, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 30/05/2023, 08:29

Giải "lời nguyền" được mùa mất giá - được giá mất mùa cho nông sản Việt Nam

ĐỖ HỒNG QUÂN
“Được mùa mất giá - Mất mùa được giá không phải là lời nguyền, mà là quy luật Cung - Cầu: Được mùa - cung tăng, dư thừa, giá giảm; Mất mùa - sản lượng giảm, khan hàng, giá tăng. Trong nông nghiệp nói chung, người sản xuất thành công khi dự báo được thị trường và Cung - Cầu tại từng thời điểm để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Để làm được việc này, cần có thông tin online đầy đủ về nhu cầu thị trường, năng lực sản xuất trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, truyền thông, tư vấn phải đến được với người sản xuất, kinh doanh…

Nguyên tắc tối thượng sản xuất hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng là đáp ứng nhu cầu của khách hàng - Thượng Đế, bán cái người tiêu dùng cần. Hiện nay, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng thị trường quốc tế, bài toán đặt ra phải theo thị trường thế giới, không phải chỉ gói gọn ở Việt Nam như thời bao cấp, bế quan tỏa cảng, người tiêu dùng chỉ sử dụng hàng hóa chính Việt Nam sản xuất ra. Một sản phẩm được gọi là hàng hóa tham gia thị trường khi đạt 3 tiêu chí: Sản lượng - Chất lượng - Thời gian giao hàng. Nếu vậy, nhiều nông sản do người nông dân Việt Nam sản xuất ra không đạt.

Cụ thể, với tiêu chí sản lượng, sau khi thực hiện khoán 10, khoán 100, chia nhỏ ruộng cho từng hộ nông dân để phát huy quyền tự chủ trên mảnh ruộng được giao, nhưng không có phương thức sản xuất đồng bộ dẫn đến đồng ruộng manh mún, mỗi mảnh ruộng chỉ từ vài trăm mét vuông đến vài hecta. Mỗi nhà trồng một loại giống; thu hoạch ở nhiều thời điểm khác nhau với sản lượng nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu của nhà máy, doanh nghiệp xuất khẩu, thế là sinh ra thương lái.

Với vai trò trung gian, mục tiêu là lợi nhuận sinh ra từ khó khăn, hạn chế của nông dân, thương lái bưng bít thông tin nhu cầu của thị trường, để nông dân cứ trồng, đến ngày thu hoạch đến thu gom. Nông dân trồng nhiều hay được mùa thì mua rẻ, nông dân trồng ít, mất mùa thì mua giá cao. Thương lái ở giữa, không phải đầu tư, lợi nhuận không đổi, còn nông dân mất mùa thì mất hết, được mùa thì “giải cứu”.

Về chất lượng, mỗi nông dân trồng trọt trên mảnh ruộng của mình, mỗi người chọn một loại giống, rồi thời điểm gieo trồng, chăm sóc, bón phân… khác nhau nên chất lượng nông sản khác nhau. Thương lái gom của hàng trăm hộ về đổ chung, chất lượng không đồng đều, mặt khác, thời gian thu gom kéo dài làm chất lượng nông sản giảm. Hậu quả là thương lái tính toán thiệt hại và đổ đầu, ép giá nông dân.

Trong những năm gần đây, ngay cả mấy ngày gần đây, thường xuyên Việt Nam nhận được thông báo “Hàn Quốc thu hồi, ngừng bán sản phẩm ớt của Việt Nam do dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn” (Báo VnEconomy - 12/4/2023), “EC theo dõi dư lượng thuốc trừ sâu trong bún, phở từ Việt Nam” (VTV - ngày 13/4/2023), “Nhật trả lại Việt nam 90 lô hàng xuất khẩu năm 2022” (Tuổi trẻ - 19/4/2023)… Nhưng người nông dân coi đó không phải việc của mình, doanh nghiệp không xuất khẩu được thì thu về bán trong nước, giá rẻ hơn, và ép giá lại nông dân.

Đồng ruộng manh mún nên bắt buộc phải sản xuất chủ yếu bằng thủ công, hoặc áp dụng cơ giới hóa không hiệu quả với chi phí cao. Nhưng quan trọng, mỗi nhà thu hoạch chỉ được vài hecta (lúa), vài trăm mét vuông (rau, màu), vài tấn (cây công nghiệp)… không đáp ứng đủ mỗi chuyến hàng của nhà máy hay doanh nghiệp xuất khẩu, thế là, lặp lại câu chuyện thương lái thu gom, người sản xuất thiếu thông tin, trồng trọt tự phát, và lặp lại “lời nguyền”.

Như vậy, chúng ta phải khẳng định rằng, nông sản Việt Nam chưa hội tụ đủ tiêu chuẩn là “hàng hóa” trong thị trường hội nhập quốc tế, vẫn tư duy, sản xuất cái mình có, thiếu thông tin, theo phong trào, lượng nhỏ lẻ, nay có mai không.

Hậu quả là gì? 

Không áp dụng được cơ giới hóa đồng bộ, hiệu quả! Cơ giới hóa trong nông nghiệp đã được thế giới ứng dụng từ thế kỷ trước. Nhưng Việt Nam vẫn đang lúng túng, cơ giới hóa một vài công đoạn, quản trị, khai thác máy móc thiết bị không hiệu quả, không khắc phục được tình trạng thiếu lao động nông nghiệp thời vụ, dẫn đến nông dân bỏ ruộng tràn lan.

Việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không đồng giống, đồng trà, không áp dụng được cơ giới hiệu quả… lưu thông hàng hóa qua nhiều cấp thương lái dẫn đến chi phí sản xuất và chi phí bán hàng nông sản quá lớn. Giá nông dân bán được chỉ bằng 20% - 50% giá đến nhà máy, doanh nghiệp xuất khẩu hay người tiêu dùng. Lợi nhuận chính vẫn là thương lái.

Người sản xuất thiếu thông tin quy hoạch, định hướng, nhu cầu thị trường. Hầu hết nông sản trên thị trường, người nông dân đều không có thông tin từng thời điểm, kịp thời về nhu cầu thị trường, năng lực, giá cả, thực trạng sản xuất trong và ngoài nước. Người nông dân phải tự mày mò lựa chọn cây trồng, tự dự báo… để nay trồng, mai chặt.

Hầu hết, quy hoạch chỉ dừng đến cơ quan quản lý Nhà nước cấp xã, huyện, tỉnh… Mỗi hộ nông dân đều không biết quy hoạch đồng ruộng của mình trồng cây gì, khả năng thị trường ở đâu, bao nhiêu? Nhưng khi nông dân tự lo trồng, chưa biết bán ở đâu thì bị cho là phá vỡ quy hoạch. Lệch pha từ khi nông dân thiếu thông tin để quyết định cây trồng là nguyên nhân chính xảy ra theo lời nguyền.

Hình minh họa.

Làm sao giải được “lời nguyền”? Không có con đường nào khác, là phải có giải pháp đồng bộ.

Nông dân sản xuất cùng một mặt hàng, trên cùng cánh đồng, địa bàn… phải trong một tổ chức, đó là Hợp tác xã, tổ hợp tác, đội nhóm nông dân (gọi chung là Hợp tác xã), để hợp lực, cùng nhau quyết định từ cây trồng, thời vụ, giải pháp kỹ thuật… khắc phục tình trạng đồng ruộng manh mún, sản lượng nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều và đặc biệt, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, chủ động được sản lượng từ trồng đến thu hoạch theo yêu cầu của nhà máy và doanh nghiệp xuất khẩu.

Tư cách đầy đủ của các thành viên tham gia Hợp tác xã phải đóng góp đất đai thông qua hợp đồng để cùng sản xuất và đóng góp chi phí chung. Khi là thành viên đầy đủ tư cách sẽ suy nghĩ để đóng góp, tìm giải pháp tốt nhất cho tập thể và chính cá nhân mình, tuân thủ đầy đủ chỉ đạo của Hợp tác xã, tránh sản xuất tùy tiện, khắc phục được tình trạng chất lượng nông sản không đồng đều.

Bầu, lựa chọn, hoặc đi thuê nhân sự có đủ năng lực điều hành Hợp tác xã, tránh tình trạng “cơm chấm cơm”, thiếu năng lực, trình độ, tư duy chỉ như nông dân bình thường, không có giải pháp, chiến lược, kế hoạch… sản xuất kinh doanh.

Chính người nông dân trên cùng cánh đồng phải xác định đoàn kết, bỏ bờ thửa, tạo mảnh ruộng lớn để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, giảm chi phí sản xuất, khắc phục cơ bản hạn chế đồng ruộng manh mún, sản xuất cá thể. Giống vật tư đầu vào mua trực tiếp của doanh nghiệp sản xuất. Ứng dụng công nghệ mới, cơ giới hóa đồng bộ hiệu quả, chủ động sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Sản xuất ra nông sản có chất lượng đồng đều, sản lượng lớn. Đầu ra nông sản ký hợp đồng liên kết chuỗi với nhà máy chế biến, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, không qua thương lái thu gom nhiều cấp.

Việc sản xuất trên đồng ruộng manh mún, phương thức sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị đã kéo dài đã trở thành tập quán của đại bộ phận nông dân Việt Nam. Cần thiết phải có các mô hình được Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư mô hình mẫu trọn gói, từ tổ chức, nhân sự, sản xuất… mời nông dân đến tham quan, học tập, cùng sản xuất để làm rõ hiệu quả, thay vì chỉ làm tập huấn lý thuyết.

Hình minh họa.

Bên cạnh đó, xây dựng mạng lưới ứng dụng công nghệ thông tin công khai từ các Bộ, ngành Trung ương (Tham tán kinh tế, Nông nghiệp, Công thương, Hải quan…) đến các cấp địa phương (tỉnh, huyện, xã). Cập nhật hàng ngày tình hình sản xuất, thị trường nông nghiệp, nông sản của từng xã. Cán bộ, chuyên gia Trung ương cập nhật tình hình sản xuất nông nghiệp, thị trường quốc tế và tổng hợp của các tỉnh trong nước, đưa ra phương án tư vấn cho các địa phương chi tiết về loại cây trồng, vật nuôi, quy mô, thời vụ…

Trên cơ sở dữ liệu tư vấn của Trung ương, các tỉnh có đội ngũ chuyên gia phân tích tình hình của địa phương để tư vấn cho các huyện. Huyện có đội ngũ cán bộ chuyên gia cập nhật dữ liệu của Trung ương và tỉnh để tư vấn cho xã.

Trên cơ sở dữ liệu của Trung ương, tỉnh, huyện, cán bộ nông nghiệp xã tư vấn cho nông dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương và còn dung lượng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Ngoài ra, đây còn là dữ liệu thống kê online, tức thời hàng ngày của quốc tế và chi tiết đến từng xã, làm cơ sở để hoạch định chính sách, quản trị, điều hành ngành nông nghiệp và thị trường. Tránh tình trạng vài năm Nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đi điều tra, nhưng sau cả năm mới có kết quả, không còn đảm bảo tính thực tiễn.

Sản xuất của nông dân là cái gốc của mọi vấn đề hạn chế, kém hiệu quả hiện nay. Cần phải có phân tích thấu đáo để có giải pháp đồng bộ hiệu quả. Không thể chỉ nhìn thấy cái ngọn, nông sản xản xuất ra không bán được mà chỉ đi lo kích thích thị trường, bán hàng không chất lượng.

Với các giải pháp nêu trên, hàng hóa nông sản của nông dân sản xuất sẽ khắc phục cơ bản các hạn chế hiện tại, có đầy đủ thông tin, đáp ứng được các điều kiện, nhu cầu của khách hàng, dần phá bỏ được lời nguyền được mùa mất giá - được giá mất mùa, khi đó, “giải cứu” không còn là phương án thường trực.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất