, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 09/10/2019, 10:09

Giải pháp nào tạo động lực cho xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2030?

CÁT QUỲNH

Theo dự kiến, vào trung tuần tháng 10 tới đây, lễ tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ được tổ chức. Nhân dịp này, tạp chí Nông thôn Việt đã có buổi phỏng vấn ông Tăng Minh Lộc, Phó Chủ tịch hội Khoa học phát triển Nông thôn Việt Nam (PHANO), Nguyên Cục trưởng - Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương về chặng đường 10 năm đã qua, qua đó cùng tìm ra các giải pháp cho giai đoạn 10 năm tới của chương trình nhiều dấu ấn này.

 

ông Tăng Minh Lộc, Phó Chủ tịch hội Khoa học phát triển Nông thôn Việt Nam (PHANO), Nguyên Cục trưởng - Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương
Ông Tăng Minh Lộc, Phó Chủ tịch hội Khoa học phát triển Nông thôn Việt Nam (PHANO), Nguyên Cục trưởng - Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương

PV: Theo công bố của Văn phòng NTM Trung ương, hiện cả nước đã có 4.500 xã (trên 50%) đạt chuẩn NTM, về đích trước kế hoạch 1 năm. Là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng chương trình NTM, tâm trạng của ông lúc này thế nào?

- Tôi rất mừng và cảm thấy hạnh phúc. Mà chắc không chỉ riêng tôi, tất cả những ai công tác trong lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn, cả những người con gốc nông thôn đi xa chắc cũng đều có cảm xúc như vậy.

PV: 10 năm qua, NTM đã đạt rất nhiều thành tựu, nhưng nếu nói thật cô đọng thì thành tựu nào là quan trọng nhất, thưa ông?

- 10 năm qua chương trình xây dựng NTM có thể nói là đã tạo ra một cuộc cách mạng mới ở nông thôn. Bộ mặt nông thôn, nhất là hạ tầng, đã thay đổi rất nhanh, tốt gấp 2-3 lần so với 10 năm trước. Người đi xa lâu ngày mới về quê thường luôn ngỡ ngàng.

Để tạo ra sự thay đổi nhanh chóng đó, phải khẳng định trước hết do chủ trương, cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn của Trung ương là đúng đắn. Ngân sách nhà nước cũng đã hỗ trợ cho nông thôn gấp hơn 2 lần so với 10 năm trước, thể hiện sự quan tâm của Đảng tới nông dân. Cũng có thể nói đó là sự "đền ơn đáp nghĩa" cho nông dân, những người đã hy sinh nhiều cho cách mạng nhưng còn chịu không ít thiệt thòi. Và điều đó là hợp lòng dân, góp phần quyết định cho phát huy nội lực từ dân.... nên đã tạo được nguồn lực to lớn cho xây dựng NTM.

Con đường mới khang trang
Con đường mới khang trang tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội

Mười năm qua công cuộc xây dựng NTM cũng đã tác động làm thay đổi nhận thức và nâng cao năng lực của cán bộ các cấp chủ đạo Nông nghiệp - Nông thôn:

Ở cấp vĩ mô, nhiều cán bộ đã nhận thấy thực chất của xây dựng NTM là công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó đã có thay đổi về quan điểm đầu tư, quan tâm hơn đến nông nghiệp - nông thôn.

Ở cấp xã thì thấy rõ là NTM đã thúc đẩy cán bộ các thôn, xã gắn bó, sát với thực tế hơn, nâng cao trách nhiệm và khả năng chỉ đạo. Nhiều chủ tịch, bí thư xã ở miền núi giờ đã biết lập dự án, quản lý dự án trên địa bàn mình. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng có chiều sâu hơn...

Theo tôi, những thay đổi đó là quan trọng nhất. Nó tạo nền móng bền vững cho phát triển lâu dài, vì suy cho cùng, nguồn gốc và chất lượng của mọi đổi mới đều phụ thuộc vào con người mà trước hết là đội ngũ cán bộ.

PV: Thưa ông, những con số về kết quả 10 năm xây dựng NTM là rất đáng mừng. Tuy nhiên cũng không ít ý kiến cho rằng chất lượng công nhận đạt chuẩn NTM gần đây có xu hướng giảm sút. Ông đánh giá thế nào?

 Về tổng thể thì rất mừng nhưng về chất lượng đạt chuẩn NTM gần đây thì tôi cũng còn băn khoăn lắm. Tôi đã đi nhiều nơi, đã thấy không ít xã được công nhận đạt chuẩn NTM mà rác thải khắp nơi, sản xuất và thu nhập của người dân không có gì nổi trội... Huyện đạt "chuẩn" mà nhiều làng, xã trong huyện chỉ đến đầu làng đã thấy mùi hôi thối do cống rãnh ứ phân rác; Có không ít xã còn xảy ra tệ  lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên đất canh tác. Cờ bạc thì xảy ra như cơm bữa... Người có trách nhiệm ở huyện cũng thú thật: "Nếu xét đúng ra thì huyện em chưa đạt".

Có lẽ thời gian qua chúng ta đã quá dễ dãi trong xét công nhận đạt chuẩn NTM. Cơ quan chủ quản các cấp đã thiếu kiểm tra, thường là phó mặc cho bộ phận chuyên môn. Những người đi thẩm định được phản ánh là "cưỡi ngựa xem hoa" chứ không khách quan sâu sát. Một số nơi đã thấy dấu hiệu tiêu cực, có biểu hiện "chạy" danh hiệu "chuẩn NTM".

PV: Theo ông, đang có những điểm nghẽn nào trong xây dựng NTM?

Tôi cho rằng đang có một số điểm nghẽn chính. Một là: Khí thế xây dựng NTM có giảm đi so với 5 năm đầu. Nhiều cán bộ có trách nhiệm ở cấp tỉnh, cấp huyện đã có cùng nhận xét như vậy. Mà thường đã giảm rồi thì khôi phục lại là không dễ. Thứ hai: Môi trường nông thôn đang là vấn đề bức xúc trong dân. Trước hết là rác thải, nước thải sinh hoạt và nước tưới cho nông nghiệp. Đó đang là nguồn phát sinh bệnh tật lớn ở nông thôn và nếu không có nguồn nước tưới sạch cho nông nghiệp thì không thể có nông phẩm sạch được.

Chúng ta chưa có chính sách xử lý môi trường nông thôn, nông dân đang "tự bơi" nên không đủ sức giải quyết tình trạng này. Mặt khác, cảnh quan ở nông thôn cũng đang xấu đi vì bê tông hóa và xây dựng tùy tiện. Chúng ta đang thiếu các quy định quản lý xây dựng nhà ở nông thôn. Ai có đất cứ tự ý xây cất, không có ai quản lý, không có ai hướng dẫn. Càng giàu, càng xây cất nhiều thì nông thôn càng mất đi không gian sinh thái và nhếch nhác.

Thứ ba: Đời sống văn hóa - tinh thần ở nông thôn đang còn nhiều vấn đề "cộm" và rất chậm được cải thiện. Khi xây dựng NTM, chúng ta có mục tiêu là tạo ra cuộc sống tinh thần cao, nhanh cho nông thôn để lôi cuốn thanh niên nông thôn ở lại, không phải kéo ra đô thị, không chỉ gây áp lực cho đô thị mà nếu thiếu lao động khỏe trẻ thì nông thôn cũng sẽ tiêu điều. Vì lẽ đó, chúng ta chọn trước việc xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao thôn (bản, ấp) và xã để thúc đẩy các hoạt động văn nghệ, thể thao cộng đồng.... Việc này đã làm tương đối tốt. Nhưng sau đó phần nhiều các nhà văn hóa, sân thể thao thôn, bản đều rơi vào tình trạng "sân mọc cỏ, ngõ mọc rêu". Nguyên nhân đã được chỉ ra từ sớm là: Do không có người quản lý, hướng dẫn. Không có kinh phí nuôi dưỡng... Tuy nhiên, đến nay chúng ta chưa tạo được chuyển biến tích cực về vấn đề này.

Ở nông thôn, các hủ tục trong cưới, tang, lễ hội rất nặng nề, lãng phí... gây khó khăn hơn cho các hộ nghèo. Đã có một số ít địa phương khởi xướng "lành mạnh hóa việc cưới, việc tang" nhưng lẻ tẻ nên lại bị nhấn chìm trong hủ tục chung. Chúng ta chưa có cuộc vận động xã hội sâu sắc trong cả nước, chưa đưa ra các hình mẫu văn minh, thiết thực phù hợp với các vùng văn hóa và cho các dân tộc. Chưa vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu nên chưa có các mô hình thành công.

Thứ tư: Về an ninh nông thôn thì nạn cờ bạc, rượu chè, lừa đảo vẫn đang hoành hành, đang là nỗi lo của các gia đình. Việc dẹp các vấn nạn này không chỉ là công việc của ngành công an mà là của cả xã hội. Chúng ta cũng chưa có giải pháp sâu rộng để giải quyết rốt ráo vấn đề này nên kết quả nhiều khi cũng giống như "ném đá xuống ao bèo".

Thứ năm: Chúng ta đang chưa khai thác tốt các nguồn nội lực cho xây dựng NTM, trước hết là lao động, doanh nghiệp và đất đai. Muốn chuyển dịch nhanh cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn truyền thống sang cơ cấu dựa theo lợi thế để có cơ hội nâng cao giá trị gia tăng; muốn ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất lao động và chất lượng nông sản... thì việc đào tạo nâng cao kiến thức cho nông dân; tạo ra được đội ngũ trí thức ở nông thôn là yếu tố quyết định.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu

Tuy nhiên 10 năm qua chúng ta làm việc này rất hời hợt (cả nội dung, giáo viên và phương pháp dạy) nên rất lãng phí. Chủ trương đưa trí thức trẻ về nông thôn rất đúng nhưng chính sách chưa phù hợp nên kết quả không được là bao. Đã có 3 nghị định của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn nhưng chính sách “rụt rè” quá nên kết quả không đáng kể. Luật đất đai hiện được coi là quá “bảo thủ” nên nông dân vẫn “bỏ ruộng chờ giá” và cũng không khuyến khích người ta tích tụ ruộng đất để đầu tư lớn vào nông nghiệp.

Thứ sáu: Chúng ta đang thiếu động lực cho xây dựng NTM ở những xã đã đạt chuẩn. Hiện tại những nơi đã đạt chuẩn thì nhà nước không còn hỗ trợ như trước nữa. Trong khi đó lại chưa có quy định và hướng dẫn về lập, sử dụng quỹ xây dựng NTM nên khi nhà văn hóa hỏng, đường vỡ, cống hư hay để duy trì hoạt động thể thao, văn nghệ, an ninh thì không biết nhìn vào đâu. Mặt khác, hiện đang có quy định quá nhiều tiêu chí (tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, tiêu chí xã NTM nâng cao, tiêu chí xã NTM kiểu mẫu). Cán bộ và người dân phản ánh rằng họ đang bị "loạn tiêu chí" nên có phần "nản". Thứ bảy: Cách tiếp cận, cách làm NTM ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên đang chưa phù hợp nên dù đã có ưu tiên ngân sách cho các vùng này nhưng tốc độ, chất lượng xây dựng NTM ở các nơi đó vẫn rất thấp, gây lãng phí không nhỏ.

Những "điểm nghẽn" chủ yếu đó đang là trở lực cho xây dựng NTM hiện nay và nếu không tháo gỡ thì sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến cả giai đoạn sau.

PV: Vậy những giải pháp nào để tạo động lực mạnh mẽ hơn cho NTM giai đoạn 2021 - 2030 thưa ông?

Tôi có mong muốn rằng: Tới đây BCĐ TW sẽ xác định rõ những điểm nghẽn lớn. Tập trung nguồn lực và sự chỉ đạo mạnh mẽ để giải quyết, tạo bứt phá làm chuyển biến rõ nét ở những điểm nghẽn này. Trước hết nên tập trung giải quyết vấn đề rác thải, nước thải sinh hoạt nông thôn. Cần có chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Phát động phong trào cải tạo làm sạch đẹp vườn, ao, chuồng ngay từ mỗi hộ và các công trình công cộng từ mỗi thôn, bản, ấp để tạo môi trường sống sạch, đẹp cho nông thôn. Tập trung xử lý các nguồn ô nhiễm để tạo nguồn nước tưới tương đối hợp vệ sinh cho nông nghiệp. Cần đề xuất Quốc hội ban hành Luật Xây dựng nông thôn hoặc nghị định chính phủ về quản lý xây dựng nhà ở dân cư và các công trình công cộng ở nông thôn nhằm lập lại trật tự này thì nông thôn mới đẹp và phát triển bền vững được.

Tiếp đó, cần khơi dậy phong trào thể thao, văn nghệ ở mỗi cộng đồng dân cư. Bổ sung vào tiêu chí văn hóa các chỉ tiêu: Tỷ lệ người thường xuyên tập thể dục, thể thao, tỷ lệ người thường xuyên hoạt động văn nghệ... để nâng chất tiêu chí này. Đồng thời tạo cuộc vận động mạnh mẽ để đẩy lùi tệ nạn cờ bạc, rượu chè, hủ tục cưới, tang, lễ hội... Tôi cho rằng nếu 10 năm tới chúng ta làm chuyển biến mạnh mẽ vấn đề môi trường, văn hóa, an ninh như trên thì dù chưa giàu nông thôn ta đã đẹp đẽ, bình an và hấp dẫn lắm rồi!

Nhà văn hóa dân tộc Chơ-ro tại Đồng Nai
Nhà văn hóa dân tộc Châu ro tại Đồng Nai

Một vấn đề cũng quan trọng không kém, theo tôi là phải điều chỉnh, bổ sung Luật Đất đai, Luật Xây dựng nông thôn; Điều chỉnh các chính sách môi trường nông thôn, chính sách và giải pháp đào tạo lao động nông nghiệp, đưa trí thức trẻ về nông thôn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn... để tạo môi trường pháp lý thúc đẩy khai thác hiệu quả hơn các nguồn nội lực cho xây dựng NTM.

Để tạo động lực mới cho xây dựng NTM giai đoạn tới ở các xã đã đạt chuẩn thì cần rà soát, điều chỉnh lại bộ tiêu chí quốc gia theo nguyên tắc: Đã là tiêu chí quốc gia thì phải do Trung ương ban hành thống nhất (có thể chi tiết đến các vùng đặc thù) nhưng không để địa phương tự quy định (sẽ khó đánh giá so sánh và sẽ có kẽ hở cho việc chạy theo thành tích). Mặt khác, Bộ tiêu chí quốc gia NTM đã bao trùm hầu khắp các vấn đề kinh tế - xã hội - văn hóa - an ninh ở nông thôn rồi, không lẽ khi ta xây dựng NTM cao hơn mức chuẩn lại bỏ bớt đi một số tiêu chí như hiện nay. Cũng không nên để nhiều loại tiêu chí "rắc rối" như hiện nay mà nên tiếp cận theo cách: Nếu coi đạt chuẩn là đạt, các tiêu chí ở mức 1 thì nếu muốn đạt "NTM kiểu mẫu", các tiêu chí phải đạt mức gấp 1,5-2 lần... so với chuẩn. Như thế rất đơn giản và dễ hiểu, dễ thực hiện.

Theo tôi, phải sớm có quy định việc lập và sử dụng "Quỹ xây dựng NTM" ở các cấp. Nó giúp cho các địa phương, nhất là các thôn, bản, ấp huy động được nguồn nội lực tại chỗ, chủ động cho cải tạo, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hạ tầng công cộng, hỗ trợ cho hoạt động thể thao, văn nghệ, an ninh ngay tại mỗi cộng động dân cư.

Cũng rất cần thiết thay đổi cách làm và có cơ chế, chính sách riêng cho việc xây dựng NTM khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Ở các vùng này phải lấy thôn bản làm trung tâm. Phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm chứ không nên dàn trải. Trước hết phải tập trung cho phát triển giao thông, đảm bảo kết nối từ bản lên huyện, tỉnh lộ. Tiếp đó phải phát triển điện, thông tin liên lạc rồi mới lần lượt đến các hạ tầng khác... nhằm trước hết tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa, kéo doanh nghiệp đến đầu tư, từ đó mới tạo ra nội lực cho xây dựng NTM tại chỗ.

Phải chấn chỉnh lại công tác xét duyệt, công nhận đạt chuẩn các danh hiệu NTM. Đó là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng NTM. Do đó phải có quy định cụ thể trách nhiệm cho từng cá nhân tham mưu và người đứng đầu cơ quan thẩm định và xét duyệt. Nếu sau công nhận, phát hiện sai sót thì cá nhân, tập thể đó phải chịu trách nhiệm. Song song đó, phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các địa phương. Kinh nghiệm cho thấy ở đâu người đứng đầu vào cuộc thì dù điều kiện khó khăn mấy cũng vẫn đạt được kết quả tốt. Do đó, cần có cơ chế bắt buộc người đứng đầu phải vào cuộc. Đồng thời phải tiếp tục truyền thông sâu rộng hơn về xây dựng NTM để cán bộ, người dân hiểu đầy đủ hơn vừa để thực hiện đúng, vừa để giám sát nâng cao chất lượng thực hiện.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi hết sức ý nghĩa này.

CÁT QUỲNH thực hiện

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật
Được quan tâm


Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất