, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 08/06/2021, 15:00

''Giữ lửa'' cho tiếng chiêng ngân vang

NDONG BRỪM
(baolamdong.vn)

Với niềm đam mê văn hóa truyền thống, đặc biệt là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; nghệ nhân cồng chiêng K’Tiếu, sống tại thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh luôn “giữ lửa”, lan tỏa niềm đam mê bằng cách truyền dạy sử dụng cồng chiêng cho thế hệ trẻ tại địa phương.

Già K’ Tiếu đang hướng dẫn học viên sử dụng cồng chiêng.

Nghệ nhân K’Tiếu sinh năm 1952 tại cao nguyên Di Linh, vùng đất có bề dày truyền thống về văn hóa, văn minh lúa nước Kơ Ho Srê, là địa bàn có đông đồng bào dân tộc Kơ ho cư trú lâu đời. Cũng như bao các già làng và nghệ nhân khác trên vùng đất Nam Tây Nguyên nói chung, già K’Tiếu đã được trải nghiệm và được thừa hưởng những làn điệu dân ca, pơnđik pơnring…, tam pla, đơs long ngọt ngào của ông bà Kơ Ho xưa trong các dịp lễ hội truyền thống trên vùng đất cao nguyên này. 

Già không những am hiểu và thực hành thông thạo các lễ hội truyền thống, thực hiện các nghi thức lễ nghi nông nghiệp…, già còn thông thạo những bài khấn thần linh cũng như các bài chiêng và nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng của dân tộc mình. 

Già K’Tiếu chia sẻ: “Tôi đam mê cồng chiêng từ nhỏ, đến năm 14 tuổi tôi đã biết đánh cồng chiêng. Mỗi khi trong bon có gia đình tổ chức lễ hội truyền thống, tôi đều tham gia và học theo những người đi trước. Vì vậy, tôi sử dụng rất thành thạo hầu hết các loại chiêng 2, chiêng 3 và bộ chiêng 6. Tôi mong muốn tiếp tục được cống hiến sức mình để truyền dạy cho con cháu biết sử dụng cồng chiêng, giúp họ hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của cồng chiêng trong đời sống văn hóa của người Kơ Ho nói riêng và các dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên nói chung”. 

Ngày nay, các già làng, nghệ nhân am hiểu và thực hiện thông thạo các nghi lễ truyền thống của người Kơ Ho như già K’Tiếu ở vùng đất Di Linh giờ hầu như không còn ai nữa. Bởi lẽ, hiện nay những người tinh thông về kiến thức văn hóa truyền thống người Kơ Ho đã lần lượt về với ông bà tổ tiên. Vì vậy, bà con trong vùng luôn xem già như là một “kho tàng sống” đầy trân quý về di sản văn hóa, tín ngưỡng tâm linh độc đáo của người Kơ Ho. 

Sở dĩ già làng K’Tiếu được nhiều người dân trên địa bàn xã và trong vùng kính trọng, quý mến, bởi già là chỗ dựa tinh thần của bon làng, luôn gần gũi, “giữ lửa” và “truyền lửa” niềm đam mê cho đồng bào DTTS trong xã, nhất là thế hệ trẻ Kơ Ho. 

Với vai trò là già làng, nghệ nhân, già K’Tiếu không những tích cực tham gia tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các phong tục tập quán không còn phù hợp, tích cực lao động sản xuất, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, đoàn kết vun đắp tình làng nghĩa xóm, mà còn miệt mài truyền dạy sử dụng cồng chiêng cho thanh thiếu niên tại địa phương. 

Ông Trương Quốc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc, cho biết: “Hiện già làng K’Tiếu là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ cồng chiêng xã Đinh Lạc. Trong 2 năm qua, đã có 42 thanh niên nam nữ Kơ Ho trong xã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học truyền dạy và sử dụng cồng chiêng. Hiện già K’ Tiếu đang tiếp tục truyền dạy cho 14 thanh niên ở thôn Duệ. Già K’Tiếu luôn là tấm gương điển hình trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; già luôn chủ động, tiên phong trong việc truyền dạy, bảo tồn cồng chiêng cho các đồng niên cũng như thế hệ trẻ trong xã… Trong thời gian tới, già K’Tiếu sẽ tiếp tục truyền dạy sử dụng cồng chiêng cho đội chiêng học sinh Trường THCS Đinh Lạc”. 

Là người đam mê và nhiều năm gắn bó với văn hóa Kơ Ho, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, già K’Tiếu vẫn luôn trăn trở về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa này ở các xã, thị trấn trong huyện. Bởi hiện nay nhiều xã vùng đồng bào DTTS huyện Di Linh vẫn chưa thật sự quan tâm, làm tốt công tác bảo tồn nên sức lan tỏa và hiệu quả mang lại chưa cao. 

Hơn 55 năm gắn bó với cồng chiêng, bước chân của nghệ nhân K’Tiếu vẫn vững chãi và đã in dấu khắp các vùng đất Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông để tham gia giao lưu, liên hoan văn hóa cồng chiêng, ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc tỉnh Tây Nguyên... 

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Di Linh K’ Broi cho biết: Nghệ nhân K’Tiếu thật sự là một trong những cây “đại thụ” trong việc “giữ lửa” văn hóa cồng chiêng của huyện. Già luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động liên hoan văn hóa, giao lưu văn hóa do tỉnh và địa phương tổ chức. Đội chiêng thôn Duệ, xã Đinh Lạc của già cũng được huyện chọn đại diện cử đi tham gia các đợt Liên hoan Văn hóa cồng chiêng của tỉnh,... và đã đoạt nhiều giải thưởng cao. 

Năm 2020, già K’Tiếu vinh dự được huyện Di Linh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng chọn là một trong những nhân tố tiêu biểu đề nghị xét công nhận, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Suốt bao nhiêu năm miệt mài với công việc gìn giữ, truyền dạy sử dụng cồng chiêng, mặc dù tuổi đã cao, nhưng nghệ nhân K’Tiếu vẫn luôn mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa, để những nét đẹp văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên nói chung ngày càng thu hút nhiều thế hệ trẻ đồng bào DTTS tham gia lưu giữ và bảo tồn.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất