, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 30/06/2019, 21:46

Giáo sư Võ Tòng Xuân: "Vú sữa Lò Rèn là ngon nhất thế giới"

CAO PHONG
(thực hiện)

Năm 2018, trái vú sữa Việt Nam đã được Hoa Kỳ cho phép nhập khẩu. Nhưng cách đấy hơn 25 năm, từ 1993, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã chú ý đến loại trái cây này và góp ý lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đăng ký thương hiệu, cũng như xây dựng vùng trồng cây vú sữa Lò Rèn. Hành trình của trái vú sữa xem ra không kém phần gian nan, dù theo Giáo sư Võ Tòng Xuân đánh giá thì đây là loại vú sữa ngon nhất thế giới.

GS. Võ Tòng Xuân
GS. Võ Tòng Xuân

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, cây vú sữa có xuất xứ từ vùng Nam Mỹ, đến nay được trồng ở nhiều nước trên thế giới do có giá trị dinh dưỡng. Cũng có một số nơi trồng vú sữa như cây cảnh – do cây có tán mát.

Tuy nhiên, theo ông, do có điều kiện đi lại nhiều nơi trên thế giới, cũng có cơ hội thưởng thức nhiều loại vú sữa được trồng ở nhiều nước… thì ông cho rằng vú sữa Lò Rèn được trồng ở ĐBSCL có chất lượng đứng đầu bảng.

Tại sao? Là vì cây vú sữa phát triển tốt, cho trái có chất lượng cao khi trồng ở vùng nhiệt đới, những nơi đất có tầng canh tác sâu (có cát). Ở ĐBSCL có hai giống vú sữa phổ biến với vỏ có màu khác biệt: một màu xanh như vú sữa Lò Rèn ở vùng Vĩnh Kim (Tiền Giang), một màu tím…

Cũng theo Giáo sư, nông dân ĐBSCL phát hiện cây vú sữa khá sớm. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi Việt Nam bắt đầu gia tăng xuất khẩu gạo, cùng với nông dân, các nhà khoa học đã chú ý đến trái vú sữa Lò Rèn như một tiềm năng để nông dân có thể làm giàu.

Sau khi đi khảo sát ở nhiều nơi, năm 1993, ông đã gợi ý lãnh đạo tỉnh Tiền Giang việc đăng ký thương hiệu và xây dựng vùng trồng cây vú sữa Lò Rèn cùng một số trái cây khác. Đến nay, đã có doanh nghiệp liên kết với nông dân để trồng và xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo ông câu chuyện chuyên nghiệp hóa vùng trồng vú sữa vẫn đòi hỏi cần phải làm nhiều việc căn cơ hơn.

Vú sữa Lò Rèn.
Vú sữa Lò Rèn.

Thưa Giáo sư, theo ông, đó là những việc gì?

Trước tiên là về kỹ thuật. Cần tuyển chọn để nhân giống tốt cho vú sữa Lò Rèn. Người trồng vú sữa cần tiến tới bao trái. Về lâu dài, nông dân không nên để cây vú sữa lên cao quá (để tiện cho việc bao trái), phòng ngừa ruồi đục thân. Rất mừng là nhiều nông dân ở Tiền Giang đã dùng nước muối phân cực, đuổi và phòng ngừa sâu bệnh rất tốt.

Chúng ta cần giải quyết nhược điểm của việc thu gom trái cây hiện nay. Sau khi thu hoạch, nông dân bán trái cây qua nhiều khâu trung gian, dễ làm trái cây giảm chất lượng. Mặt khác rất khó kiểm soát chất lượng của trái cây.

Để khắc phục điều này và tránh tình trạng “pha trộn” trái cây từ nhiều vườn trồng với kỹ thuật chăm sóc khác nhau, cần phải tổ chức lại sản xuất chặt chẽ theo hướng truy xuất được nguồn gốc. Đây là xu hướng chung của thế giới để giữ và mở rộng được thị trường tiêu thụ. Cũng cần trang bị những thiết bị cơ bản cho nông dân trong vùng trồng vú sữa – nhất là để xuất khẩu - phải có máy móc, thiết bị đàng hoàng.

Chúng ta không thể làm theo cách hiện nay tận dụng thương lái, vựa trái cây dọc theo khu vực Cái Bè thu gom trái, rồi vô thùng… khó truy xuất nguồn gốc… Đã không ít trường hợp các lô hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam bị đối tác hoàn trả vì cách làm ăn dối trá “pha trộn”!

Cần tập trung khâu nào để phát huy hiệu quả, thưa Giáo sư?

Bước đi cần thiết nhất ngay lúc này để gắn nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị là chuẩn bị sẵn điều kiện cho nông dân trong các vùng quy hoạch để có thể xây dựng các hợp tác xã (HTX) sản xuất. Nông dân vùng trồng vú sữa Lò Rèn phải chủ động cung cấp nguồn nước tưới, thuần thạo qui trình chăm sóc…

Đối với trái cây nói chung và vú sữa nói riêng, doanh nghiệp cần hình thành các cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh như: các qui trình xử lý, kho bảo quản, qui trình đóng thùng để giữ trái cây tươi khi đến tay khách hàng. Hội nhập kinh tế thế giới sẽ đưa đến những thách thức rất gay gắt đối với lao động Việt Nam, nhất là khu vực nông nghiệp.

Người nông dân trong thời hội nhập của thế kỷ 21 không thể giữ mãi cách làm của thế kỷ 20, mà phải có trình độ kỹ thuật cao ngang tầm nông dân thế giới. Do đó, nhất định nhà nông Việt Nam của thế kỷ 21 phải là những người nông dân đổi mới, được đào tạo với kỹ thuật cao hơn.

Nhà nước không thể tổ chức đủ lớp học cho hàng triệu nông dân, mà nông dân cũng không có thì giờ đâu để học đủ thứ kiến thức, kỹ thuật. Một cách đi tắt đón đầu nhanh nhất là tổ chức cho nông dân thành lập HTX kiểu mới. Và quan trọng tiên quyết là gắn kết một doanh nghiệp với một hay nhiều HTX nông nghiệp.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất