, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 29/06/2022, 08:25

Giấc mơ cánh đồng lúa nếp hữu cơ bên sông La Ngà

Bài và ảnh: Châu Tỉnh
(nld.com.vn)
Chuyện về anh chàng kiến trúc sư theo nghiệp nông dân đã hiện thực hóa giấc mơ trồng lúa nếp sạch để xuất khẩu làm giàu

Quãng đường hơn 10 cây số từ trung tâm xã Nam Chính đến cánh đồng lớn như ngắn lại nhờ câu chuyện khởi nghiệp từ con số 0 đến đưa hạt lúa nếp thương hiệu Cô Duyên thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của giám đốc HTX Nông nghiệp Công Thành (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) Nguyễn Trọng Nghĩa.

Cơ duyên với lúa của anh chàng kiến trúc sư

Anh Nghĩa mở đầu câu chuyện về mình bắt đầu từ những ngày mới tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TP HCM vào năm 2006. Cũng như nhiều sinh viên khác, anh Nghĩa vẫn chọn ở lại TP HCM để tìm kiếm cơ hội việc làm. Nhưng rồi cơ duyên đưa người thanh niên quê miền núi Đức Linh này bắt đầu đến với hạt lúa từ khi anh cưới cô vợ chính gốc miền Tây, chị Đặng Thị Mỹ Duyên, 6 năm sau đó. Những lần về quê vợ ở tỉnh Long An, anh Nghĩa say mê cách bà con nông dân sản xuất ra hạt nếp chất lượng cao từ giống 4625. Nghĩ mình có thể phát triển giống lúa này trên vùng đất quê nhà, anh Nghĩa bàn bạc với vợ gác công việc ổn định của họ tại TP HCM để đưa giống nếp 4625 từ Long An về trồng trên các cánh đồng lúa tại Đức Linh. Năm 2014, anh Nghĩa thí điểm trồng giống nếp mới này trên diện tích 7 ha của nông dân trong vùng. Quá trình trồng thí điểm cho thấy giống nếp 4625 tỏ ra thích nghi tốt với điều kiện của Đức Linh.

Dòng sông La Ngà có khởi nguồn từ cao nguyên Langbiang (tỉnh Lâm Đồng) chảy qua địa bàn 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh trước khi hòa mình vào sông Đồng Nai để xuôi về biển Đông. "Từ khi có đập thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, nhờ sự điều tiết nước chủ động nên dòng chảy sông La Ngà không bao giờ cạn. "Lượng phù sa từ con sông bồi đắp qua năm tháng tạo ra 2 vùng sản xuất lúa của Đức Linh, đó là vùng Bắc và Nam sông La Ngà với diện tích khoảng 6.000 ha. Độ phì nhiêu của đất ở đây giúp hạt lúa trắng, tròn và to, bảo đảm chất lượng xuất khẩu" - ông Trương Công Đến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh, khẳng định.

Anh Nghĩa tin rằng nhờ phù sa từ dòng La Ngà bồi đắp quanh năm nên hạt nếp trồng trên cánh đồng lớn tròn, to và trắng, được thị trường nhiều nước rất ưa chuộng. Một năm sau, anh Nghĩa quyết định mở rộng diện tích canh tác của nông dân thành 100 ha/3 vụ. Năm 2017, anh mạnh dạn đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp Công Thành với mô hình sản xuất bao tiêu sản phẩm, giúp chuyển đổi cây trồng, bảo đảm thu nhập ổn định cho nông dân.

Giấc mơ cánh đồng lúa nếp hữu cơ bên sông La Ngà - Ảnh 1.
Một góc cánh đồng lớn bên sông La Ngà
Giấc mơ cánh đồng lúa nếp hữu cơ bên sông La Ngà - Ảnh 2.
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa với sản phẩm lúa nếp Cô Duyên

Khẳng định thương hiệu lúa nếp Cô Duyên

Từ mô hình nhỏ chỉ vỏn vẹn 6 hộ dân tham gia canh tác khoảng 20 ha lúa nếp, đến nay HTX đã có trên 250 hộ dân tham gia canh tác hơn 600 ha lúa nếp. Mô hình này không những giúp bà con nông dân tại xã Nam Chính có thu nhập ổn định mà còn phát triển, nhân rộng sang các địa bàn lân cận như thị trấn Đức Tài, thị trấn Võ Xu... Hiện thương hiệu lúa nếp Cô Duyên của HTX Nông nghiệp Công Thành đã xuất khẩu đến thị trường các nước: Malaysia, Indonesia, Philippines... Sản lượng nếp từ diện tích 2.000 ha/3 vụ/năm của các thành viên HTX đều được bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường. "Ngoài việc bảo đảm thu nhập từ cây lúa nếp cao hơn giống lúa thông dụng bà con trồng lâu nay, HTX cũng chú trọng nâng cao chất lượng hạt nếp. Lúa giống đầu vào phải đáp ứng yêu cầu, quy trình sản xuất, đặt chất lượng lên hàng đầu. Đồng thời, trước khi thu hoạch từ 30 - 40 ngày, chúng tôi có yêu cầu bà con tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, mô hình cánh đồng lúa nếp của HTX đã đạt chuẩn 3 sao, thu nhập bình quân của các hội viên hơn 100 triệu đồng/năm" - anh Nguyễn Trọng Nghĩa vững tâm.

Một trong những nông dân sớm tham gia mô hình liên kết sản xuất nếp sạch của HTX Nông nghiệp Công Thành là anh Phạm Chí Dũng. Gia đình anh Dũng có 9 ha canh tác lúa tại cánh đồng lớn. Trước đây mỗi năm, anh Dũng thu về khoảng 17 tấn lúa/ha, còn nay cánh đồng này mang lại khoảng 20 tấn lúa/ha. "Từ thử canh tác thí điểm ban đầu cùng HTX thấy hiệu quả, có bao nhiêu diện tích là tôi đưa vào HTX để canh tác hết. Không chỉ thu nhập tăng lên rõ rệt mà khi vào HTX, tôi hiểu rõ, nắm chắc quy trình sản xuất gạo sạch để phục vụ xuất khẩu" - anh Phạm Chí Dũng tin tưởng. 

Xây dựng cánh đồng lúa hữu cơ quy mô lớn

Hai huyện Đức Linh và Tánh Linh nằm ở vùng thung lũng sông La Ngà, với diện tích canh tác lúa khoảng 30.000 ha. Vì là loại cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện địa hình, thời tiết nên các năm gần đây được chính quyền 2 huyện này quan tâm đầu tư. Tại Tánh Linh, bắt đầu từ năm 2010, huyện đã có ghi nhớ hợp tác với Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long để được tiếp cận, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và nhất là được chuyển giao các giống lúa mới, cao sản của viện lai tạo để thay thế dần các giống lúa cũ, kém hiệu quả. Huyện Tánh Linh thực hiện khoanh vùng quy hoạch vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha để đầu tư, tiếp cận chuyển giao các giống lúa mới, chất lượng cao của viện lúa và hình thành vùng sản xuất lúa giống 250 ha để chủ động một phần nguồn lúa giống tại chỗ phục vụ nhu cầu sản xuất, xây dựng nhãn hiệu "Gạo Tánh Linh" được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận. Đến nay, trên vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha của Tánh Linh đã hình thành được 1.750 ha cánh đồng lớn gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hằng năm, trên diện tích này, huyện đã hỗ trợ giá phân hữu cơ vi sinh (bình quân 1 triệu đồng/ha) để vừa cải tạo đất vừa giúp nông dân chuyển dần sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhờ vậy, có trên 500 ha vùng lúa chất lượng cao được sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có 40 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có gắn nhãn hiệu "Gạo Tánh Linh", với sản lượng khoảng 100 tấn/năm, được tỉnh Bình Thuận công nhận sản phẩm OCOP (ST24, OM18).

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

“Từ giờ trở đi, sẽ ngày càng có nhiều người lên trọng điểm Cà Roòng – ATP” - là ngôn ngữ của những người tự vác lên mình sứ mệnh mở đường, giữa Trường Sơn.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất