, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 14/10/2017, 09:57

Giấy mang hồn Việt làm từ xơ dừa nước

Thùy Dung tổng hợp

Khát vọng làm ra giấy mang hồn Việt

Hành trình làm ra giấy Nipa (tên gọi quốc tế của giấy dừa nước) là câu chuyện về nghệ thuật và giấy của Lê Thanh Hà - cựu sinh viên Mỹ thuật Huế, chủ Xưởng giấy Tri - Brothers (63 Nguyễn Thiện Kế, Đà Nẵng).

Một ngày nọ, lang thang trong rừng dừa nước Bảy Mẫu ở xã Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam), Hà ghé một quán cà phê xin vài tàu dừa nước về "nghiên cứu". Hà thấy xơ dừa nước dài, mảnh và mềm, ngậm nước nên không cần ngâm, chỉ cần chẻ xong là nấu. Biết đã tìm được nguyên liệu cần tìm, Hà mày mò tìm cách làm giấy từ tàu dừa nước.

Qua internet, Hà tiếp thu kỹ thuật in hoa văn bằng áp lực nước từ kỹ thuật in hoa văn trên giấy Rakusui whasi (Nhật Bản).

Cuối cùng, Hà đã có quy trình làm ra giấy hoàn chỉnh: xơ dừa nấu bằng nước vôi trong, xay thành bột. Một khung gỗ với màn hình bằng voan có rải hỗn hợp bột, trên đó xếp các hình cắt hoa văn, tạo áp lực nước lên, sau đó gỡ bỏ hình cắt, đem khung sấy khô dưới ánh nắng mặt trời vài ngày sẽ cho ra mảnh giấy mà hoa văn được dập nổi lên trên.

Gắn họa tiết lên khung gỗ
Gắn họa tiết lên khung gỗ

Giữa năm 2016, Hà và 2 người bạn khai trương Xưởng giấy Vườn Giấy Việt ở Cẩm Thanh - Hội An. Nguyên liệu làm giấy Nipa chỉ là thân thối, cành cắt tỉa từ cây dừa nên không ảnh hưởng đến cây.

Trong một lần từ Hội An về Đà Nẵng, thấy công nhân cắt tỉa cành dừa dọc bãi biển và mang bỏ đi, thế là Hà lại nảy ra ý tưởng làm giấy từ dừa cạn. Và đầu năm nay, Hà cùng 2 người bạn chuyên về tái chế đồ cũ đã biến ý tưởng này thành hiện thực bằng việc mở xưởng giấy mới Tri - Brothers.

"Có nhiều loại chất liệu, phương pháp để làm giấy, nhưng tôi muốn chọn chất liệu dân dã nhất, không gây tổn hại cho môi trường. Và tất cả công đoạn đều làm thủ công, không có bất kỳ hóa chất công nghiệp nào nên rất thân thiện với môi trường", Hà chia sẻ.

Hà không dùng hóa chất tẩy trắng hoặc nhuộm màu giấy mà để giấy có màu tự nhiên, như giấy làm từ dừa nước có màu nâu, hơi tía, vàng đất; làm từ dừa cạn có màu vàng, hơi cam.

Sản phẩm làm từ giấy Nipa gồm đồ lưu niệm như đèn lồng, túi xách, quạt, bưu thiếp, tranh Nipa, tác phẩm gấp giấy origami...; đồ gia dụng như vách ngăn, bình phong, đèn ngủ... cho đến bảng hiệu, rèm che, hoa đăng...

“Với giấy Nipa, dừa là chất liệu mang hồn Việt và tôi cũng tạo nên hệ thống hoa văn đặc trưng của Việt Nam", Hà nói.

Tìm hiểu thêm, Hà được biết hầu như khách nước ngoài nào cũng nhận diện Việt Nam qua hình ảnh áo dài, nón lá, trống đồng. Thế là Hà bóc tách hoa văn trên 2 loại trống đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn, kết hợp cùng áo dài, nón lá làm thành hoa văn chủ đạo trên giấy Nipa.

Tác phẩm hoa đào chuông - biểu tượng của Đà Nẵng
Tác phẩm hoa đào chuông - biểu tượng của Đà Nẵng

Ngoài ra còn có hệ thống hoa văn nhận diện Hội An gồm những hình ảnh như mắt cửa, đầu hồi, xích lô, phố cổ, ghe bầu...; voọc chà vá, hoa đào chuông, Ngũ Hành Sơn, cá chuồn, cá chìa vôi, rùa biển... tập hợp thành hệ thống hoa văn biểu trưng cho Đà Nẵng.

"Tôi ấp ủ ước mơ mở ở mỗi tỉnh, thành một xưởng giấy, chọn những hình ảnh đặc trưng văn hóa của mỗi vùng, miền để tạo hoa văn, làm sao để người ta chỉ nhìn hoa văn là biết ngay giấy sản xuất ở vùng nào", Hà bộc bạch.

Giấy gói sôcôla từ... xơ dừa nước

Mong muốn tạo ra bao bì thân thiện với môi trường cho những thanh sôcôla Việt đạt chuẩn quốc tế, Chinh Ba (34 tuổi, nghệ sĩ tự do đang sống ở Hội An) đã mày mò làm giấy gói từ xơ dừa nước.

Nguyên liệu của giấy gói này được lấy từ xơ của cây dừa nước trồng nhiều ở Hội An. Công đoạn làm giấy gói trải qua nhiều bước như tách xơ dừa, xay thành bột, trải hỗn hợp bột lên khuôn, xếp giấy có in hình vẽ lên, tạo áp lực nước cho khuôn rồi đem phơi khô... 

Chinh Ba phải mất sáu tháng để hoàn tất những "mẻ" giấy đầu tiên này. Ngoài ra, anh còn gặp khó khăn trong việc tìm chỗ in hình lên giấy.

Những thanh sôcôla từ giấy gói bằng xơ dừa nước cùng họa tiết khung cảnh Việt Nam - Ảnh: B.C.
Những thanh sôcôla từ giấy gói bằng xơ dừa nước cùng họa tiết khung cảnh Việt Nam - Ảnh: B.C.

"Tôi đem đi in chẳng ai nhận. Loại giấy này không thể in offset, laser. In kéo lụa thì mực bị thấm xuống giấy, làm chi tiết bị mất. Cuối cùng mới tìm ra cách in chồng ba lớp mực thì hình mới lên được".

Sau một thời gian mày mò, giấy gói từ xơ dừa nước hoàn toàn tự nhiên, không có chất phụ gia nên an toàn với môi trường "ra lò". 

Không chuyên về thiết kế, nhưng chàng trai trẻ vẫn quyết định làm giấy gói cho nhãn hiệu sôcôla TBROS.

Chinh Ba kể lúc anh Trương Minh Thắng (sáng lập của TBROS) quyết định làm sôcôla thì giá ca cao ở Việt Nam đang rất thấp vì thương lái ép giá. Anh Thắng đã mua ca cao với giá cao và khuyến khích nông dân đầu tư, chăm sóc cây ca cao tốt hơn để cung cấp nguyên liệu.

"Chính câu chuyện của anh Thắng làm tôi xúc động. Tôi muốn làm giấy gói vì cũng muốn góp một phần công sức để giúp nông dân" - Chinh Ba nói.

Thùy Dung tổng hợp

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất