, //, :: GTM+7

"Giải cứu" kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trước nguy cơ ô nhiễm bằng cách nào?

Theo MINH QUÂN (laodong.vn)

Việc gấp rút xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cho là biện pháp giảm nồng độ ô nhiễm trên kênh, ngăn ngừa tình trạng cá chết.

Công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh; Minh Quân.

Nhiều ngày qua, dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rác thải xuất hiện nhiều từ cầu số 1 đến cầu số 9 (từ quận Tân Bình đến quận 3), đặc biệt tồn đọng nhiều tại các dạ cầu, mép kênh. Màu nước kênh những khu vực này cũng đổi sang màu đen, xuất hiện nhiều mảng bùn và bọt khí.

Rác thải nổi lềnh bềnh trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: M.Q.

Đặc biệt, theo ghi nhận, trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn gần đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình) nước thải ô nhiễm vẫn chảy trực tiếp từ cống xuống kênh.

Nước thải ô nhiễm vẫn chảy trực tiếp xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: M.Q.

Trước đó, sau nhiều trận mưa đầu tháng 4, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè xuất hiện hàng nghìn xác cá chết nổi trắng cả mặt nước, đặc biệt là các đoạn kênh khu vực quận 3 và quận Phú Nhuận. Nhiều nơi bốc mùi hôi thối nặng do lượng cá chết quá nhiều.

Công nhân vệ sinh thu gom xác cá. Ảnh: M.Q.

Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TPHCM cho biết, rác dưới dòng kênh chủ yếu là rác sinh hoạt, rác hữu cơ do người dân và hàng quán xung quanh thải ra như vỏ chai nhựa, túi nilon, thức ăn thừa và cả xác động vật. “Mưa lớn liên tục trong nhiều ngày qua đã cuốn theo rác từ khu dân cư cộng với nước, bùn từ các tuyến cống đổ vào kênh gây ô nhiễm” – ông Nhựt nói.

Theo ông Nhựt, để xử lý lượng rác trên kênh, Công ty đã bố trí hàng trăm công nhân tỏa khắp các tuyến kênh vớt rác nhưng vẫn không xuể, vì đang vào mùa mưa nên mỗi ngày lại có thêm lượng rác mới bị cuốn xuống kênh. “Ước tính khối lượng rác trên kênh trong những ngày qua tăng từ 5-6 tấn/ngày lên gần 10 tấn/ngày, còn lượng cá chết vớt được đến nay đã hơn 14 tấn” – ông Nhựt nói.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp TPHCM) cho biết, dự án Vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 được khánh thành năm 2012. Toàn bộ lượng nước thải của khoảng 1,2 triệu người ở 7 quận ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được thu gom vào tuyến cống bao dài hơn 8km đưa về trạm bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).

Tuy nhiên, do chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải nên toàn bộ nước thải trên bơm trở lại sông Sài Gòn để pha loãng ô nhiễm. Mặt khác, hệ thống cống này chung với hệ thống cống thoát nước mưa, vì vậy khi có mưa, một lượng nước thải hòa lẫn với nước mưa thoát ra ngoài kênh, góp phần làm các chỉ số ô nhiễm kênh tăng lên dẫn đến cá chết như trên.

“Chỉ khi nào nguồn nước từ hệ thống cống này được xử lý ô nhiễm trước khi đổ ra kênh (đặc biệt vào thời điểm có mưa đầu mùa) thì hy vọng cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không chết hàng loạt như vừa qua” – ông Bá nói.

Nhiều đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm trở lại. Ảnh: MInh Quân.

Theo tìm hiểu, việc triển khai dự án Vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2 (xây nhà máy xử lý) bị chậm trễ 5 năm vì thiếu vốn đầu tư. Mãi đến năm 2017 dự án mới được khởi công với tổng mức đầu tư khoảng 524 triệu USD.

Ngoài xây dựng nhà máy xử lý nước thải thành nước sạch có công suất 480.000m3/ngày, còn thêm khoảng 8km tuyến cống bao thu gom nước thải cho khu vực Thành phố Thủ Đức. Dự kiến nhà máy xử lý nước thải này sẽ hoàn thành vào tháng 6.2024.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất