, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 14/06/2019, 10:16

Giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, nên như thế nào?

Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng hợp được 3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo với Quốc hội. Tổng hợp tất cả ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo với Quốc hội là cách làm rất đặc biệt của Quốc hội nước ta. Ít thấy có Quốc hội của nước nào làm như vậy nữa. (Thực ra, Quốc hội nước ta cũng chỉ mới làm điều này từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII trở lại đây).

Cách làm nói trên quả thật là hết sức dân chủ. Tuy nhiên, xét từ góc độ kỹ trị, có lẽ, vẫn còn không ít vấn đề đáng phải quan tâm.

 

Trước hết, Quốc hội là cơ quan của quốc gia và phải giải quyết các vấn đề của quốc gia, các vấn đề của hàng chục triệu con người, chứ không phải vấn đề của một hai người, thậm chí một hai nghìn người. Những vấn đề của quốc gia nhiều, có khi còn hơn cả nước sông Hồng. Thế thì tại sao Quốc hội lại không xử lý cho hết các vấn đề của quốc gia mà lại ôm đồm vào hàng ngàn, hàng vạn ý kiến, kiến nghị cụ thể của cử tri?

Thứ hai, về bản chất, Quốc hội không phải là thiết chế để xử lý những ý kiến, kiến nghị cụ thể như vậy. Người phải giải quyết các ý kiến, kiến nghị cụ thể như vậy là các vị đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử (chứ không phải là Quốc hội ở trung ương). Tập hợp các ý kiến, kiến nghị lên cho Quốc hội thì rất nhiều, nhưng chia ra cho từng vị đại biểu Quốc hội theo đơn vị bầu cử thì không nhiều.

Cũng có những ý kiến, kiến nghị của cử tri có tầm quan trọng của quốc gia và phải xử lý ở Quốc hội. Nhưng muốn đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội thì phải có thủ tục để xác định đó là vấn đề có tầm quan trọng quốc gia, chứ không thể tổng hợp và đưa thô lên cho Quốc hội. Thủ tục đó là: đại biểu có liên quan phải kiến nghị, kiến nghị đó nếu có đại biểu khác ủng hộ thì phải đưa ra thảo luận và biểu quyết. Nếu đa số các vị đại biểu ủng hộ mới được đưa vào nghị trình. Như vậy, kiến nghi có thể chỉ là của một cử tri hoặc một nhóm cử tri, nhưng tầm quan trọng quốc gia của kiến nghị đó đã được thẩm định.

Ở các nước phát triển, thì các đại biểu Quốc hội phải bỏ một nửa thời gian làm việc với cử tri ở đơn vị bầu cử. Không phải các nước thừa tiền nên lập cho mỗi đại biểu một văn phòng ở đơn vị bầu cử. Đó chỉ là điều kiện cần thiết để đại biểu thực hiện chức năng đại diện. Và chỉ có như vậy, các đại biểu mới giải quyết được kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri, chứ không tổng hợp rồi dồn lên cho Quốc hội.

Trong toàn bộ hệ thống chỉ có đại biểu mới phụ thuộc vào cử tri thôi, còn các quan chức hành chính thì không. Chính vì vậy, chỉ có đại biểu mới có động lực để tiếp xúc và giải quyết các vấn đề cho cử tri. Bỏ ra rất nhiều tiền tổ chức các văn phòng tiếp dân thì cũng tốt. Nhưng cũng cần nhận thức rằng những cán bộ làm việc ở đó không thể có động lực tiếp dân bằng các vị đại biểu.

Có người sẽ cho rằng việc lập văn phòng riêng cho các đại biểu Quốc hội ở Việt Nam là khó khả thi. Tuy nhiên, vấn đề còn tùy theo quan niệm. Nếu chúng ta quan niệm rằng phải xây dựng 500 văn phòng hoành tráng cho 500 vị đại biểu Quốc hội thì điều này khó khả thi. Nhưng nếu chúng ta quan niệm như nhiều nước trên thế giới, thì hoàn toàn không có gì là quá khó.

Văn phòng của đại biểu Quốc hội nước ngoài nhiều khi chỉ là một cái phòng của một hội đồng hay một câu lạc bộ nào đó, người ta cho đại biểu mượn thôi. Đại biểu có thể thuê thêm thư ký để giúp xử lý công việc. Đặc biệt, khi đại biểu đi vắng thì thư ký sẽ giúp tiếp dân và báo cáo lại với đại biểu.

Về cơ bản, đại biểu có thể giải quyết được rất nhiều việc. Gần như nếu muốn, họ sẽ giải quyết được hầu hết mọi kiến nghị của cử tri. Lý do là vì họ có quyền năng và có thể liên hệ với bất kỳ quan chức nào. Xin lấy ví dụ, người dân muốn gặp ông chủ tịch xã thôi đã khó. Nhưng vị đại biểu Quốc hội thì có thể gọi điện hẹn gặp là gặp với bất kỳ quan chức nào. Như vậy muốn giải quyết được cho dân thì đại biểu phải có thời gian, và phải dành một nửa thời gian làm việc đó.

Ở Quốc hội nhiều nước, mỗi tuần làm việc, đại biểu chỉ ở trung ương, ở thủ đô 3 ngày; còn lại 3 ngày ở đơn vị bầu cử. Nhờ phân bổ thời gian như vậy, các đại biểu chăm lo, giải quyết được rất nhiều vấn đề cho dân. Có vẻ đây là cách làm hiệu quả và thiết thực hơn.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Bình luận

Xem nhiều




Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất