, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 13/10/2021, 14:15

Góc nhìn: Câu chuyện tri thức từ thửa ruộng, bờ ao

LÊ MINH HOAN - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Tri thức hóa người dân nông thôn là đặt nền móng vững chắc cho làng quê ngày mai, cho nền nông nghiệp tương lai. Nền móng đó còn quan trọng gấp nhiều lần nền móng của những công trình hạ tầng.
Hình minh họa

Vừa rồi qua za-lô (zalo) tôi có nhận được một tin nhắn của một anh nông dân. Anh gửi một tấm hình chụp lại mấy dòng chữ viết tay trên giấy tập học trò. Nội dung là nhờ đăng ký tham dự một hội thảo về kết nối kinh doanh nông sản trực tuyến. Các hội thảo trực tuyến hiện nay thường yêu cầu đăng ký trực tuyến, nhưng ngặt nỗi, anh nông dân đó không biết cách sử dụng các thiết bị thông minh. Vì thế, anh ấy nghĩ ra cách viết tay, nhờ cháu nội chụp ảnh, rồi gửi qua za-lô đăng ký.

Tính ra thì anh nông dân ấy đã rất nhanh trí, tiếp cận được công nghệ dù theo cách của mình. Tuy vậy, ngẫm nghĩ lại cũng thấy hơi lo. Còn bao nhiêu người nông dân trên đất nước mình chưa có điều kiện tiếp cận, sử dụng thành thạo những thiết bị, công cụ thông minh? Bao nhiêu người nông dân chưa hình dung được, cần cù thôi là chưa đủ trong xu thế phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, của nền kinh tế tri thức? Và bao nhiêu lớp đào tạo ngành nghề nông thôn không mang lại hiệu quả, không thu hút được người nông dân hăng hái tham gia.

Hiện có nhiều lớp đào tạo nghề nông thôn đúng nghĩa là dạy nghề nông: hướng dẫn cho người nông dân kỹ thuật cây trồng, vật nuôi. Nhưng người giảng dạy, hướng dẫn nghề nông lại không phải là người thu mua sản phẩm nuôi trồng của người nông dân nên nhiều khi chưa nắm bắt hết thông tin, xu hướng thị trường. Trong khi thị trường mới là nơi tiêu thụ, người tiêu dùng mới là người quyết định nhu cầu, số lượng bao nhiêu, chất lượng ra sao. Đào tạo nghề nông thôn thường chú trọng kỹ thuật, cách thức sản xuất, để sản lượng nhiều, năng suất cao nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến kết nối tiêu thụ, tiêu chuẩn nông sản, nhu cầu thực tế của thị trường… Đào tạo nghề nông thôn có thể hiểu là giúp trang bị kiến thức, kỹ năng nghề “cho” người nông dân. Chỉ dừng lại ở đấy, liệu có đủ không?

Và bây giờ là câu chuyện về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0. Nghề nông giờ đây đâu chỉ quần quật quanh năm, “tay lấm chân bùn”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nếu cứ bằng lòng với cách làm nghề nông truyền thống, “gia truyền” qua bao đời, thì nông dân mình vẫn còn nhiều gian khó, nông nghiệp vẫn bấp bênh như đi trên dây. Như nhiều ngành nghề khác, nghề nông ngày càng đòi hỏi chiều sâu tri thức, liên tục cập nhật những tiện ích khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Hòa cùng xu thế phát triển, nghề nông phải tích hợp giá trị gia tăng bằng hàm lượng khoa học, công nghệ, bằng phương thức kinh doanh nông sản, bằng tinh thần hợp tác của những người nông dân, bằng thái độ tích cực, chủ động, sẵn lòng thích ứng với sự thay đổi. Khi người nông dân chủ động tìm hiểu, kết nối với thị trường, thì sẽ nhận lại thông tin, tín hiệu của thị trường. Từ thông tin, tín hiệu đó, người nông dân sẽ hình dung rõ hơn về nhu cầu, xu thế thị trường, hiểu rằng mình cần phải sản xuất theo chuẩn mực của thị trường, nếu không muốn cứ rơi vào vòng lặp “thừa mứa, ế ẩm, rớt giá”.

Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua đã có những kết quả đáng tự hào. Hạ tầng, cơ sở vật chất ở nông thôn thay đổi theo hướng hiện đại hơn, văn minh hơn, thu nhập của người nông dân dần được cải thiện. Tuy nhiên, vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của người dân chưa được định hình rõ rệt. Suy cho cùng, người nông dân trong nông thôn mới, vừa là mục tiêu, vừa là động lực. Đích đến của Chương trình xây dựng Nông thôn mới không phải là diện mạo bên ngoài với những tiêu chí được công nhận, mà là sức mạnh tinh thần, chất lượng sống của người dân nông thôn được nâng lên từng ngày. Sức mạnh đó đến từ tinh thần tự lực, tự chủ trong xóm làng, tự quyết định cuộc sống, quyết không trông chờ, ỷ lại. Sức mạnh đó đến từ tinh thần hợp tác: “mỗi người vì mọi người, mọi người vị mỗi người”, phát huy năng lực cá thể, hợp thành năng lực cộng đồng.

Khi muốn, người ta tìm giải pháp. Khi không muốn, người ta viện lý do. Đâu có “cái khó” nào làm khó được những người gắn bó mật thiết với nông dân, luôn đau đáu về sự phát triển bền vững của nghiệp nông gia.

Năng lực của mỗi người đâu chỉ có ở đôi tay cơ bắp, mà còn đến từ kiến thức, kỹ năng, tri thức tích luỹ được. Năng lực của mỗi người đâu chỉ phản ánh qua giá trị vật chất, của cải hiện có, mà còn thể hiện qua sự chuẩn bị cho tương lai, là sự kết tinh giá trị hữu hình và cả giá trị vô hình, mà đôi khi, chính giá trị vô hình, như thái độ sống và làm việc, mới quyết định sự thành công bền vững. “Người nghèo, nghèo cái túi; người giàu, giàu cái đầu”, tựa đề một cuốn sách gợi lên nhiều suy ngẫm. Như vậy, tri thức hóa người dân nông thôn là đặt nền móng vững chắc cho làng quê ngày mai, cho nền nông nghiệp tương lai. Nền móng đó còn quan trọng gấp nhiều lần nền móng của những công trình hạ tầng.

Lan tỏa tri thức đến người nông dân bắt đầu từ việc hỗ trợ bà con tiếp cận các công cụ, thiết bị thông minh để công việc canh tác, sản xuất hàng ngày trở nên “thông minh” hơn. Phải trao đổi, hướng dẫn cho bà con làm quen với cách làm nông mới, không đợi đến khi “hết gạo chạy rong”, nghề nông mới được nhắc đến. Lan toả tri thức đến người nông dân phải được tích hợp: kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ nghề nghiệp. Việc lan tỏa tri thức phải được thực hiện đồng thời, đồng bộ với hoạt động khuyến nông, kết nối thị trường. Muốn đạt được những mục tiêu sâu xa đó, các cơ sở đào tạo và đội ngũ những người tham gia phải nghĩ khác, làm khác. Các giáo trình, chương trình dạy nghề cần bổ sung, cập nhật, điều chỉnh liên tục. Cũng cần từ bỏ cách thức báo cáo thành tích về số lớp được mở, số người tham gia khóa học mà phải lượng hóa cho được bà con thay đổi nhận thức như thế nào, năng suất, thu nhập tăng thêm bao nhiêu… thông qua các lớp đào tạo.

Thật nặng lòng khi nghe cán bộ, công chức than phiền: nói mãi mà người nông dân không chịu thay đổi, cứ bám víu cách sản xuất truyền thống. Có người dửng dưng: “Đó không phải là việc của tôi, tôi còn “bận trăm công ngàn việc” do cấp trên phân công”. Thậm chí có người còn nói, hãy để bà con thất bại, rồi tự rút ra bài học cho mình. Nói như vậy, mình có thoái thác trách nhiệm không, có thiếu đi tính nhân văn không? Tôi cho rằng đó là cách nói với bà con bằng giọng của “quan” chứ không phải bằng giọng của người bạn, người đồng hành, và do vậy thiếu sự thấu cảm? Nói một lần, người dân chưa đồng thuận, sao mình không giải thích nhiều lần? Cách này, người dân chưa thông, sao mình không bày cách khác? Mỗi lần thiếu kiên nhẫn, tôi mong mọi người cùng nhớ đến tờ giấy học trò viết tay của anh nông dân, để tự nhắc mình còn nhiều trách nhiệm và bổn phận!

Một việc nhỏ xíu như tờ giấy học trò viết tay mà ngẫm ra bao điều cần phải thay đổi. Thay đổi trước hết từ trong bộ máy quản lý ngành nông nghiệp. Thay đổi để không còn suy nghĩ kiểu thoái thác “đó không phải là việc của tôi”. Khi muốn, người ta tìm giải pháp. Khi không muốn, người ta viện lý do. Đâu có “cái khó” nào làm khó được những người gắn bó mật thiết với nông dân, luôn đau đáu về sự phát triển bền vững của nghiệp nông gia.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất