, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 23/01/2023, 19:00

Gió thổi đồng nhà

NGUYỄN NGỌC TƯ
Gần hai năm sau khi thằng nhỏ từ khu công nghiệp trở lại nhà, thỉnh thoảng nó có việc đi đâu đó quá buổi, nửa ngày, lúc về luôn có cảm giác kỳ lạ.

Ông nội - người lúc đó hãy còn tại thế, và ba mẹ nó đều mừng rỡ thái quá, oà vỡ, như thể nó đi cả năm rồi chứ không phải chỉ vài giờ đồng hồ. Một bữa ra chợ tỉnh mua bộ nhông sên dĩa đem nhờ ông sửa xe bên xóm thay cho, nó thả bộ tà tà về, tới bên hè thì nghe tiếng mẹ: “Đồ đạc thằng nhỏ không xê dịch gì ba ơi, ba lô cũng còn nguyên đây nè”.

“Hên xui”, ông nội nói, giọng chan ngập phấp phỏng, “Tụi nhỏ bây giờ nói đi là đi. Nhớ không, đợt nó theo bạn đi Bình Dương, chỉ bộ đồ dính da, mà đi một hơi tới nửa năm”.

Tê tái, thằng nhỏ nhận ra người nhà sợ mình lại bỏ đi lần nữa, dù nó năm lần bảy lượt nói rằng mình sẽ ở lại luôn với ruộng vườn, rằng đất quê người chật chội quá mình không quen. Hèn gì đôi lúc nó thấy mình được đối xử khẽ khàng như khách, như một cái trứng dễ vỡ. Hèn gì nó luôn có cảm giác ai đó dõi theo mình. Sau buổi trưa tình cờ ấy, biết người lớn trong nhà bất an, mỗi khi đi đâu thằng nhỏ đều báo, không quên thòng thêm mấy từ “chút về”, hoặc “nhớ chừa cơm cho con”.

Nhưng chừng ấy không đủ cho người nhà thằng nhỏ bớt phập phồng. Nhất là ông nội nó. Ông ngờ ngọn gió đó chưa chịu quẩn quanh cái đất này. Bất kể thằng cháu làm gì, ông cũng đọc thành dấu hiệu của cuộc rời đi. Thằng nhỏ đâu biết những lần nó nghiêng tai dưới gió xác định coi con tu hú đậu ngọn xoài nào mà tiếng kêu lại loang cả khu vườn, hay khi dõi theo một cụm mây có thể gây mưa rào, ông nội nghĩ nó đang nghe xa xôi mời gọi. Lời thì thầm của những con đường, những nơi chốn đã đến tai nó rồi. Cả khi thằng nhỏ nói lý do ngồi thừ ra dưới gốc xoài là bởi nắng quá thở không ra hơi, ông già cũng nghi, hoặc nó che giấu ý nghĩ thật hoặc chính nó không nhận ra chứng đói chân trời đang âm ỉ.

“Thấy thằng nhỏ về, nhưng chưa về đâu”, ông già nói với cô con dâu, tức mẹ thằng nhỏ. Để ý thì thấy từ cuối Chạp với đầu Giêng, lúc thanh niên trong xóm rộn rịp về quê, thằng nhỏ chỉ lui cui trong nhà, ít đi ra ngoài. Nó còn tắt điện thoại dịp bạn bè gọi mời họp lớp. Rõ là muốn tránh né người quen. Những lúc như vậy, coi nó lầm lũi làm sao. Nhà có khách, nó kiếm cớ ra vườn. Nhưng chỉ dấu quan trọng nhất, khiến ông già lo nhất: vài bận ông nghe lóm thằng nhỏ nói chuyện điện thoại với ai đó, xưng mình đang làm ở Đồng Nai, trong nhà máy giày da. Giọng gượng gạo lí nhí, người nó thu lại, tay cầm cành cây nhỏ cời những nét vô nghĩa lên mặt đất.

Thằng nhỏ mặc cảm vì mình là nông dân, ông già nhận ra. Nó không thoải mái với thân phận nhà nông. Thứ thân phận xưa nay được mặc định là nghèo dù có làm lụng bao nhiêu, ít học (đồng nghĩa với thiếu hiểu biết), lấm lem, gần như ở dưới cùng trong thang bậc phân tầng xã hội. Danh từ nông dân không bao giờ được kết dính vào chuỗi tính từ “sang trọng”, “bảnh bao”, “rực rỡ”, cũng xa lạ với những động từ “đi nghỉ mát”, “mua sắm”, “dự hoà nhạc”. Nông dân nghĩa là nhập nhoạng đâu đó ở phía những xóm làng chìm khuất trong mưa, những con đường xóm lầy lội, những bộ quần áo hoặc vá víu hoặc dính đầy nhựa cây.

“Làm ruộng chớ có trộm cướp của ai đâu, mắc gì xấu hổ”, có lần ông già cự thằng cháu. Trả lời ông là im lặng. Thằng nhỏ không biết phải nói từ đâu. Từ cái nhìn thương hại của mấy đứa bạn học cũ khi nó bảo tao giờ phụ làm ruộng với coi sóc mấy công vườn trồng xoài cát, hay từ vài ba cô gái nó quen ở chương trình kết bạn trên radio, đã cắt đứt liên lạc khi phát hiện ra nó thật không phải là công nhân như tự nhận lúc đầu, hay từ nét mặt đột ngột sa sầm của nhân viên quầy bán ghế mát xa trong siêu thị khi hỏi nghề nghiệp khách khi ghi vào phiếu thông tin. Vô ngôn, nhưng vẻ mặt cô nhân viên nọ nói rằng cậu không có tiền mua loại ghế đắt đỏ này đâu, và cậu cũng không xứng nằm lên chúng.

Có bao nhiêu công ruộng, bao nhiêu đất vườn, có nhà cửa cao rộng tiện nghi, tiền tiết kiệm ở ngân hàng thì cũng không được coi trọng khi mình là nông dân, thằng nhỏ thấy vậy. Cuộc đời cho nó thấy vậy. Nhưng nói ra điều đó sẽ làm người nhà nó, nhất là ông nội, đau lòng. Nỗi lo lớn nhất đời ông là ruộng vườn, thứ ông coi như hơi thở, như khúc ruột của mình, tới đời cháu sẽ bị bỏ rơi, không coi sóc. Tụi nhỏ giờ không thiết gì ruộng đất.

Rồi ông nội mất. Đám tang của lão nông mà khách viếng đông. Thằng cháu bị khách níu lại suốt. Ai đó kể giống lúa Trăm Bông chịu phèn lừng lẫy là một tay ông nội nó lai giống. Ai đó nói hồi chiến vùng này xôi đậu nên dân tản cư gần hết, chỉ mỗi ruộng ông nội nó là lúa hai vụ đều trân. “Thời loạn mà thằng chả chì lắm, lúc nào cũng tranh thủ tậu thêm trâu thêm đất”. Ai đó nói ơn ông bà nội nó năm nào cũng gọi họ tới cho lúa ăn qua đói giáp hạt, “Dân nghèo xứ này không ai không từng ăn hột cơm ơn cơm nghĩa của nội cậu”. Có chuyện thằng nhỏ biết sương sương, có chuyện nó nghe lần đầu. Như chuyện ông nội xuất thân chăn trâu, được chủ thương tặng cho một cặp nghé, và mảnh ruộng đầu tiên là đổi bằng cặp nghé lớn bổng lên sau thời gian được chăm chút vỗ về.

Ông già ra đồng nằm rồi, vẫn lác đác khách ghé nhà thắp nhang viếng muộn. Khách nói quen ông già từ chuyến tham quan mô hình trang trại của Thái Lan, rồi rút trong túi đưa cho thằng nhỏ tấm hình. Ông nội nó cổ quàng khăn rằn đứng giữa sân bay Băng Cốc, lưng thẳng tưng, chân hơi mở ra, ngẩng cao đầu. Một thế đứng chắc nụi trên đất quê người.

“À, ra cháu là thằng nhỏ mà ông già nhắc suốt chuyến đi. Nói đất có trở mình được hay không là nhờ cháu hết, chớ ổng có muốn cũng không kịp nữa, sắp hết thời gian rồi”, khách nói, mắt nhìn phía khói hương.

Cúng bốn chín ngày ông nội xong, thằng nhỏ đem radio ra ngồi bên ngôi mộ hãy còn tươi, gọi cho chương trình phát thanh trực tiếp “Quà tặng tri âm”. Nó nhờ họ phát bài Lời ru của đất. Bài hát này tôi tặng ông nội tôi, dạ phải, chỉ mình ông nội thôi, tôi tên Điền, ở cầu Rơm, hai mươi ba tuổi, là nông dân.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất