, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 19/11/2020, 14:55

Giải pháp cấp bách chống lũ cho miền Trung

NGUYỄN ĐỨC

Hai cơn bão số 8 và số 9 đã nhấn chìm hàng vạn ngôi nhà ở các làng xã nông thôn thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An. Sau chiến dịch cứu trợ khẩn cấp, một lần nữa, vấn đề chống lũ cho đồng bào các tỉnh miền Trung lại được đặt ra cấp bách.

Đã từng có nhiều đề xuất, giải pháp về vấn đề này. Nhà nổi, nhà chòi hay cụm tuyến dân cư vượt lũ…

Nhà nổi, như tên gọi, được thiết kế xây dựng trên phao, bằng thùng phuy sắt, hoặc thùng nhựa. Khi nước lên, cả căn nhà nổi trên mặt nước. Khi nước rút, thì phao nằm trên nền đất. Có nhiều mô hình nhà nổi, đã từng triển lãm giới thiệu để chống lũ ở các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, điều khó khả thi là giá thành mỗi căn nhà khá cao, vượt khả năng tài chính của cư dân nông thôn cũng như các nhà tài trợ với số lượng lớn.

Nhiều năm trước, tại ĐBSCL, năm nào cũng có lũ về, gây ngập nhiều làng mạc, đặc biệt là vùng Đồng Tháp Mười. Sau nhiều năm nghiên cứu, các tỉnh ĐBSCL đã triển khai các giải pháp xây dựng các tuyến đê bao ngăn lũ ở những khu dân cư ổn định, các thị trấn, thị xã… và quy hoạch, san lấp xây dựng các cụm, tuyến dân cư mới có cao độ vượt trên đỉnh lũ, rồi vận động cư dân sống rải rác trong đồng, tập trung về xây dựng nhà cửa, sống ổn định trong các cụm, tuyến dân cư đó. Mô hình cụm, tuyến dân cư vượt lũ này tỏ ra khá hiệu quả. Người dân đồng bằng “sống chung với lũ”, không còn phải lo chạy lụt hàng năm như trước.

Tuy nhiên, mô hình này có thể áp dụng ở các địa phương miền Trung hay không thì cần phải cân nhắc. Trước hết, cư dân nhiều làng xã miền Trung, dù ở gò cao hay vùng trũng thấp, thì cũng đã bao đời gắn bó với thôn làng của họ. Vận động cư dân bỏ làng cũ để vào các cụm, tuyến dân cư mới vượt lũ như các địa phương miền Nam, rất khó khả thi. Hơn nữa lũ miền Trung chỉ xuất hiện khi có giông bão, có khi 3 - 4 năm, thậm chí cả chục năm mới có 1 lần. Địa hình miền Trung có độ dốc lớn, không bằng phẳng như đồng bằng Nam bộ. Do vậy, đỉnh lũ ở từng địa bàn rất khác nhau, khó ước định, chưa kể sức nước chảy mạnh dễ gây ra lũ ống, lũ quét…

Để giải quyết vấn đề ngập lụt trong mùa mua bão cho miền Trung, trước hết phải có các giải pháp khơi thông điểm nghẽn. Ngành thủy lợi cần sớm nghiên cứu, khảo sát tìm ra những công trình xây dựng, các khu dân cư làm cản trở dòng chảy, kể cả các cửa sông lớn nhỏ đổ ra biển. Đề xuất địa phương (và cả Trung ương) có giải pháp giải tỏa, khơi thông, mở rộng. Như đã nói ở trên, địa hình miền Trung có độ dốc lớn từ thượng nguồn đổ ra biển, nếu các dòng chảy được khơi thông tương ứng, chắc chắn lượng nước tiêu thoát sẽ rất nhanh, khắc phục cơ bản tình trạng ngập lụt ở không ít địa bàn.

Về nhà chống lũ cho cư dân, phương án nhà chòi - như cách làm của một số địa phương ở Hà Tĩnh, đã tỏ ra khá hiệu quả. Mỗi nhà, chỉ cần đầu tư một sàn bê tông khoảng 9 - 12m2, chiều cao vượt trên nóc nhà, theo giá vật tư xây dựng hiện thời, chỉ khoảng 20 - 30 triệu. Khi có lũ, bà con chuyển đồ đạc và người lên đó trú tránh. Với những gia đình có điều kiện kinh tế thì việc đầu tư một cái chòi tránh lũ như vậy không khó. Nhưng với những gia đình nghèo thu nhập thấp thì cần có sự hỗ trợ của chính quyền và các mạnh thường quân. Việc cứu trợ khẩn cấp bằng thực phẩm, quần áo… là cần thiết trong những ngày đỉnh lũ. Nay lũ hết, các nhà tài trợ nên dành phần tiền huy động được hỗ trợ bà con xây dựng chòi vượt lũ, ít thì năm, mười nhà, nhiều thì vài chục, vài trăm, sẽ có hiệu quả lâu dài hơn.

Một phương án cũng được nhiều người đề cập là xây dựng mỗi thôn một nhà chống lũ, bình thường thì dùng làm nhà sinh hoạt văn hóa của cư dân, khi có lũ thì bà con tụ tập về đó để trú tránh. Mỗi “nhà chống lũ cộng đồng” khoảng 500 - 1.000m2, nền được đắp đất cao hoặc đổ bê tông sàn có chiều cao trên mức đỉnh lũ. Về kinh phí, có thể sử dụng ngân sách địa phương hoặc vận động các doanh nghiệp là con em trong địa phương hoặc doanh nghiệp đầu tư tại địa phương đóng góp hỗ trợ. Vấn đề là, mỗi địa phương, tùy theo địa hình, dự kiến đỉnh lũ để quyết định chiều cao công trình, và cần có biện pháp quản lý để sử dụng được lâu dài.

Một giải pháp nữa cũng cần tính đến là sử dụng bồn chứa nước mềm lưỡng dụng. Một số doanh nghiệp đã sản xuất bồn chứa nước mềm, bao ngoài bằng sợi vải nhựa PP dệt, bên trong là hai lớp nhựa PE, dung tích từ 30 -70m3, giá chỉ từ 3 - 4 triệu. Nhà sản xuất đang cải tiến thiết kế để mùa khô, nông dân dùng làm chứa nước sinh hoạt và chống hạn cho sản xuất. Mùa lũ, chỉ cần tháo nước ra, bơm hơi vào là thành bè nổi, có thể chở một gia đình, vượt qua mùa lũ…

Nếu mỗi gia đình được trang bị 1 bồn chứa nước như vậy cũng là một phương tiện cần thiết sử dụng cả trong mùa khô và mùa mưa bão. Mỗi nhà tài trợ mùa lũ lụt như những ngày vừa qua hoàn toàn có thể tài trợ “bồn chứa nước mềm lưỡng dụng” được vài chục nhà đến hẳn một xóm…

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất