giá.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất