, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 13/09/2019, 17:13

Giảm phát thải khí metal trong chăn nuôi bò bằng rong biển

TUỆ NHƯ

Đại học James Cook ở Queensland (Úc) mới đây đã công bố một nghiên cứu cho thấy chỉ cần bổ sung vào khẩu phần ăn của bò 2% một loại rong biển đỏ được sấy khô, thì có thể giảm được 99% khí thải metal từ bò trong quá trình chăn nuôi. Loại rong biển này hiện phân bố trên khắp Thái Bình Dương.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm của Giáo sư Nuôi trồng thủy sản Rocky De Nys cùng với sự cộng tác của Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung (CSIRO) - một cơ quan nghiên cứu của liên bang Úc.

Các nhà nghiên cứu bắt đầu điều tra tác dụng của rong biển đối với bò vào năm 2005, khi một người chăn nuôi bò sữa tên Joe Dorgan tình cờ tiến hành một thí nghiệm trên đàn gia súc của mình ở đảo Prince Edward (Canada). Dorgan nhận thấy khi cho bò ăn thêm rong biển đã được rửa sạch, chúng sẽ khỏe mạnh và cho năng suất cao hơn bình thường.

 

Rong biển đỏ Asparagopsis.
Rong biển đỏ Asparagopsis.

Dorgan không phải là người đầu tiên khám phá các đặc tính có lợi của rong biển đối với động vật nuôi trong trang trại. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Hoa Kỳ, người Hy Lạp cổ đại đã làm điều này từ 100 năm trước công nguyên. Cũng có hồ sơ về việc nông dân Iceland sử dụng một số loại tảo để giữ cho vật nuôi khỏe mạnh và tạo ra sản lượng sữa lớn hơn.

Trong quá trình thí nghiệm để tìm ra tác dụng của rong biển đối với bò, De Nys và cộng sự đã thử nghiệm 20 loài rong biển khác nhau trên các loại vi khuẩn trong dạ dày bò. Ông phát hiện rong biển làm giảm tới 50% lượng khí metal sản sinh từ quá trình lên men dạ cỏ bò, tùy thuộc vào lượng dùng. Tuy nhiên, để giảm đáng kể lượng khí metal thì cần phải dùng lượng lớn rong biển, có khi lên tới 20% khẩu phần ăn. Tỷ lệ này sẽ khó thực hiện trong thực tiễn và có khả năng có tác động tiêu cực đến quá trình tiêu hóa của bò.

Khi các nhà nghiên cứu thử dùng một loài rong biển đỏ có tên Asparagopsis, họ thấy rằng chỉ cần trộn loại rong biển này vào thức ăn của bò với tỷ lệ 2% thì có thể giảm được 99% khí thải metal từ bò trong quá trình chăn nuôi. Khi tiêu hóa, Asparagopsis tạo ra một hợp chất gọi là Bromoform (CHBR3). Khi tương tác với các enzyme trong dạ dày của động vật nhai lại, hỗn hợp này làm tạm dừng chu kỳ sản xuất metal trước khi bò thải khí ra ngoài.

 

Một con bò trung bình thải từ 70 đến 120kg khí metal mỗi năm.
Một con bò trung bình thải từ 70 đến 120kg khí metal mỗi năm.

Năm 2011, Dorgan đã bán trang trại bò sữa của mình để tập trung vào kinh doanh thức ăn cho bò có trộn rong biển. Công ty mà ông đồng sở hữu là North Atlantic Organics đã sử dụng các phương pháp sản xuất rong biển truyền thống như cào tay và phơi nắng để giảm lượng khí thải carbon và đảm bảo sản phẩm cuối cùng không có chất phụ gia.

 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và nông dân sẽ phải vượt qua các rào cản đáng kể trước khi kỹ thuật này có thể được thực hiện ở quy mô công nghiệp. Hầu hết các hoạt động chăn nuôi bò sữa và gia súc đều nằm trong đất liền, xa biển và nguồn cung cấp rong biển. Quan trọng hơn, sản xuất đủ Asparagopsis để cung cấp cho 10% trang trại của Úc cũng sẽ cần tới hơn 6.000ha diện tích trang trại rong biển thương mại. Thu hoạch rong biển tự nhiên có thể cung cấp cho nông trại nhưng chỉ với quy mô nhỏ chứ không thể đủ cho quy mô lớn.

“Rào cản lớn nhất hiện nay là sản xuất đủ rong biển để cung cấp cho hàng triệu con bò”. - ông Kinley cho biết.

Metal (CH4) là khí gây hiệu ứng nhà kính với mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều lần so với cácbon đioxit (CO2). Một con bò trung bình thải từ 70 đến 120kg khí metal mỗi năm. Khí thải metal từ bò chiếm 26% tổng lượng khí thải metal của Mỹ. Được biết, Mỹ chỉ là quốc gia chăn nuôi gia súc lớn thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.

Khí metal trong hoạt động nông nghiệp chiếm 12,5% lượng khí nhà kính và 40% lượng metal trong tổng lượng khí thải. Trong đó, sản xuất lúa gạo và chăn nuôi gia súc là hai nguồn tải metal lớn nhất.

Khí metal trong chăn nuôi được thải ra chủ yếu từ hoạt động chăn nuôi gia súc, nhiều nhất là ở các loài nhai lại như bò, dê, cừu… Sở dĩ như vậy là vì trong quá trình tiêu hóa của các loài nhai lại, khí metal sinh ra trong dạ dày do sự phân hủy yếm khí. Metal sau đó được thải ra ngoài khi bò ợ hoặc xì hơi.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất