, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 18/01/2017, 09:55

Giữ mãi hào khí Tây Sơn

CẨM HÀ

Võ đường mang tên cụ ở xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) là một căn nhà quê, có khoảng sân rộng rợp bóng cây với một gian thờ nhỏ, đơn sơ nhưng nghiêm cẩn. Cụ Phan Thọ mất đã 3 năm; quản lý võ đường hiện nay là người cháu ngoại, Phan Minh Hải; trưởng môn là võ sư Phan Hữu Đức, con trai thứ 6 của cụ Phan Thọ, cậu ruột của Hải.

Võ sinh luyện tập ở Võ đường Phan Thọ.
Võ sinh luyện tập ở Võ đường Phan Thọ.

Hải, thoạt trông đã biết con nhà võ. Người tầm thước, rắn rỏi, đôi mắt một mí tinh anh, trông chín chắn hơn tuổi 25 của mình. Từng là thành viên đội tuyển võ cổ truyền quốc gia, thường đi thi đấu ở nước ngoài, nhưng rồi Hải, cũng như ông ngoại và cậu ruột mình, rốt cuộc đã chọn nghiệp dạy võ ở quê hương, nơi mình sinh ra, lớn lên, dù dạy võ ở miền quê yên ả này không phải là nghề dễ kiếm ra tiền.

Và tất nhiên, học võ cũng không phải việc dễ, bởi chuyện thân thủ phi phàm, tả xung hữu đột, một người chọi trăm thường chỉ diễn ra trên phim ảnh. Ở võ đường Phan Thọ, thời gian một võ sinh bắt đầu học đến khi “ra lò” thường phải mất đến 5 năm. Thời gian này không cố định, vì còn tùy thuộc vào năng lực, sự đam mê và quá trình khổ luyện của mỗi người. Học phí không cao: đối với võ sinh nội trú (gồm cả chi phí ăn ở) chỉ khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng, cái khó là võ sinh phải cam kết tuân thủ những quy định rất nghiêm khắc của võ đường. “Mỗi ngày, học viên nội trú không được ra ngoài quá 2 tiếng, đi đâu phải xin phép người lớn hơn, chỉ có người thân được đến thăm mà không được đưa bạn bè đến chơi. Quy định vậy là để tránh cho các em khỏi sa ngã, nhất là khi xa nhà, thiếu thốn tình cảm gia đình, dễ bị bạn bè xấu lôi kéo. Mỗi ngày, võ sinh phải luyện tập 3 buổi: sáng từ 7g30 - 9g; chiều 2g30-4g30;  tối từ 7g-9g, cứ đều đặn như vậy” - chàng trai đang gánh vác trách nhiệm quản lý võ đường chia sẻ.

Tuy giản dị, khiêm nhường như hầu hết ngôi nhà khác xung quanh, nhưng võ đường Phan Thọ luôn thu hút võ sinh từ nhiều địa phương khác trong cả nước. Vào mùa, thường là dịp hè, võ đường có đến vài chục võ sinh. Hải kể: có võ sinh là một doanh nhân ở Hà Nội vào học ở võ đường 6 tháng, cũng ăn ngủ đơn sơ ở đây như các cậu bé ít tuổi. Nhưng không phải học viên nào cũng chí thú học hành như vậy. “Bây giờ điều kiện tốt hơn, chế độ dinh dưỡng đầy đủ hơn, nhưng võ sinh tập luyện không quyết tâm như thời của ông và các cậu của em. Có lẽ hồi đó người học võ có mục tiêu rất rõ ràng là để bảo vệ bản thân, gia đình và xóm làng. Còn bây giờ, đôi khi học võ chỉ vì xem phim thấy đấm đá rất ngầu nên muốn học theo thôi. Vì thế, phần lớn khi thấy vất vả thì dễ nản. “Nhiều người mới học một tháng đã muốn đấu đối kháng ngay,  nhưng học võ không khác gì học văn hóa, cũng phải đi qua những bước đầu tiên, từ nội công, hít thở, vận khí… Học ngay các tư thế tự vệ, chiến đấu thì chỉ là học cái ngọn. Có thể dễ dàng “bắt chước” một tư thế, nhưng áp dụng được đúng thời điểm hay không, có đủ lực để thực hiện nó hay không; đủ tinh nhanh để phát hiện ra sơ hở của đối phương mà ra đòn hay không, là chuyện không thể một ngày một bữa”.

Phan Minh Hải, người cháu ngoại của cụ Phan Thọ.
Phan Minh Hải, người cháu ngoại của cụ Phan Thọ.

Giải thích cho người ngoại đạo như tôi, Hải bảo, võ cổ truyền Tây Sơn nôm na là cách sử dụng 18 môn binh khí, vốn là những công cụ lao động sản xuất hàng ngày của người nông dân để tự vệ. Ba anh em nhà Tây Sơn và các tướng lĩnh của họ đều là những người ham mê võ học, đã phát triển võ cổ truyền, sáng tạo ra nhiều bài võ tuyệt chiêu. Như Nguyễn Lữ nghiên cứu các thế gà đá nhau để sáng tạo ra “Hùng Kê quyền”, dùng yếu thắng mạnh, dùng mềm thắng cứng, rất phù hợp với thể trạng nhỏ con của người Việt Nam. Nữ tướng Bùi Thị Xuân thì có bài “Song Phượng kiếm”…

Theo lời người cháu ngoại, võ sư Phan Thọ tinh thông cả 18 môn binh khí, nhưng giỏi nhất 3 môn: quyền, côn, kiếm. Với ông, mục tiêu học võ là để làm người. Vì thế đến võ đường, võ sinh không chỉ học võ thuật mà còn được dạy về cách đối nhân xử thế, rèn luyện ý chí, quyết tâm. Mở võ đường năm 24 tuổi, ông vừa dạy võ vừa làm thuốc. Nghề thuốc gia truyền, chuyên trị các bệnh xương khớp mới là thu nhập chính của gia đình, giúp duy trì võ đường, như võ sư Phan Thọ vẫn nói là “lấy ngắn nuôi dài”… Trong những câu chuyện kể về ông ngoại, Hải nói, em nhớ mãi chuyện ông đánh heo rừng. Khi vài người trong thôn chạy đến nhờ tiếp sức, vì con heo dữ quá, võ sư Phan Thọ vội đi ngay, trên người vẫn đang mặc chiếc áo sơ mi dài tay mới tinh. Đánh xong heo rừng về, ông cứ bần thần mãi, vì… chiếc áo mới đã bị rách. Ông áy náy với vợ vì đó là chiếc áo mà bà dành dụm khá lâu mới mua được. Với ông, nhân nghĩa, đức độ là những điều vô cùng quan trọng. Tất cả những thành công của ông luôn có hình bóng của bà…

Chia tay Hải, tôi cứ bâng khuâng mãi với câu Kiều xưa: “Của tin còn một chút này”… Để võ học cổ truyền được bảo tồn và phát triển, như viên ngọc càng mài càng sáng, tâm nguyện và nỗ lực của những “người giữ lửa” như Hải thật đáng trân trọng, nhưng e rằng vẫn là chưa đủ…

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất