, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 07/08/2017, 16:29

"Giải cứu" 100.000 tỷ đồng cách nào?

Sau khi Chính phủ ra Nghị quyết số 30/CP vào tháng 3/2017, các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, vốn rất ít ỏi, hoan hỉ ra mặt, vì sắp sửa được tiếp sức bởi gói 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi (với lãi suất phù hợp, thấp hơn lãi suất thị trường). Thế nhưng, hết quý 2, qua đến gần giữa quý 3, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi này, đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xem ra càng lúc càng xa.

Vì sao?

Du lịch nông nghiệp, điểm nhấn nông thôn mới ở Hà Giang
Du lịch nông nghiệp, điểm nhấn nông thôn mới ở Hà Giang. Ảnh: Giàng A Phớn.

Có nhiều nguyên nhân. Trước hết về cơ chế chính sách, thì đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, (mặc dù quy định là trong tháng 3 năm 2017). Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa xong đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Đặc biệt, Quyết định 738 của Bộ NN&PTNT, có hiệu lực từ giữa tháng 3/2017 thì quy định, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC phải đáp ứng được một trong các tiêu chí: dự án đầu tư thực hiện trong khu nông nghiệp ứng dụng CNC (có quyết định thành lập); dự án trong vùng nông nghiệp ứng dụng CNC (được cấp tỉnh, TP công nhận); dự án của doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC đã được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận …

Những chính sách, quy định ấy, cái thì chậm ban hành, cái đã ban hành thì như đánh đố doanh nghiệp. Bởi các DN đã đầu tư hàng chục, hàng trăm nghìn tỉ vào nông nghiệp như Ba Huân, Vin Group, Hoàng Anh Gia Lai… làm sao để lọt vào một trong các tiêu chí ấy?

Chưa hết, Ngân hàng Nhà nước, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ (dành ít nhất 100.000 tỉ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp, thấp hơn lãi suất thị trường), đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại, cho khách hàng vay vốn để thực hiện chương trình “với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0.5%-1.5% so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn”.

Quy định này làm khó các ngân hàng. Bởi các NHTM kinh doanh tín dụng lời lãi là dựa trên chênh lệch lãi suất huy động và cho vay. Nếu buộc phải cho vay thấp hơn 0.5% - 1.5% mức lãi suất thông thường thì lấy đâu ra tiền để “bù lỗ”? Ai chịu trách nhiệm khi NH bị lỗ vốn? Nếu không trả lời được câu hỏi đó thì có NH nào dám cho vay thấp hơn (hoặc bằng) lãi suất huy động?

Nông nghiệp CNC không nên hiểu máy móc chỉ là các dự án được thực hiện trong Khu hay Vùng NN CNC, càng không nên bó hẹp vào những dự án được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận. Ở khâu sản xuất, có thể ứng dụng công nghệ cao (như nuôi trồng trong nhà kính, chế độ nước, nhiệt độ, ánh sáng... chủ động), nhưng cũng nên cả áp dụng công nghệ truyền thống (như sản xuất lúa, nuôi tôm tự nhiên, dựa vào thiên địch; không dùng phân, thuốc trừ sâu hóa học).

Áp dụng công nghệ nào cho ra sản phẩm sạch, chất lượng tốt, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng thì đều cần khuyến khích. Nhưng, quan trọng hơn là đầu tư NN CNC ở khâu sau thu hoạch (bảo quản, chế biến...) để nâng cao giá trị sản phẩm. Lâu nay, chúng ta hay nhắc đến từ giải cứu, hết thanh long, chuối lại đến gà, heo... là do thiếu hẳn hệ thống kho dự trữ, bảo quản và các nhà máy chế biến. Nông dân và DN đầu tư NN chỉ biết sản xuất và đoán định thị trường qua nguồn thông tin rỉ tai cũng như tiêu thụ hoàn toàn qua thương lái.

DN đầu tư vào nông nghiệp trông chờ nguồn vốn tín dụng 100.000 tỷ đồng không chỉ vì để được giảm lãi suất (do lãi suất tín dụng lâu nay họ đã vay để đầu tư vào nông nghiệp quá cao, như mức lãi suất tín dụng thương mại), mà còn bởi họ rất cần nguồn vốn để đầu tư vào công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch.

Nếu nguồn tín dụng 100.000 tỷ đồng được các bộ, ngành “giải cứu” sớm, chắc chắn giá trị xuất khẩu của nông sản Việt trong một vài năm tới sẽ tăng thêm nhiều trăm triệu USD. Và quan trọng hơn, sẽ góp phần giải cứu nông dân khỏi tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. 

Nguyễn Đức

 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất