, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 12/07/2022, 09:02

Gói nilon và vấn nạn rác thải nhựa

LÊ KIÊN
Song song với sự phát triển của xã hội, thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về rác thải và môi trường. Một trong những nguyên nhân chính gây nên cuộc khủng hoảng, là việc con người sản xuất cũng như sử dụng đồ nhựa, gói nilon một cách “vô tội vạ”...
Cấu tạo của gói nilon nhỏ gồm nhiều lớp khác nhau, do đó rất khó để có thể tách ra và tái chế. Ảnh: The Times.

Trong khi ở các quốc gia giàu có và phát triển, người ta chỉ sử dụng gói nilon đối với một số sản phẩm như nước sốt hay mẫu mỹ phẩm nhỏ, thì ở các thị trường mới nổi, gói nilon lại được sử dụng một cách rộng rãi. Các sản phẩm sử dụng hàng ngày từ bột giặt, dầu gội đầu đến gia vị và đồ ăn nhẹ… đều được chia thành các phần nhỏ đóng thành gói và bán với mức giá rẻ, dễ tiếp cận. 

Con đường của gói nilon

Theo mô tả của Mark Shaw - giám đốc kỹ thuật bán hàng tại Công ty đóng gói Parkside Flexibles có trụ sở ở Anh, những gói nilon nhỏ có kích thước bằng lòng bàn tay, được tạo thành từ nhiều lớp khác nhau trong đó về cơ bản sẽ có lớp nilon và lớp nhôm siêu mỏng, chúng được ép và gắn kết với nhau bằng chất kết dính.

Thông thường, một gói nilon sẽ bao gồm lớp nhựa mỏng bên trong để làm kín không khí cho sản phẩm, một lớp giấy nhôm bạc có tác dụng bảo vệ và chống lại độ ẩm cũng như nhiệt độ bên ngoài và một lớp nhựa ngoài cùng có tác dụng giữ độ bền linh hoạt cũng như để in ấn các họa tiết khác nhau lên đó. 

Gói bột giặt của Unilever được sử dụng ở Mumbai (Ấn Độ). Ảnh: Reuters/Francis Mascarenhas.

Gói nilon hoặc túi nilon được các nhà máy chế biến đóng thành từng phần nhỏ, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Chính sự tiện dụng của nó đã cho phép các công ty có thể tiếp cận được với hàng triệu khách hàng có mức thu nhập trung bình và thấp tại các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, điều này đã gián tiếp gây ra một cuộc khủng hoảng rác thải và ô nhiễm toàn cầu. 

Một cuộc điều tra gần đây cho thấy, tập đoàn Unilever plc (ULVR.L) niêm yết tại London là một công ty tiên phong trong việc bán các sản phẩm đóng gói từ nilon. Hindustan Unilever Ltd (HUL) - một công ty con của tập đoàn Unilever tại Ấn Độ, là công ty đầu tiên đưa ra thị trường đại chúng sản phẩm dầu gội đầu đóng thành từng gói nilon nhỏ với giá 1 Rupee (0.01 USD) vào những năm 1980. 

Hiện nay, bình quân mỗi năm có 855 tỷ gói nilon được bán ra, số lượng này đủ để bao phủ toàn bộ bề mặt Trái đất.

Học giả C.K. Prahalad năm 2004 viết trong cuốn sách "The Fortune at the Bottom of the Pyramid" (tạm dịch: Kho báu dưới đáy Kim Tự Tháp) rằng, những năm đầu thế kỷ 21, gần 70% tổng số dầu gội đầu bán ở Ấn Độ được đóng ở dạng gói nilon nhỏ. 

Nhóm môi trường “A Plastic Planet” có trụ sở tại London nhận định, vào thời điểm này, những gã khổng lồ hàng tiêu dùng khác như Nestle SA và The Procter & Gamble Company (PG.N) cũng đã bắt đầu bán hàng loạt sản phẩm dưới dạng gói nhỏ cho người tiêu dùng khắp châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Vấn nạn gói nilon 

Sự tiện dụng của gói nilon đã cho phép các công ty có thể tiếp cận được với hàng triệu khách hàng có mức thu nhập trung bình và thấp tại các quốc gia đang phát triển. Ảnh: Reuters/Francis Mascarenhas.

Có ý kiến cho rằng các gói nilon nhỏ giúp người có thu nhập thấp tiếp cận được với các sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng các công ty thậm chí còn “móc túi” thêm của người nghèo, bởi lẽ các sản phẩm được bán theo cách này thường có thể tích ít hơn và giá đắt hơn so với việc bán sản phẩm theo thể tích lớn.

Mặt khác, những sản phẩm đóng gói như thế này thường được bán phổ biến ở các quốc gia đang phát triển, chưa có hệ thống thu gom rác thải đạt tiêu chuẩn. Những gói nilon sử dụng một lần sẽ trở thành tác nhân làm tắc nghẽn các hệ thống đường ống nước, và thậm chí gây hại cho động vật hoang dã. 

Ngay cả đối với những quốc gia phát triển, có cơ sở hạng tầng xử lý chất thải tốt hơn thì việc kết cấu phức tạp và kích thước nhỏ của những gói nilon cũng khiến cho chúng hầu như không thể tái chế theo cách tiết kiệm chi phí nhất. 

Tình trạng sử dụng và xả thải các loại gói nilon tiện lợi đang trở thành một vấn nạn toàn cầu. Ảnh: Reuters/Joe Brock.

Ông Stephan Laske - Giám đốc nghiên cứu và phát triển toàn cầu của nhà sản xuất bao bì nhựa Greiner Packaging cho biết, các gói được tạo thành từ các vật liệu khác nhau, kết dính với nhau, rất khó để tách chúng ra bằng cơ sở hạ tầng tái chế hiện tại. Ngoài ra, những gói nhỏ cũng rất khó để thu gom, phân loại và rửa sạch.

Stephan Laske cho biết thêm, các gói nilon có thể được tái chế bằng cách áp dụng quy trình tái chế tiên tiến, với phương pháp nhiệt hoặc hóa chất, để biến chất thải nhựa thành một loại nhiên liệu hoặc nhựa tái sinh và tạo ra loại nhựa mới.

Tuy nhiên, công nghệ này đã nhiều lần thất bại và gặp khó khăn trong việc đạt được quy mô thương mại, mặc dù đã được các nhà sản xuất nhựa và các hãng hàng tiêu dùng quảng cáo rầm rộ. 

Giải pháp nào thay thế gói nilon?

Theo các công ty hàng tiêu dùng, họ đang thử nghiệm nhiều lựa chọn thay thế cho túi nilon. Chẳng hạn như sử dụng bao bì phân hủy sinh học, hoặc phân phối sản phẩm thông qua máy tự chiết rót. Điều này cho phép khách hàng chủ động chiết rót và sử dụng nhiều lần chỉ với một thiết bị chứa. Tuy nhiên, những dự án này hiện vẫn chưa được triển khai rộng rãi.

Bà Sian Sutherland - nhà bảo vệ môi trường, người sáng lập tổ chức “A Plastic Planet” cho rằng, chính phủ các nước cần áp đặt lệnh cấm nghiêm khắc đối với túi nilon để thay đổi dần thói quen sản xuất cũng như việc sử dụng sản phẩm túi nilon đóng gói. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất