, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 18/05/2023, 11:53

Giảm thiểu rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật

THÙY DUNG - TIẾN DŨNG
Sáng nay (18/5), tại Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Dự án Bảo tồn Động vật Hoang dã Nguy cấp do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội thảo tập huấn tăng cường năng lực, giảm thiểu rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.
Bà Trần Thị Nam Hà - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Trung ương, Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Nam Hà - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Trung ương, Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp cho biết, từ năm 1994, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về buôn bán động vật hoang dã nguy cấp (CITES). Cơ quan quản lý thẩm quyền CITES Việt Nam đặt tại Bộ NN&PTNT và uy tín quốc gia được xây dựng qua thực hiện những cam kết cao nhất của mình với quốc tế, đảm bảo hài hòa các lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường.

Chia sẻ về mối quan hệ giữa rửa tiền và tội phạm từ buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, bà Trần Thị Nam Hà nhấn mạnh buôn bán liên quan tới những thứ được bảo vệ là bất hợp pháp, dẫn đến các rủi ro, bao gồm rủi ro pháp lý và kinh tế là rửa tiền, rủi ro môi trường là mất đa dạng sinh học. Do vậy, Hội thảo này là cơ hội để các bên cùng chia sẻ thông tin nhằm giảm thiểu rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Rửa tiền Ngân hàng Nhà nước, thời gian vừa qua, với sự nỗ lực của các cơ quan Chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự tham gia của các hiệp hội ngành nghề, nhiều hoạt động nhằm phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật đã được tổ chức, trong đó nhiều chương trình tuyên truyền, đào tạo đã được triển khai góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của các cơ quan nhà nước, của các khu vực ngành nghề có liên quan và của cả cộng động xã hội trong công tác phòng, chống buôn bán động vật hoang dã.

Tương tự như vậy, trong bối cảnh hoạt động rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, mở rộng ở quy mô toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các quốc gia và đặc biệt nghiêm trọng đối với những quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang có nhiều hành động thiết thực nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Rửa tiền Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam đã và đang có nhiều hành động thiết thực nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền.

Thừa nhận để hiểu về mối liên hệ giữa công tác phòng, chống buôn bán động vật hoang dã với công tác phòng chống rửa tiền còn là một vấn đề khá mới không chỉ với khu vực tư trong đó có lĩnh vực ngân hàng mà còn cả với khu vực công của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Thơ cho biết thời gian vừa qua được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, ngành ngân hàng đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến khá hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

“Việc tổ chức Hội thảo ngày hôm nay với sự tham dự của đại diện các tổ chức tài chính bao gồm ngân hàng, công ty dịch vụ, tổ chức tài chính, công ty công nghệ tài chính (FinTech) khu vực Bắc, Bắc Trung Bộ đây là một hành động hết sực thiết thực chứng cho các hành động và quyết tâm của chúng ta. Qua buổi Hội thảo này, với những kinh nghiệm và giải pháp mà các diễn giả chia sẻ các ngân hàng, công ty dịch vụ, tổ chức tài chính, công ty công nghệ tài chính sẽ nâng cao nhận thức triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật” - bà Nguyễn Thị Minh Thơ nói.

Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Rửa tiền Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, với vai trò là cơ quan quản lý, Cục Phòng chống Rửa tiền sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Ban Quản lý Dự án Trung ương/Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp, Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp, các ngân hàng, công ty dịch vụ, tổ chức tài chính, công ty công nghệ tài chính trong công tác giảm thiểu rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Hội thảo là cơ hội để các bên liên quan cùng chia sẻ thông tin nhằm giảm thiểu rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được tìm hiểu về nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật; hoạt động rửa tiền qua hệ thống tài chính, ngân hàng; cập nhật khung pháp lý của Việt Nam liên quan đến phòng chống rửa tiền; nhận diện và báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật…

Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, do Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT (MBFP) là chủ dự án, phối hợp với WWF, TRAFFIC và ENV thực hiện. Mục tiêu của Dự án là tăng cường cam kết, ủng hộ của lãnh đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương; huy động sự hỗ trợ từ khu vực tư nhân nhằm giảm nhu cầu và tình trạng tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất