, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 14/03/2023, 19:00

Giấc mơ ở Bắc Lý

ĐẬU DUNG
Em Vi Thị Xuyến, học sinh lớp 2A, trường Tiểu học Bắc Lý 2 (bản Puộc, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) e thẹn, mặt đỏ bừng, lấy chiếc áo đồng phục che kín cả khuôn mặt lúc gặp người lạ. Nhưng khi được hỏi nếu có trường học mới và được chuyển sang ở trong một ký tục xá không bị mưa nắng dột, gió lùa vô, em có thích không, cô bé loắt choắt cột tóc đuôi gà ấy chẳng hiểu sao bỏ qua cái e ngại vừa rồi mà đáp dõng dạc: "Dạ, thích".

1.

Bắc Lý nằm trên địa bàn rất xa xôi của miền tây xứ Nghệ, nằm cách TP Vinh hơn 300km, cách thị trấn Mường Xén - huyện lỵ huyện Kỳ Sơn khoảng 50km nhưng đường sá quanh co lên đèo xuống dốc, có đoạn đầy ổ trâu ổ voi nên xe hơi đi cũng hết gần 2 giờ đồng hồ. Vì địa hình trắc trở, đi lại khó khăn nên vùng này có nhiều điểm trường lẻ cho học sinh lớp 1, lớp 2 học, mỗi điểm cách nhau chừng 10 - 20km. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, từ lớp 3, lớp 4, lớp 5, các em phải về cơ sở chính học. Bắc Lý 2 là một trong những điểm trường chính như thế.

Lễ khởi công trường Tiểu học Bắc Lý 2.

Những ngày Giêng Hai, trời chưa kịp sáng hẳn, nhiều em nhỏ đã phải thu dọn đồ đạc để quay lại trường học. Trường có gần 300 học sinh thì tới 120 em ở bán trú. Trong tuần, các em sẽ ăn và học ở đây, cuối tuần lại lóc cóc về thăm nhà. Bố mẹ bận lên rẫy, cứ Chủ Nhật, các em phải cuốc bộ hàng chục cây số để quay lại trường. 20 - 30km là thường. Có khi xa hơn. Thầy Nguyễn Văn Khoa, hiệu trưởng nhà trường kể: “Bữa qua trời mưa to, đường trơn nguy hiểm nên đầu tuần ni vắng lắm, vì nhiều em vẫn chưa quay lại trường được”.

Ba năm trước, thầy Khoa về đây công tác. Khi đó, ngoài dãy nhà 2 tầng có 6 phòng học do Sở GDĐT xây, sự nghiệp “trồng người” của thầy cô Trường Tiểu học Bắc Lý 2 đúng kiểu “tay không bắt giặc”. Không nước sạch, không điện đóm, không chỗ ở. Sóng 3G thì chập chờn. Phải đi bắc đường ống dẫn nước về. Phải đi xin từng manh chiếu về để trải, từng tấm chăn để đắp. Đa số thầy cô ở xuôi lên đây không có chỗ ở. Nhiều học sinh lại ở xa. Ngay cả dãy nhà 6 phòng học kia cũng không chứa nổi số học sinh. Rứa là, thầy cô đi xin gỗ, ván dư người ta không dùng tới để dựng những căn nhà tạm cho cả thầy lẫn trò ở. Đủ gỗ thì bao quanh bằng gỗ. Còn không thì lấy tấm bạt mỏng quây lại. Rồi cũng thành một nơi chốn, tạm gọi là chỗ ở, chỗ học. Mà chỗ ở, chỗ học lạ lắm.

Cô Nguyễn Thị Tình, tổng phụ trách đội nhớ lại những ngày mưa bão, “nhà” dột lõng bõng nước, cô trò phải lấy xô để hứng. Có nhiều khi mưa to xối xả thì đành phải “giải tán” luôn buổi học. Còn vô mùa nắng, gió Lào thổi về ràn rạt, nắng hắt rọi xuống. Phòng ở, phòng học nửa kín nửa hở, chi chít “hoa nắng” đến chói mắt, dội ngược những giấc mơ xa ngái và xa xỉ. Những căn phòng mùa hè cũng như mùa đông. Và những con người – mưa cũng ở đó, nắng cũng ở đó. Nếu không, biết ở mô bây chừ?

Bước chân vô “đại bản doanh” của các em, thấy một bầy lít nhít tóc vàng hoe, da rám nắng, có em nước mũi còn thò lò, đứng rúc vào nhau cười. Có ai nói với các em không, những đứa trẻ Bắc Lý ở tây Nghệ An, cũng giống như những đứa trẻ Sốp Cộp ở Sơn La, hay rất nhiều nơi biên giới dọc dài đất nước này, các em rất giống nhau. Mắt luôn mở to rất sáng, như một bài ca bất tận của núi rừng. Nắng gió và đất đai như lằn vào da dẻ. Đứa nào cũng như đứa nào. Đều thiệt thòi trên con đường học làm người. Sẽ rất khó giải thích cho các em biết học vì một tương lai tốt đẹp hơn là như thế nào. “Tương lai” trở thành một khái niệm mơ hồ nhất. Lắm khi, tụi nhỏ đến trường chỉ vì ở đây thì được ăn cơm không mất tiền. Lại là cơm có thịt, có cá. Có bạn bè, đông vui.

Một bữa cơm có thịt của các em.

Một tiếng cười đùa thật lớn “xé” ngang dòng suy nghĩ. Các em vừa xong buổi học buổi sáng, ùa từ lớp về đây để thay đồ và cất ba lô. Mười chiếc ba lô thì có tới 9 cái cùng kiểu dáng, màu sắc không phân biệt con trai, con gái. Chắc là do một đơn vị hảo tâm nào đó tặng. Gọi là “ký túc xá” của các em nghe cho sang nhưng diện tích chỗ ở tạm này còn chưa đến 20m2 mà có tới 19 - 20 chiếc giường tầng sắp sát nhau. Mỗi giường có tới 4 em quay chân nhau nằm. Cứ thế mà nhân lên, một phòng có thể chứa gần 80 em học sinh. Ngủ dậy thì nhắc nhau xếp chăn màn gọn gàng. Sau khi tan học, những em lớn hơn thì phụ người lớn nấu cơm. Những em nhỏ hơn thì đi nhặt củi. Mỗi em đều biết phận sự của mình. Cả thầy trò ráng thu vén, rồi cũng xong.

Thầy Khoa kể, từ hồi thầy về đây tới nay, hình như Bắc Lý 2 vẫn cái dáng vẻ nghèo nàn, thiếu thốn đủ bề. Đụng đến cái chi cũng cần, cũng thiếu. Đến cả một phòng họp hội đồng cũng không có; thầy cô phải chờ tới giờ ra chơi của học sinh rồi mới “được” họp. Nếu khác chăng, lâu lâu lại có người mang tin mừng đến vùng biên ải này. Đó là những món quà từ các đơn vị hảo tâm, thiện nguyện ủng hộ. 

Cô Tình kể về những ánh mắt hào hứng của các em khi nghe tin “tụi mình sắp có quần áo mới mặc”, “tụi mình sắp có ba lô mới”,… Các em thích lắm. Quà chưa lên nhưng nghe nói “sắp có” thì đã reo vui trong lòng. Tụi nhỏ vui đến nỗi nhận được quà là ôm đi cất, cô giáo bảo mặc mới chịu mặc vì sợ nó bị cũ. Bình thường các em không có đủ quần áo mặc. Ai cho cái gì thì mặc cái đó. Đồ mùa hè cũng như đồ mùa đông. Không có quần áo hè, có em còn mặc luôn đồ mùa đông giữa trời chang chang nắng, mồ hôi đổ ướt đẫm.

“Đại bản doanh” của các em học sinh.

2.

Lần này, những người ở xa mang đến một tin mừng thật lớn. Nhân sự kiện ra mắt Hội đồng hương tỉnh Nghệ An tại TP.HCM hồi tháng 9 năm ngoái, những người con xứ Nghệ “rủ nhau” làm một việc gì đó có ý nghĩa thiết thực cho quê hương. Và trong quá trình sàng lọc, Bắc Lý 2, ngôi trường tiểu học khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn trở thành điểm đến, cũng là chốn về của những tấm lòng thiện nguyện.

Sắp tới đây, một công trình mới do Hội Đồng hương tài trợ được xây dựng trên diện tích 298m2, có quy mô 2 tầng với 4 phòng học, mỗi phòng có diện tích từ 29,8m2 đến 89,64m2, cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ như: hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống điện, quạt… với tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỉ đồng sẽ đi vào hoạt động. Vì thế, mấy ngày này, thầy trò trường Tiểu học Bắc Lý 2 mừng khấp khởi ra mặt. Nay đã thấy người ta đào móng, mai đã thấy người ta chở vật liệu xây dựng đi vô đi ra để bắt đầu xây dựng. Rồi một sớm mai nào đó, gần thôi, sẽ thấy thêm những phòng học mới, thật vững chãi, mọc lên giữa vùng biên gian khó này .

Lễ khởi công trường Tiểu học Bắc Lý 2.

Ông Nguyễn Đức Quang, Chủ tịch Hội Đồng hương Nghệ An tại TP.HCM, đồng thời là TBT Tạp chí Nông thôn Việt kể, khi nghe một cán bộ tỉnh kể về trường Bắc Lý 2, ông đã hình dung nơi đây có nhiều khó khăn. Song khi bay từ TP.HCM ra TP Vinh, rồi ngược lên Mỹ Lý gần 300km, chứng kiến tình hình dạy và học của thầy trò ở đây, ông mới thấm cái khoảng cách giữa vùng biên này so với những nơi khác. “Có lẽ, chẳng có địa phương nào mà từ thành phố lên các huyện lại hết chừng đó cây số. Quê hương hùng vĩ mà nghèo quá”. Ông đăm chiêu: Giờ có thêm phòng học cho tụi nhỏ. Nhưng nơi ăn chốn ở tử tế cho thầy cô và các em vẫn chưa có. Nơi đây thiếu thốn quá nhiều thứ...

Lời ông Quang bật ra như tan nhòe giữa những mỏm núi xanh mướt, sâu hút và sắc nhọn của góc trời Tây Nghệ An. Một bên là dòng Nậm Nơn đổ ào ào về xuôi, cùng với dòng Nậm Mộ nhánh khác, hợp thành Lam Giang trong vắt. Nơi đó, giữa những bản làng heo hút, có những em nhỏ Bắc Lý mới tí tuổi đầu, trước khi đánh vần “a, b, c” thì bước chân đã mòn vẹt trên con đường đến trường. Con đường xa ngái. Những đứa nhỏ lầm lũi bước. Bàn chân bám thật chặt đất mà đi. Đi để tìm cái chữ. Đi để có cái ăn. Đi có khi vì những điều chi đó không rõ… Mỗi ngày đến trường là một ngày vui - Tôi nghe câu đó vẳng bên tai từ ngày còn tấm bé. Ta sướng hơn, ở đồng bằng, ở đô thị, có cơm bưng nước rót, đi học thì có bố mẹ đón đưa. Và ta điềm nhiêm nói, điềm nhiên tin rằng mỗi ngày đến trường quả thực là một ngày vui. Nhưng khi nhìn những em nhỏ Bắc Lý 2, tự nhiên bỗng hồ nghi chính mình. Cái khẩu hiệu của cả ngành giáo dục ấy, hình như chưa chạm được đến với nơi này theo một cách trọn vẹn nhất. Nhưng các em vẫn đi, vẫn bước bằng một niềm tin mơ hồ của trẻ nhỏ, con đường đó không buồn như ở nhà là cái chắc.

Lễ khởi công trường Tiểu học Bắc Lý 2.

Vào ngày khởi công trường mới, Bắc Lý 2 vui hơn mọi ngày. Cái không khí ấy truyền sang những người lên đây xây trường, tự nhiên trang trọng hẳn. Đứng trên bục phát biểu tại lễ khởi công trường Tiểu học Bắc Lý 2 ngày đầu tháng 2 ấy, ông Nguyễn Đức Quang nhớ về 60 năm trước, khi đó, ông cũng đã ngồi vị trí của các em bên dưới, lắng nghe một cán bộ huyện xuống nói chuyện, và khao khát một ngày mình sẽ đứng trên bục đại biểu, nói chuyện với các em. Ông kể lại câu chuyện đó để khuyến khích các em học sinh ngồi dưới hôm nay hãy cố gắng vươn lên như các chú, các bác. “Những gì hôm nay mà các bác, các chú làm được một chút thì tương lai các con phải làm được nhiều hơn. Ở vùng này hơn 75% là hộ nghèo. Ai sẽ xoá đói giảm nghèo cho địa phương của mình? Chính việc học hành tử tế của các con và vươn lên mới là điều kiện để xoá đói giảm nghèo và xây dựng quê hương mình phát triển bền vững”. Không rõ, có em nhỏ nào hiểu điều ông nói không. Biết đâu đấy. Những đứa nhỏ thường mang những giấc mộng phi thường.

***

Lẽ ra mỗi bàn học đi kèm 2 chiếc ghế. Nhưng tôi đã đứng thật lâu trong phòng học làm bằng gỗ tạm chưa đến 20m2 ngày hôm ấy, có 8 chiếc bàn nhưng có nhiều hơn 16 cái ghế. Có vài chiếc bàn hỏng, chắc là đã vứt đi; nên chỉ còn những ghế long cả đinh ốc ở lại. Không biết, khi ngồi học, không có bàn, các em sẽ viết bằng cách chi? Có lẽ sẽ chụm đầu vào bàn bên dưới hoặc bên trên để viết ké cùng chúng bạn. Cũng như cách gần 80 đứa nhỏ nằm chen chúc trên 18 chiếc giường kia. Gian khó đã dạy các em cách để khắc phục và thu vén. Và trên hai tấm bạt căng lên ở hai bên lớp có dán hai bảng trưng bày sản phẩm môn Toán và môn Tiếng Việt. Tôi nhớ các em rồi, em Và Y Dương (bản Nhọt Kho), Và Y Chi (bản Nhọt Kho), Lương Thị Vui (bản Xám Thạng), Lương Văn Mi (bản Puộc), Lò Thị Ngọc (Bản Puộc)… Các em là học sinh lớp 4A trường Tiểu học Bắc Lý 2. Chữ của các em rất đẹp và gọn gàng.

Một góc lớp học tại trường Tiểu học Bắc Lý 2; có ghế nhưng không có bàn học.

Từ Bắc Lý về lại xuôi, hai bên đường, hoa trạng nguyên đỏ chót, ngạo nghễ mọc cao vút thành những ngọn lửa thắp rực lên miên man giữa một miền hoang hút. Không rõ khi trồng loài cây này làm hàng rào, người Bắc Lý gửi gắm điều gì. Có phải vì mong đỗ đạt như người miền xuôi thường quan niệm? Chắc là không. Nhưng tôi nhớ, trong một cuốn từ điển nào đó, người ta nói, màu đỏ là biểu tượng cơ bản của bản nguyên sống. Tôi thích ý này khi nghĩ về màu đỏ của hoa trạng nguyên sống bạt ngàn giữa dải biên cương đó. Một bản nguyên sống trong lớp nghĩa căng đầy của nó. Ở đó, giữa một vùng đất xa tít mù và nhọc nhằn, con người vẫn không nguôi khát vọng sống.

“Điều kiện sinh hoạt của cả thầy lẫn trò ở trường Tiểu học Bắc Lý 2 cực kì khó khăn. Phòng học thiếu thốn trầm trọng. Nhất là sau khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, từ lớp 3 trở đi, các em ở các điểm trường lẻ đều phải tập trung về điểm trường chính để học. Ngân sách của huyện thì ngoài tầm với. Nhân dân địa phương càng khó khăn. Được sự tài trợ của Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM, thầy trò Bắc Lý 2 cũng như địa phương rất vui mừng, phấn khởi. Việc có thêm phòng học khang trang cho các em chưa thể giải quyết hết những khó khăn hiện tại của trường nhưng nhờ có nó, mà trường có thể từng bước thực hiện được chương trình giáo dục mới. Tôi nghĩ, không có hạnh phúc nào bằng. Tôi tin chất lượng dạy và học sẽ được ổn định và nâng lên”.

Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.
Nổi bật
Được quan tâm


Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất