, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 28/01/2023, 17:00

Gia tộc Minh Tơ: Ngọc nghề truyền lưu

NINH LỘC
(phunuonline.com.vn)
Trải qua hơn 1 thế kỷ, gia tộc Vĩnh Xuân - Bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng có lẽ là trường hợp đặc biệt nhất của sân khấu Việt Nam. Từ ban hát bội Vĩnh Xuân đến “gia tộc cải lương tuồng cổ” Minh Tơ đã trải qua 6 thế hệ nối nghiệp Tổ. Mỗi thế hệ luôn có những tên tuổi tỏa sáng ở các vai trò khác nhau và bền bỉ một khát vọng giữ gìn, phát huy truyền thống gia đình.

Từ gánh hát bội Vĩnh Xuân đến đoàn tuồng cổ Minh Tơ...

Lúc sinh thời, NSND Thanh Tòng từng chia sẻ, cái gốc của gia đình nhiều đời theo hát bội, nhưng không lưu hành gia phả, chỉ ghi nhận được từ thời ông bà cố của ông là kép Vĩnh - đào Xuân cùng Vĩnh Xuân ban nổi tiếng khắp Nam Bộ vào đầu thế kỷ XX. Ông bà truyền nghề cho con là kép Hai Thắng - kép chánh ở nhiều gánh hát lớn tại Sài Gòn. Khoảng năm 1925, kép Hai Thắng cùng vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc sang lại gánh hát bội của bà Ba Ngoạn, lập ra gánh Vĩnh Xuân - Bầu Thắng đóng đô tại đình Cầu Quan, ngay quận Nhứt Sài Gòn.

Các nghệ sĩ của gia tộc Minh Tơ biểu diễn tại chương trình kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương - Ảnh: Minh Khang

Vợ chồng bầu Thắng có 5 người con theo nghề là: Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai, Bạch Cúc, Đức Phú. Sau khi bầu Thắng qua đời, trọng trách gánh vác sự nghiệp của gia tộc chuyển sang thế hệ thứ ba mà nghệ sĩ Minh Tơ là thủ lĩnh. Nghệ sĩ Minh Tơ cùng vợ là đào Bảy Sự và hai em Khánh Hồng, Đức Phú sang gánh Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há học hát cải lương, thu thập tinh hoa về bổ sung cho nghệ thuật truyền thống gia đình. 

Đến giữa thập niên 1950, Minh Tơ cùng các em đưa bài bản cải lương vào hát bội, đơn giản bớt các vũ đạo, giảm tính ước lệ để sản sinh ra lối hát bội pha cải lương. Khi phim ảnh và tuồng Đài Loan, Triều Châu, Quảng Đông du nhập, thì những điệu nhạc Đài Loan, nhạc Quảng cũng được tiếp thu đưa vào làm ca khúc trong tuồng, dần hình thành cải lương hồ quảng.

Đặc biệt, nghệ sĩ Minh Tơ cũng thành lập đoàn Đồng Ấu Minh Tơ nhằm bồi dưỡng thế hệ kế thừa mà nòng cốt là thế hệ thứ tư của gia tộc như: Xuân Yến, Thanh Tòng, Thanh Loan, Công Minh, Minh Tâm, Xuân Thu, Tuấn Minh, Quế Phương, Thanh Sơn (cả 9 người con của đôi nghệ sĩ Minh Tơ - Bảy Sự đều theo nghề); Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Long (con đôi nghệ sĩ tài danh Huỳnh Mai và NSND Thành Tôn)… Trong đó, Thanh Tòng đã sớm nối chí cha trở thành “đầu tàu” của đoàn hát gia đình khi tuổi đời còn rất trẻ. 

Từ năm 1968, khi nghệ sĩ Minh Tơ cùng em rể Thành Tôn được mời làm chương trình cải lương hồ quảng trên đài, ngoài tuồng tích Trung Hoa, Thanh Tòng đã viết và thực hiện một số tác phẩm đề tài lịch sử và dân gian, như: Chiếc nỏ thần, Phạm Công - Cúc Hoa, Kiều Nguyệt Nga, Lưu Bình - Dương Lễ… Từ đó tạo nền tảng để ông và gia tộc có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn sau năm 1975, định hình và phát huy một phong cách nghệ thuật rất riêng là cải lương tuồng cổ, với thương hiệu đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ.

Một nét đặc biệt ở gia tộc Minh Tơ là vai trò của các chàng rể khá nổi bật. Điển hình như cố NSND Thành Tôn, NSƯT Trường Sơn, cố nghệ sĩ Hữu Cảnh, các nghệ sĩ Thanh Bạch (chồng nghệ sĩ Bạch Lê), Điền Thanh (chồng nghệ sĩ Bạch Lựu) rồi sau này là NSƯT Kim Tử Long (chồng nghệ sĩ Trinh Trinh) và nghệ sĩ Điền Trung (chồng nghệ sĩ Lê Thanh Thảo) đều được coi trọng và có đóng góp tích cực cho thương hiệu Minh Tơ.

Nghệ sĩ Công Minh cho biết, truyền thống của gia tộc vẫn luôn coi trọng người tài, tạo điều kiện cho người có năng lực thể hiện, bất kể là con cháu trong nhà hay dâu rể. Phần lớn những chàng rể của gia tộc là các nghệ sĩ được đào luyện và thành danh trên chính sân khấu đoàn Minh Tơ, cũng đã nỗ lực cống hiến những gì tinh túy nhất của người nghệ sĩ ở đây.

Nối đời giữ "nếp nghề"

Các thành viên gia tộc Minh Tơ luôn được đánh giá cao ở sự lễ mạo, khiêm nhường. Với những ai chọn nối nghiệp gia đình thì bài học nằm lòng là tinh thần học hỏi, xả thân vì nghề, không nề hà vai trò lớn nhỏ, vai chính hay phụ. Chính “nếp nhà” đó là nền tảng để các thế hệ gia tộc Minh Tơ không ngừng nỗ lực giữ gìn gia nghiệp đầy tự hào của mình. Đã có những thời điểm khó khăn tưởng như không thể vượt qua, nhưng rồi mỗi thành viên lại càng ý thức trách nhiệm mà chung tay gầy dựng lại.

5 cô đào của thế hệ thứ năm, gồm có: Trinh Trinh, Tú Sương, Quế Trân, Ngọc Nga, Lê Thanh Thảo (từ trái qua) - Ảnh: Thanh Hiệp

Nhiều nghệ sĩ thế hệ thứ tư không thể quên cảm giác bàng hoàng khi suất hát tái ngộ khán giả sau ngày đất nước thống nhất dưới bảng hiệu đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ chỉ giữ chân được 2 hàng ghế người xem. “Khán giả không quen xem một Minh Tơ chỉ ca vọng cổ và không múa vũ đạo. Để giữ bản sắc đáp ứng thị hiếu, đồng thời theo đường lối mới của nền văn nghệ cách mạng, dưới sự dẫn dắt của anh Năm Thanh Tòng, chúng tôi đã tự đổi mới để định hình phong cách biểu diễn cải lương tuồng cổ hấp dẫn mà đậm đà bản sắc” - nghệ sĩ Thanh Sơn chia sẻ. 

Sau khi NSND Thanh Tòng qua đời (2016), Thanh Sơn trăn trở nhiều trước nguy cơ mai một của sân khấu tuồng cổ, anh đã tập hợp được nhiều bạn trẻ tham gia đoàn hậu duệ cải lương tuồng cổ Minh Tơ - Thanh Sơn để truyền nghề theo phong cách cha, anh ngày trước. Anh cũng tổ chức các chuyên đề “Nghề nối nghề” cho học trò thực tập, và giới thiệu tinh hoa cải lương tuồng cổ đến công chúng.

Việc đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ phải tạm ngưng hoạt động từ năm 1992 vì sự xuống dốc của sàn diễn, là nỗi niềm day dứt của gia tộc Minh Tơ suốt bao năm. Tháng 5/2021, đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ trở lại trong niềm xúc động của người nghệ sĩ lẫn những khán giả tri kỷ - những người sau gần 30 năm mới trở lại rạp xem hát chỉ vì sự tái xuất của bảng hiệu Minh Tơ. “Đây là sự ấp ủ của các anh chị, em cháu trong nhà. Bấy lâu, vì cuộc sống, mỗi người bươn chải các nơi, nhưng thâm tâm ai cũng khát khao giữ được sàn diễn truyền thống của gia đình” - nghệ sĩ Công Minh - người “đứng mũi chịu sào” đưa thương hiệu Minh Tơ trở lại - chia sẻ. Đoàn chủ trương hướng đến một sân khấu truyền nghề, trước mắt, tái dựng kịch bản kinh điển gắn với thương hiệu Minh Tơ, để con cháu và cả nghệ sĩ trẻ yêu thích phong cách của đoàn có thể rèn luyện, học nghề. 

“Chỉ cần yêu mến thương hiệu Minh Tơ, và mong muốn góp sức giữ lửa cho sàn diễn, chúng tôi đều chào đón. Đây là trách nhiệm mà mọi thành viên trong gia tộc cùng chia sẻ, không thể để nghệ thuật cải lương tuồng cổ của gia đình mai một” - nghệ sĩ Công Minh bày tỏ.

NSND Thanh Tòng và con gái - NSƯT Quế Trân tham gia chương trình giao lưu biểu diễn với Nhật Bản năm 2007 - Ảnh: Thanh Hiệp

Tháng 8/2022, nghệ sĩ Bạch Long cũng đưa thương hiệu Đồng Ấu Bạch Long lừng lẫy một thời trở lại. Giai đoạn 1991-1996, Đồng Ấu Bạch Long đã đào tạo nhiều nghệ sĩ trụ cột cho cải lương hôm nay - ngoài thế hệ thứ năm của gia tộc gồm NSƯT Tú Sương, nghệ sĩ Lê Thanh Thảo, Ngọc Nga (con NSƯT Trường Sơn và Thanh Loan), nghệ sĩ Trinh Trinh, Xuân Trúc (con nghệ sĩ Xuân Yến - Hữu Cảnh), NSƯT Quế Trân (con NSND Thanh Tòng)…; còn có NSƯT Vũ Luân, NSƯT Thy Trang, nghệ sĩ Bình Tinh, Chấn Cường… 

Lần trở lại này, Bạch Long tiếp tục nỗ lực đào tạo nhân lực kế thừa như truyền thống Đồng Ấu Minh Tơ ngày trước. Cũng như chia sẻ mọi vốn nghề giúp các bạn trẻ biết và hiểu được những chuẩn mực cần giữ gìn và phát huy của cải lương tuồng cổ - loại hình mà người đi trước đã dày công định hình bản sắc… 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất