, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 24/06/2022, 10:48

Nuôi trồng thủy sản và giải pháp kỹ thuật số

BÁ ANH
Trong những năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Dù vậy, ngành này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến quản lý môi trường nuôi như hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi, chất lượng môi trường nước, quản lý chất thải, phát hiện bệnh… và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Mô hình Hệ thống sinh thái kỹ thuật số liên kết với các trang trại và nguồn thức ăn.

Kỹ thuật số là nền tảng quan trọng

Ở cấp độ nhà sản xuất, các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật là một lĩnh vực quan trọng, nhiều hứa hẹn trong việc cải tiến thực hành và nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản. 

Kỹ thuật số là công cụ nền tảng giúp cải thiện hoạt động sản xuất cho các nông hộ nhỏ. Giải pháp kỹ thuật hướng đến chuyển đổi số hiệu quả sẽ góp phần hoàn thiện chuỗi sản xuất bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản, góp phần lớn vào phát triển kinh tế đất nước.

Tại hội thảo trực tuyến “Đột phá kỹ thuật số trong lĩnh vực nông nghiệp - Giải pháp kỹ thuật số cho ngành nuôi trồng thủy sản” diễn ra vào sáng ngày 23/6/2022, Công ty Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation - IFC) đã chia sẻ những thông tin về môi trường hoạt động của người nuôi trồng thủy sản hiện nay và giới thiệu các công cụ kỹ thuật số hỗ trợ lĩnh vực này, cùng các thông tin, quy định cho phát triển ngành. Trong đó, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào nuôi trồng thủy sản là vấn đề trọng tâm.

Giáo sư Dominique P Bureau (Khoa Khoa học Sinh học Động vật, Đại học Guelph - Canada) cho rằng có rất nhiều thách thức trong hoạt động nuôi tôm ở các trang trại dẫn đến năng suất và lợi nhuận không ổn định. Để hỗ trợ khách hàng tốt nhất và cải thiện hiệu suất của trang trại, cần có giải pháp công nghệ hiệu quả. 

“Việc thiết lập một Hệ thống sinh thái kỹ thuật số liên kết với các trang trại và nguồn thức ăn là cần thiết. Hệ thống sẽ thu thập dữ liệu thực tế ở trang trại, bao gồm cả chất lượng môi trường, chất lượng vật nuôi và hiệu suất tiêu thụ thức ăn chăn nuôi… Từ đó, Hệ thống sẽ cung cấp các thông tin và lời khuyên hữu ích cho các quyết định lên trang trại. Chúng ta có thể sử dụng công nghệ để hỗ trợ các cơ quan chức năng, cá nhân tổ chức, doanh nghiệp… trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản”. - Giáo sư Dominique P Bureau cho biết.

Số hóa bắt đầu từ những nông hộ nhỏ

Thành lập năm 2019, JALA Tech là một công ty công nghệ tập trung vào các giải pháp kỹ thuật trong việc liên kết các mắt xích của chuỗi sản xuất thủy sản và hướng đến sản phẩm bền vững. Năm 2022, JALA Tech phối hợp cùng Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam (VSSA) và Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, thực hiện các chương trình thử nghiệm với 100 nông hộ nuôi tôm. 

Bà Liris Maduningtyas (màn hình bên phải) trao đổi tại Hội thảo.

Mục tiêu của các chương trình là giới thiệu về số hóa trong hoạt động nuôi tôm thông qua các ứng dụng của JALA và tổng hợp các ý kiến phản hồi nhằm cải tiến sản phẩm dựa trên nhu cầu của thị trường. Tham gia dự án, các nông hộ sẽ được hỗ trợ về mặt kiến thức, kỹ thuật số hóa nhằm đảm bảo tăng hiệu suất nông hộ và năng suất lao động của người dân.

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Liris Maduningtyas (Giám đốc điều hành JALA Tech) bày tỏ mong muốn với giải pháp toàn diện dựa trên một nền tảng duy nhất, sẽ đổi mới trải nghiệm nuôi tôm và cải thiện đời sống của người dân. Hệ thống quản lý thông qua Saas (phần mềm dưới dạng dịch vụ) và IoT (mạng kết nối vạn vật) có thể phục vụ cho cả người quản lý trang trị lẫn thị trường và đơn vị thu mua. Tất cả các hoạt động trao đổi, thông tin đều diễn ra trên một nền tảng. 

Giám đốc điều hành JALA Tech nhấn mạnh: “Điều mà chúng tôi cảm thấy thuận lợi nhất ở Việt Nam là người nông dân rất quan tâm và nỗ lực trong việc học hỏi, cùng thực hiện việc số hóa, giúp cho các hộ nông riêng lẻ có thể liên kết thành “tập thể” lớn mạnh hơn”.

Giải pháp kỹ thuật số về nông trại thông minh của JALA.

Việc áp dụng kỹ thuật số đối với các nông hộ nhỏ cũng được ông Nguyễn Duy Nhân, Giám đốc Marketing Tập đoàn Việt Úc nhắc đến: “Trên 20 năm đi trên chặng đường khép kín chuỗi giá trị ngành tôm. Chúng tôi vẫn tự hỏi việc áp dụng chuyển đổi số đối với bà con nông dân ở quy mô nhỏ sẽ được thực hiện thế nào. Trong khi bản thân các phần mềm chỉ là công cụ nền tảng, việc lấy dữ liệu đầu vào để xử lý và đưa ra quyết định là rất khó kiểm soát về chất lượng và sự minh bạch. Điều này buộc các doanh nghiệp công nghệ phải đứng vào vị trí của nông dân, của khách hàng, các bên tham gia vào chuỗi sản xuất và đồng hành cùng họ”.

Thông qua Hội thảo, ngoài việc giới thiệu các giải pháp kỹ thuật số trong nuôi trồng thủy sản, các doanh nghiệp kỹ thuật còn nắm bắt nhu cầu của ngành và có giải pháp đưa những đổi mới đã có vào thực tiễn. Hội thảo cũng là một kênh để các cơ quan, tổ chức liên quan có thể hỗ trợ việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số trong nuôi trồng thủy sản, giúp người sản xuất cải thiệu sản lượng, năng suất, giảm tác động đến môi trường và tăng tính minh bạch.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

“Từ giờ trở đi, sẽ ngày càng có nhiều người lên trọng điểm Cà Roòng – ATP” - là ngôn ngữ của những người tự vác lên mình sứ mệnh mở đường, giữa Trường Sơn.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất