, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 29/08/2022, 10:07

Giải bài toán cơ giới hóa

CA LINH
(nld.com.vn)
Là nước xuất khẩu nông sản nhưng việc cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp của nước ta vẫn chưa tương xứng, nhiều máy móc, thiết bị phục vụ nền nông nghiệp phải nhập khẩu

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết hiện nay tỉ lệ Việt Nam ứng dụng cơ giới hóa để phục vụ sản xuất nông nghiệp đang tăng nhanh. Giai đoạn 2011 - 2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần, máy bơm nước tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng 80%, máy sấy nông sản tăng 30%...

Nông dân tham quan trình diễn máy gieo sạ tăng hiệu quả sản xuất lúa gạo và giảm tác động môi trường tại Viện Lúa ĐBSCL

Nhiều khâu cơ giới hóa thấp

Riêng khu vực ĐBSCL, cơ giới hóa trong nông nghiệp phát triển khá mạnh vì nơi đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp chủ đạo của cả nước. Đối với cây lúa, khâu làm đất đạt 100%, gieo sạ và cấy đạt 75%, chăm sóc và bảo vệ thực vật là 85%, thu hoạch là 95% và khâu thu gom rơm, rạ là 90%... Với cây ăn trái, khâu làm đất đạt trên 90%, chăm sóc đạt 60% - 70%, khâu thu hoạch chủ yếu làm thủ công… "Cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết được khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới. Đồng thời, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân và hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn như dịch vụ làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản" - ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho hay tại địa phương, hiện mức độ cơ giới hóa ở một số khâu sản xuất tăng nhưng trình độ cơ giới hóa chưa cao khiến chi phí sản xuất tăng. "Một số khâu sản xuất ít được cơ giới hóa nên chưa thúc đẩy phát triển, nâng cao thêm chuỗi giá trị trong ngành sản xuất lúa, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tuần hoàn như khâu cuộn rơm, cắt rạ" - ông Nghiêm thông tin.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở một số khâu tại địa phương này đạt tỉ lệ cao nhưng chưa toàn diện, một số khâu còn thấp, đặc biệt là khâu chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cây ăn trái. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng nông thôn chưa phát triển đồng bộ; giao thông nội đồng, hệ thống tiêu, thoát nước chưa phát triển tương ứng. Vì vậy, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển cơ giới hóa nông nghiệp - nhất là các máy làm đất theo yêu cầu thâm canh, máy thu hoạch, vận chuyển nông sản, máy bay phun xịt.

Sử dụng thiết bị bay không người lái để gieo giống tại Viện Lúa ĐBSCL

Cơ giới hóa để tăng thu nhập

Khảo sát của Trường Đại học Nông Lâm TP HCM cho thấy toàn quốc hiện có hơn 10 triệu hộ nông nghiệp với mức độ trang bị động lực bình quân chỉ 2,4 CV/ha canh tác, vùng có mức độ trang bị động lực cao nhất nước như ĐBSCL cũng chỉ 2,8 CV/ha. Tỉ lệ hộ có máy kéo và máy nông nghiệp còn thấp, bình quân khoảng 50 hộ mới có một máy kéo, thấp hơn nhiều so với các nước. "Các loại máy được sản xuất tại Việt Nam bao gồm cả chế tạo và lắp ráp chỉ chiếm khoảng 20%-30% thị trường, phần lớn là máy nhập khẩu của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thương hiệu máy kéo trong nước chiếm thị phần khá hạn chế so với các thương hiệu của nước ngoài" - PGS-TS Nguyễn Huy Bích, Phó trưởng Khoa Cơ khí - Công nghệ thuộc Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, nói.

Hằng năm, lượng máy kéo nhập khẩu hơn 2.000 tỉ đồng, trên 90% là máy kéo công suất trên 22 HP. Các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu là xưởng cơ khí địa phương nhỏ lẻ, kỹ thuật thiết kế và công nghệ chế tạo hạn chế, các chi tiết máy chưa được tiêu chuẩn hóa và có chất lượng thấp. Hệ quả là làm tăng chi phí bảo trì, sửa chữa và giảm khả năng cạnh tranh. Giá cao, sản phẩm chưa đa dạng là những yếu tố quan trọng khiến các sản phẩm máy nông nghiệp của Việt Nam khó cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước.

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, tỉnh hiện có khoảng 1.400 máy làm đất các loại và khoảng 350 máy gặt đập liên hợp, cơ bản đáp ứng cơ giới hóa ở khâu làm đất và thu hoạch lúa. Ông nhận định hiện cơ giới hóa ở ĐBSCL đang đồng bộ nhưng không đồng loạt, chưa sử dụng cơ giới hóa lớn được do diện tích sản xuất chưa tập trung.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cơ giới hóa là việc cần thực hiện để tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản, tạo ra giá trị cao hơn. "Cơ giới hóa nông nghiệp, máy móc, thiết bị để tạo ra được năng suất cao hơn trên nền tảng tổ chức lại sản xuất quy mô lớn. Trong đó, sự liên kết giữa người dân trong vùng nguyên liệu tạo ra HTX, tổ hợp tác để cùng sử dụng chung được công nghệ, thiết bị, máy móc từ cơ giới hóa để đạt được hiệu quả tối ưu hóa sản phẩm" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý. 

Thiếu nhân lực cho ngành nông nghiệp

Theo PGS-TS Nguyễn Huy Bích, nhiều trường đại học khối nông - lâm trong cả nước nhiều năm qua tuyển không được sinh viên hoặc tuyển không đủ chỉ tiêu, kết quả là ngưng đào tạo và kết thúc đào tạo ngành ở trình độ đại học và sau đại học. Một trong các nguyên nhân quan trọng tạo nên tình trạng trên là ngành học chưa hấp dẫn, công tác hướng nghiệp ngành nghề giúp học sinh nhận thức đúng về ngành chưa tốt. Nhiều phụ huynh và học sinh có tâm lý cho rằng học nông - lâm ra trường sẽ xuống ruộng, lội bùn, làm các công việc chân lấm tay bùn hoặc chỉ giữ rừng.
 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm


Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất