, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 27/12/2021, 16:00

Giải bài toán nhân lực ngành logistics

LAM GIANG
(hanoimoi.com.vn)
Được ví như “mạch máu” của nền kinh tế, ngành dịch vụ logistics có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu là một trong những nguyên nhân khiến ngành dịch vụ này chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vấn đề đặt ra hiện nay là tìm cách giải bài toán nhân lực để ngành logistics phát triển như kỳ vọng.
Nhân viên phân loại hàng hóa tại Trung tâm chia chọn bưu phẩm của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (ViettelPost).

Thiếu về số lượng, yếu về chất lượng

Những năm qua, ngành dịch vụ logistics Việt Nam (bao gồm các hoạt động: Giao - nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác…) có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 12-14%/năm, đóng góp khoảng 4-5% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Theo Báo cáo Chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2021 của Agility - một trong những nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới, Việt Nam trong 10 quốc gia đứng đầu. Đáng chú ý, dịch vụ logistics trong nước đã góp phần quan trọng trong việc triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nâng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 vượt mốc 660 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, bước đầu, ngành logistics đã đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong nước, quốc tế. Tuy nhiên, dịch vụ này còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp vì chi phí cao; sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp logistics kém hiệu quả…

Một trong những nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do nguồn nhân lực ngành logistics thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nhân sự toàn ngành; sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, tính chuyên nghiệp của nhân lực logistics Việt Nam để đón nhận cơ hội phát triển chưa cao… Đáng chú ý, 95% trong số 30.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics đang hoạt động trong nước là doanh nghiệp nội, phần lớn có quy mô nhỏ. Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chủ yếu vẫn đóng vai trò là “vệ tinh” cho các công ty logistics nước ngoài, đảm nhận một số dịch vụ đơn lẻ, như: Làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi...

Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam Nguyễn Thanh Chương thông tin, lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5-7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, có đến 30% doanh nghiệp logistics phải đào tạo lại cho nhân viên của mình về nghiệp vụ, công nghệ thông tin, ngoại ngữ…

Đồng bộ các giải pháp

Bộ Công Thương dự báo, nhu cầu nhân lực ngành logistics đến năm 2030 là khoảng 2,2 triệu người. Để đáp ứng nhu cầu này, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam Nguyễn Thanh Chương, các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo đã vào cuộc nhằm đào tạo đội ngũ nhân sự logistics có chất lượng cao. Hiện cả nước có 54 trường cao đẳng và 11 trường trung cấp cùng một số khoa, bộ môn tại nhiều trường đại học đào tạo nhân lực ngành logistics. Các cơ sở đào tạo đang khắc phục những khó khăn về nội dung chương trình, giảng viên và tăng cường liên kết với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, phù hợp các chuẩn mực quốc gia, khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, ông Nguyễn Thanh Chương kiến nghị, Chính phủ bố trí nguồn lực tài chính nhất định cho đào tạo nhân lực nói riêng và phát triển ngành logistics nói chung. Song song đó, cần rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có đào tạo về lĩnh vực logistics gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường logistics của cả nước và từng vùng, từng địa phương.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel Nguyễn Hoàng Long cho rằng, để có nguồn nhân lực đủ mạnh cần sự hợp tác giữa doanh nghiệp logistics với cơ sở đào tạo nhằm phát huy thế mạnh của mỗi bên. Một trong những giải pháp cụ thể, theo ông Nguyễn Hoàng Long, là tổ chức các chương trình đào tạo thực tế, đào tạo chuyên sâu; các sự kiện chuyên đề nhằm lan tỏa kiến thức, nâng cao hiểu biết và kỹ năng cho đội ngũ nhân sự. Còn Giám đốc SNP logistics (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) Đỗ Xuân Minh kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm đúng mức đối với đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành logistics, trong đó cần gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và đáp ứng các chuẩn mực của khu vực, thế giới.

Để phát triển ngành logistics Việt Nam trong giai đoạn tới, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc kiên trì giải pháp cắt giảm chi phí, tái cấu trúc dịch vụ, cần phát huy tối đa nguồn lực con người. Với chức năng của mình, Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ sớm xây dựng chiến lược, đề án phát triển nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics. Theo đó, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo với các nước, tận dụng sự hỗ trợ của các nước phát triển để đào tạo cán bộ quản lý trong lĩnh vực logistics.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất