, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 28/01/2023, 06:00

Giáo sư Thái Kim Lan: Du lịch di sản - đừng biến cái bản lai của mình thành một bản lai khác

ĐẬU DUNG thực hiện
Tiếp khách từ xa tới Lan Viên cổ tích, giáo sư Thái Kim Lan chọn mặc một chiếc áo dài lụa màu hồng phớt trang nhã, thêu hoa đào nở rộ. Bà cười rất tươi, đón nắng sớm vừa lên trong vườn xưa của gia tộc; đối diện là dòng sông Hương xanh thẳm, ngút ngát vẫy vào vô tận. Không ai nghĩ, mới vài năm trước, đây là một chốn hoang phế, tiêu điều. Nhấp một chung trà ấm, người đàn bà gốc Huế này chậm rãi nói về một nếp nhà riêng của gia tộc, “bản lai diện mục” của vùng đất này và một niềm “kính sợ” trước văn hóa.
Giáo sư Thái Kim Lan. Ảnh: Đậu Dung

Tôi đã đánh mất mình trong một điều rất nguyên thủy

Lan Viên cổ tích là một không gian văn hóa thú vị gần đây ở Huế. Câu chuyện được bắt đầu như thế nào, thưa bà?

Giáo sư (GS) Thái Kim Lan: Trong một chuyến về thăm quê cách đây 4 năm, từ đường của gia tộc gần như là một “chốn hoang phế”. Ở đó, có một cái trụ cột nhắc tôi chỗ này vốn là một nền đất rất xưa. Tôi mường tượng lại một khoảnh khắc lịch sử - thời chúa Nguyễn Hoàng và sự ra đời của chùa Thiên Mụ; hình như, tôi cũng đồng cảm với người đặt nền móng cho sự ra đời của vùng đất này. Đứng trên ngọn đồi Hà Khê, tôi cũng có cái cảm giác đây là nơi hội tụ anh linh, hào kiệt và tinh hoa của văn hóa. Tôi nghĩ, sao mình bỏ phế cái nôi văn hóa mà mình đã sinh ra. Trong phút chốc giật mình đó, tôi nhận ra, hình như, tôi cũng đã đánh mất mình trong một điều gì đó rất nguyên thủy, ban sơ. Khi tôi bỏ rơi, trốn tránh bản lai của mình hơn nửa đời người… thì nó vẫn ở đó, tồn tại ngay trên chính mảnh đất này. Thành thử, tôi đã quyết tâm phải trở về (bằng tâm thế chủ thể, thay vì khách thể, tạt về thăm nhà như trước) để làm một điều gì đó ý nghĩa, trước hết là một sự “nhận mặt” chính mình.

Bà có thể kể về “miền ánh sáng” xưa lắc gắn với từ đường của gia tộc mình không?

Bao năm tháng trôi qua, tôi vẫn nhớ như in ngôi nhà của bà nội (ông nội mất sớm, bà quán xuyến cả gia tộc). Bà là người được sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc ở đại nội về sống ở vùng Hà Khê này. Đây là nơi mà Nguyễn Đình Chiểu viết “chim kêu vượn hót bốn bề núi non”. Là một trong số ít phụ nữ Huế được học chữ Hán nên bà rất giỏi. Khi còn nhỏ, tôi thường nằm ngủ với bà, nghe bà kể chuyện Kim Vân Kiều truyện, Phạm Công - Cúc Hoa,…, nghe bà dạy chữ “Hiếu”, “Trung”, cho đến… chữ “Tình”. Bà rất hiểu về ẩm thực Huế, thấm nhuần mấy chữ “Công”, “Dung”, “Ngôn”, “Hạnh”…

Lúc trước, trong nhà có một rầm hạ và một rầm thượng. Rầm hạ dành cho tụi con nít chúng tôi. Mỗi lần có hội họp, cúng kiếng, các cháu thường ngủ lại đó một đêm. Với tôi, ánh sáng của mái ngói này rọi xuống ban đêm, hoặc lúc mờ sáng, hoặc hôm có trăng là những khung cảnh sáng bừng tuổi thơ của mình. Đó là một đời sống mang tính tập thể, hợp quần, khả năng sống chung với nhau rất êm dịu, khác Âu châu mỗi người một phòng.

Ngoài trưng bày hiện vật, ở đây cũng tổ chức các sự kiện, chương trình giao lưu văn hóa khác.

Càng kính sợ càng phải sáng tạo

Khi bà trở về, điều gì còn sót lại trong khối di sản êm dịu đó?

Đứng trơ trọi giữa một đống hoang phế như vậy, có một điều gì đó rất bi thương. Cổng thì đóng, cửa nhà thờ cũng đóng, cây cối rậm rạp. Chỉ có một con đường nhỏ xíu dẫn vào. Ngay cả đống gốm cổ mà anh trai sưu tầm, cũng được cột kín trong các bao bố vứt xó nhà. Tôi bắt đầu đi tìm thời gian đã mất. 3 năm “kẹt” lại Việt Nam vì Covid-19 cũng là thời gian bắt đầu “trò chuyện” với từng viên gạch, viên ngói, xem lại những cánh cửa, ngõ ra vào, cây cối xung quanh. Đó cũng là lúc tôi đi vào một cuộc đối thoại với rất nhiều thế hệ đã từng gắn bó với nơi này; đồng thời, gợi lại quá khứ với đầy tính sống động bao hàm của nó. Khi đó, tôi mới hiểu tại sao nhà này lại lợp ngói liệt mới đẹp, sao ngày xưa lại dùng gạch này, sao nhà lại nhiều cột... Mỗi hiện vật ở đây đều gửi gắm một cái nhìn thấu đáo về bản chất của con người và thiên nhiên mà người xưa để lại. Đó là một ứng xử xuyên suốt, sâu thẳm, hài hòa giữa điều kiện sống của con người với một không gian tương ứng. Trong phút chốc, tôi bị ngạc nhiên và choáng ngợp bởi vẻ đẹp độc đáo trong chính bản thể của nó.

Đẹp đến mức kính sợ?

Đúng. Nhưng nếu không mạnh dạn để thay đổi, sáng tạo, ta sẽ bị sốt ruột và đóng khung bởi sự kính sợ đó. Có hiểu rõ tâm thái này mới vỡ ra rằng, càng kính sợ thì càng phải sáng tạo. Có thể nói, đây là một công cuộc đãi cát tìm vàng. Không hề dễ dàng.

Nhưng bà hoàn toàn có thể bỏ đi và có một đời sống khác chẳng vướng bận gì ở Âu châu, thay vì lao vào một công cuộc khó nhằn như thế này?

Khi bắt đầu, có nhiều người nghi ngờ lẫn can gián. Rằng “chị lớn tuổi rồi, sao lại bắt đầu một công việc mà không rõ tới đâu trong bối cảnh Việt Nam”, “ở bên Đức đang sướng, về đây chi cho nắng nôi cực khổ”… Bạn thấy đó, chỉ vì một ngọn nắng thôi, người ta cũng bảo tôi phải thoát li mảnh đất này. Rồi khi bắt tay làm, cũng là lúc tôi bước vào một cuộc đụng độ khác. Trước đống điêu tàn đó, từ người thân đến những nghệ nhân, thợ mộc, thợ nề, thợ khắc... ai cũng khuyên “phá hết”, “đập hết”, “vứt đi” xây mới. Lúc đầu, tôi cũng đấu tranh với bản thân mình, cũng như mọi người, muốn làm cho mau. Nhưng sau đó, trong quá trình đãi cát tìm vàng kia, tôi phát hiện nhiều sự thú vị trong đó. Chẳng hạn, mỗi mảnh gỗ cũ được giữ lại, có thể biến tấu nó thành một chức năng khác, chứa đựng vẻ cổ điển lẫn hiện đại. Hay một phát hiện khác về thái độ làm việc chỉn chu, nghiêm ngắn như một thứ đạo: đạo làm việc. Để rồi, khi nhìn chiếc áo mà người xưa may, phát hiện quá trình tạo ra nó là cả một thời gian đầy nội dung lẫn sự nhọc đạo của một người thợ. Hình như, giờ ta ít thấy điều đó? Tôi bắt đầu học lại các bài học của ông cha mình từ những điều đơn sơ đó.

Khi thuyết phục những người khác, cũng là lúc, tôi phải mở được cho họ những cái nhìn khác, giúp họ nhận ra một đời sống mới mẻ đang cựa quậy trong những câu chuyện cũ tưởng chừng vô dụng và đã qua. Đó cũng là khía cạnh tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà chúng ta hay nói.

Trong quá trình phục dựng, điều lớn nhất mà bà thâu nhận được là gì, thưa GS Thái Kim Lan?

Đó là ý niệm về thời gian, về thế hệ. Đặc biệt hơn nữa, là ý niệm bất tử về triết học. Ta thường nghĩ, chết là hết, qua rồi là thôi, quá khứ thế là xong; nhưng không phải. Khi hiểu sâu hơn nữa thì thấy hóa ra, họ đang ở rất gần mình và ở chung với mình trong một cuộc đối thoại khác. Và quá khứ, hiện tại cũng như tương lai, đó là một cuộc đàm thoại đi qua, trở về, rồi đi tới chứ không phải là cuộc rạn vỡ, đứt quãng, lạnh ráo. Người xưa không mất đi, những gì họ để lại vẫn đang còn thấm đẫm trong đời sống hôm nay. Chúng ta đang ở rất gần họ; thành thử, không một ai chết cả. Vì thế, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này cũng là một công cuộc sum vầy, thậm chí, họ đang dẫn đường cho chúng ta đi. Di sản luôn chứa đựng một năng lượng tích trữ, càng sáng rõ điều đó, ta khám phá ra được những sáng tạo ẩn sâu trong đó.

Phân biệt văn hóa và du lịch

Hiện ở đây đang có mấy bộ sưu tập? Sau Lan Viên cổ tích, sẽ là gì, thưa GS?

Ở đây có một bảo tàng Gốm sông Hương – bảo tàng tư nhân thứ ba được cấp phép hoạt động ở Huế. Ngoài ra, có thể nhìn ra những bộ sưu tập khác về đồ đồng, nhà xưa, các đồ gỗ trong nhà, áo dài…

(Nói đoạn, GS Thái Kim Lan chỉ tay kể về những hiện vật đồ gỗ như giường tủ của vua Bảo Đại, bộ bàn ghế của cung An Định “phiêu bạt giang hồ”, từ Sài Gòn… ra đây – PV)

Tôi cũng muốn dựng một nhà hát nhỏ lưu giữ tiếng nói. Đồng thời, đang xúc tiến để dựng một trung tâm văn hóa Đông - Tây ở phía Bắc sông Hương - là nơi chưa có nhiều thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu văn hóa của người dân. Tôi muốn đó là nơi người dân có cơ hội được tiếp cận với một nền văn hóa khác trong sự giao lưu và tìm hiểu. Đó là điều tôi rất muốn và có thể làm cho Huế.

Nghe bà nói, tôi có thể hỏi bà một câu hỏi bâng quơ có vẻ không liên quan rằng, bà nghĩ gì về cách làm du lịch văn hóa ở Hội An?

Mặc dù, trên các phương tiện truyền thông, Hội An được quảng bá như một mô hình kinh tế di sản thành công; nhưng nếu vô Hội An, trong suy nghĩ cá nhân tôi, hình như, người dân ở đó giờ đang trong một “vở kịch” thì đúng hơn. Chính vì tư duy xem Hội An như một đối tượng du lịch nên người dân cũng thay đổi để thích nghi và hội nhập. Rời bỏ cái “vốn dĩ”, “nguyên là”, để thành một cái gì đó gần với sự “diễn”, không phải hơi thở tự nhiên nữa. Họ biến cái “ngã” của mình, cái bản lai của mình thành một bản lai khác. Tôi khá tiếc vì điều đó. Có phải, Hội An đã mất Hội An theo một nghĩa đó rồi?

Nhưng làm du lịch văn hóa thì có gì là không tốt đâu, thưa bà?

Phải phân biệt “du lịch” và “văn hóa”. Hội An chỉ là một ví dụ mà thôi. Ở Việt Nam, tôi thấy có hiện tượng chúng ta xem du lịch như cái lẽ sống còn, là đích đến của văn hóa. Du lịch văn hóa cũng tốt thôi, nhưng nó nên là yếu tố đi sau như một giá trị tăng thêm. Làm văn hóa là làm sao tạo được sinh hoạt văn hóa cho người dân bản địa, để họ được sống đủ đầy và thụ hưởng văn hóa trong chính cái văn hóa đã khai sinh ra họ. Du khách là tấm gương cho ta soi vào nhưng đồng thời cũng dễ trở thành nguy cơ “xâm lấn”, thậm chí “xâm thực” văn hóa.

Có một suy nghĩ khá phổ biến: Làm văn hóa “thuần” thì nghèo lắm, khó lắm…

Khoảng những năm 1980, tôi có mở một tiệm ăn ở Đức. Thời đó, Việt Nam chưa được biết đến là một quốc gia du lịch. Khi nhắc đến châu Á, người ta thường nhắc đến Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan. Ai mở tiệm ăn, biển hiệu cũng có chữ “China” trong đó. Có vậy, khách mới vào. Nhưng tôi lại dám đặt tên là tiệm ăn Việt Nam. Thay vì bài trí theo phong cách của Tàu với đèn lồng và màu sắc nóng, tôi chọn một trưng bày văn hóa mộc mạc đậm tính dân tộc, tính Á đông. Cùng với đồ ăn, tôi cho rằng, chính cái tinh thần bản sắc đó đã khiến tiệm ăn nhanh chóng thu hút khách tới ăn và gắn bó với nó. Đó là một trải nghiệm mang tính cá nhân, cũng là một trải nghiệm văn hóa mà tôi học được khi sống ở châu Âu hơn nửa thế kỉ.

Cảm ơn GS Thái Kim Lan.

Lan Viên cổ tích là không gian văn hóa mới do giáo sư Thái Kim Lan dựng lại từ vườn xưa của gia tộc. Ở đây có một bảo tàng gốm cổ sông Hương - bảo tàng duy nhất trên cả nước trưng bày gốm được tìm thấy từ các dòng sông trong không gian địa lý hẹp (tỉnh Thừa Thiên Huế). Với diện tích khoảng 700m2, hiện nay, Bảo tàng có gần 5.000 hiện vật, trong đó phần lớn là gốm cổ được vớt từ dưới lòng sông Hương có nhiều niên đại, từ gốm Chàm, gốm Sa Huỳnh, Tiền sử, Sơ sử, Lê sơ... và cả những hiện vật gốm từng được sản xuất tại làng cổ Phước Tích, Mỹ Xuyên... Ngoài trưng bày gốm, Lan Viên cổ tích còn có các bộ sưu tập về đồ gốm, nhà xưa, áo dài… Bên cạnh trưng bày hiện vật, mở cửa đón khách tham quan, tại đây cũng diễn ra nhiều sự kiện văn hóa khác.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất