, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 17/08/2022, 10:19

Giữ giá trị nguyên bản của di sản văn hóa thế giới

KIM LOAN
(sggp.org.vn)
Sau 5 năm, Chính phủ triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ”, khi di sản này được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, việc thực hành di sản văn hóa này còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Gọi đúng tên di sản

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chứa đựng nhiều điều đặc sắc, tích hợp, kế thừa và chắt lọc những tinh túy của các di sản khác vào các thực hành nghi lễ hầu đồng, hát chầu văn… Với một quốc gia xuất phát từ nền văn minh lúa nước, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ phản ánh đời sống tinh thần, tôn vinh giá trị phụ nữ Việt Nam trong xã hội với sự khéo léo, cần mẫn.

Nhịp sống đương đại, cùng sự bùng phát tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở nhiều nơi, khiến giá trị di sản này có sai lệch so với giá trị nguyên bản tốt đẹp. Tại Hội thảo Khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay”, vấn đề tên gọi di sản văn hóa phi vật thể này được các đại biểu chú trọng. Cụ thể, đầu năm 2016, Ban Thư ký UNESCO có công văn đề nghị Việt Nam đổi tên di sản là “Những thực hành liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. 

Giữ giá trị nguyên bản của di sản văn hóa thế giới ảnh 1
Thực hành nghi lễ hầu đồng tại Đền thờ Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy phối thờ Hai Bà Trưng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vào sáng 15/8. Ảnh: HOÀNG LINH

Ông Nguyễn Văn Thư (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định) phân tích: “Cần hiểu đúng di sản được UNESCO vinh danh là “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và nhận thức rõ, UNESCO vinh danh di sản này không ở góc độ tôn giáo, tín ngưỡng mà ở những thực hành liên quan đến di sản. Đó là những sáng tạo văn hóa của cộng đồng, có giá trị nhân văn, tiến bộ thể hiện bản sắc của cộng đồng.

Tên di sản được UNESCO vinh danh là “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, đồng thời cũng hiểu cho đúng, không phải UNESCO công nhận đây là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà là ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Tên gọi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ hay Tứ phủ cũng được Th.S Trần Quang Dũng (Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long) đặt ra: “Điều rất quan trọng trong giữ gìn và phát huy giá trị di sản, đó là việc định danh di sản, chúng tôi đề nghị để giới hạn phạm vi và phản ánh thực chất thì tên gọi của di sản phải là “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ của người Việt”, bởi Tam phủ mới chỉ là thành tố của tín ngưỡng thờ Mẫu mà cha ông ta để lại”. 

Trả lại không gian thiêng 

Trong bối cảnh hiện nay, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng có những biến tướng không phù hợp với giá trị nguyên bản tốt đẹp. Tình trạng thương mại hóa các nghi lễ, lễ hội vẫn xuất hiện ở một số nơi; hiện tượng đốt vàng mã quá mức ở các đền phủ; chất lượng tổ chức nghi lễ, lễ hội chưa cao... 

GS. TS. Từ Thị Loan (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) bày tỏ: “Trong sự bùng phát hiện nay, những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của đội ngũ đồng thầy, thanh đồng không được khắt khe, chặt chẽ. Trước đây, thông thường các thanh đồng phải tuân thủ quy ước tu dưỡng 12 năm khó nhọc “thử đồng” trước khi được làm đồng thầy.

Hiện nay, nhiều người chỉ sau 3 năm, thậm chí mới ra đồng một năm đã “đẻ đồng”, tự phong cho mình là đồng thầy, hoặc chi tiền thuê pháp sư viết bừa sắc phong mình là đồng thầy. Một số con nhang đệ tử, “đồng đua”, “đồng đứ” gia đình lục đục, hao tiền tốn của vì chạy theo trào lưu trình đồng mở phủ”.

Thời gian qua, trào lưu sân khấu hóa hầu đồng dẫn đến việc “giải thiêng”, trần tục hóa nghi lễ không chỉ xuất phát từ những hành động phô trương, trục lợi của các thanh đồng. “Cho đến nay, trong quan điểm về việc đưa nghi lễ hầu đồng lên sân khấu vẫn tồn tại hai luồng ý kiến khác nhau.

Một là ủng hộ, cho rằng đó là hình thức quảng bá hữu hiệu để đưa hình ảnh di sản đến gần với người dân trong và ngoài nước. Hai là phản đối, vì như vậy là trần tục hóa nghi lễ, làm giảm đi tính thiêng, không phù hợp với bản chất của di sản, làm biến dạng di sản. Cần lưu ý là đứng từ quan điểm bảo tồn di sản văn hóa theo hồ sơ trình UNESCO và cam kết của Chính phủ Việt Nam thì việc hầu đồng phải được thực hiện với tư cách là một thực hành tín ngưỡng”, GS-TS Từ Thị Loan phân tích.

Giữ gìn và phát huy giá trị di sản vốn là hai việc song hành, nhưng để phát huy được giá trị tốt đẹp cần hiểu đủ và đúng về giá trị di sản. Đó là giá trị văn hóa của tín ngưỡng mà UNESCO ghi nhận, chứ không phải giá trị là ở sự linh thiêng, yếu tố tâm linh hay việc cầu cúng.

Bộ VH-TT-DL, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) phối hợp Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, tổ chức Hội thảo Khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay” trong hai ngày 15 và 16/8. Hội thảo góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng Báo cáo quốc gia vào năm 2024 trình UNESCO đánh giá sức sống và những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn tại của di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; những nỗ lực, biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là vai trò tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ di sản.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất