, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 07/05/2024, 20:00

Nước biển dâng và hạn mặn ở ĐBSCL: Góc nhìn của những người con xa xứ tại Úc

ANH KHÔI
(ghi)
Các chuyên gia Việt Nam đến từ nhiều trường đại học lớn của Úc đang cùng nhau tìm kiếm giải pháp ứng phó và giảm thiểu tác hại của nước biển dâng và hạn mặn ở ĐBSCL. Các hoạt động này được tổ chức thông qua sự kết nối của Hội chuyên gia, học giả Việt Nam tại bang Queensland (AVESQ), Hội Trí thức và Chuyên Gia Việt Nam tại Úc (VASEA), với sự tham gia của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, các sở ngành liên quan tại nhiều tỉnh ĐBSCL, cùng nhiều chuyên gia trong nước.
Sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng.

TS Phạm Thu Hiền (chuyên gia nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO), là người khởi xướng dự án nghiên cứu của cơ quan khoa học công nghệ Australia thuộc Chính phủ Úc về hạn mặn tại ĐBSCL).

Bà nói: “Mọi việc bắt đầu từ chuyến công tác của tôi tới Cà Mau, Cần Thơ và Sóc Trăng trong khuôn khổ chương trình hợp tác Aus4Innovation giữa Úc và Việt Nam. Sau khi gặp gỡ các ban ngành ở cả cấp trung ương và địa phương, cũng như trực tiếp tiếp xúc với người dân, tôi có thể mường tượng ra một cách cụ thể hơn các vấn đề của ĐBSCL liên quan tới nước biển dâng và hạn mặn. Đó cũng là vấn đề mà CSIRO rất quan tâm”.

Cũng theo bà Hiền, CSIRO có chương trình hỗ trợ ngành tôm ở ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và giúp Việt Nam ứng phó với tình trạng BĐKH tác động đến ĐBSCL một cách hiệu quả hơn thông qua các nghiên cứu của họ. Từ lời kêu gọi của bà, hơn 30 chuyên gia Việt Nam tại nhiều trường đại học ở Úc đã lập ra 4 nhóm chuyên môn liên quan tới ĐBSCL, tập trung vào giải pháp quản lý nguồn nước, giải pháp nông nghiệp, giải pháp hạ tầng, và giải pháp dữ liệu thông qua công nghệ số. 

GS Nghiêm Đức Long từ ĐH Công nghệ Sydney chia sẻ: “Nước Úc có các biện pháp tiết kiệm nước rất đa dạng và hiệu quả, nhưng không phải công nghệ nào cũng phù hợp với Việt Nam do đặc thù hạ tầng và kinh tế của nước ta”. Vì thế, ông Long đề xuất giải pháp trữ nước sử dụng bình chứa bằng nhựa TPU với giá thành thấp, phù hợp cho hộ gia đình, kết hợp công nghệ màng lọc ceramic để duy trì nguồn nước ngọt tại ĐBSCL. 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, TS Hoàng Thị Mỹ Linh (Đại học Queensland) đề xuất tích hợp việc giảm phát thải khí nhà kính vào các mô hình sống chung với hạn mặn. Bà Linh cho biết: “Đã có rất nhiều giải pháp sống chung với hạn mặn được ứng dụng hiệu quả ở ĐBSCL, điển hình như mô hình Lúa - Tôm. Nhưng bên cạnh việc sống chung với hạn mặn, chúng ta cần chủ động hướng tới việc nghiên cứu, cải tiến và khuyến khích nhân rộng các mô hình giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất và/hoặc tăng hấp thu khí CO2 từ không khí và cất giữ trong cây để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao đồng thời thân thiện với môi trường. Cụ thể, chúng ta có thể kết hợp việc cô lập carbon (carbon sequestration) vào quá trình canh tác nông nghiệp để làm giảm lượng CO2 trong không khí. Ví dụ sử dụng các giống lúa có khả năng chịu mặn tốt và hấp thụ nhiều khí CO2 trong quá trình sinh trưởng, kết hợp với các công nghệ tưới tiêu phù hợp để giảm phát thải khí metan và CO2. Đồng thời ứng dụng quy trình nuôi tôm không xả thải và công nghệ sạch để biến vỏ trấu, rơm rạ thành nano carbon dùng để lọc và tái sử dụng nước từ mô hình Lúa - Tôm”.

Mô hình Lúa - Tôm.

Theo bà Linh thì Việt Nam nên có bộ tiêu chuẩn về sản phẩm có carbon trung tính (không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất - hoặc lượng phát thải cân bằng với lượng hấp thu khí CO2) để giúp các sản phẩm nông nghiệp tăng giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Vấn đề sụt lún đất nền nguy hiểm chẳng thua hạn mặn, khiến diện tích đất ở và sản xuất biến mất ngày một lớn. Nhóm giải pháp hạ tầng do tiến sĩ Ngô Đức Tuấn (ĐH Công nghệ Sydney) điều phối, tập trung vào các giải pháp về vật liệu và kết cấu để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của thiên tai như nền đất yếu do sụt lún và hạn mặn. 

Ông Tuấn mong muốn phát triển các vật liệu địa phương, hoặc tái chế phế thải xây dựng để sử dụng trong việc xây mới và gia cố các công trình tại ĐBSCL, góp phần vào việc phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng. Theo ông Tuấn, nước biển dâng và hạn mặn là một vấn đề lớn mà không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới đang gặp phải. Vì thế, Việt Nam nên chủ động tham khảo và trao đổi kinh nghiệm với Úc và các nước khác để tìm ra các giải pháp phù hợp nhất với điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường trong nước. 

Túi trữ nước ngọt là một trong những giải pháp thích ứng hạn mặn.

GS Đào Việt Dũng (Đại học Griffith) là người điều phối nhóm giải pháp dữ liệu thông qua công nghệ số. Nhóm nghiên cứu này tập trung vào sự kết hợp giữa công nghệ Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường việc thu thập và phân tích dữ liệu thực cho các nhóm giải pháp còn lại, cũng như hỗ trợ các địa phương trong việc theo dõi và dự báo.

Nhóm nghiên cứu của ông Dũng đã có nhiều năm hợp tác với TP.HCM trong việc nghiên cứu mạng lưới cảm biến vi mô kết nối không dây để theo dõi mức độ ngập nước theo thời gian thực. Ông hy vọng kinh nghiệm xây mạng lưới cảnh báo ngập thông minh ở TP.HCM sẽ được phát triển hiệu quả sang các công nghệ tương tự cho trường hợp đặc thù của ĐBSCL. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Vốn chỉ được tìm thấy bên trong thân cây cọ nhưng hiện nay, đuông cọ đã được người dân nhân giống, phát triển thành mô hình chăn nuôi mới, hiệu quả cao.


Tiến sĩ Trần Đức Tường, giảng viên khoa Khoa học Tự nhiên - Trường ĐH Đồng Tháp, bắt đầu nghiên cứu trồng nấm vân chi đỏ từ năm 2015. Đến nay, sản phẩm đã sẵn sàng thương mại hóa.

Nổi bật

Bây giờ đi đâu cũng rầm rộ xây dựng Nông thôn mới, nhưng chẳng nghe trong báo cáo nào khoe “xã tôi thôn tôi có phong trào đọc sách”.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất