, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 28/10/2021, 09:45

Gốm cổ Nam Trung bộ có vẻ đẹp riêng

PHẠM TUẤN
(nongnghiep.vn)
"Gốm Nam Trung bộ" là công trình nghiên cứu văn hóa dân gian của hai tác giả Nguyễn Đình Chúc và Trần Thanh Hưng, vừa được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành.
Công trình nghiên cứu "Gốm Nam Trung bộ".

Lâu nay, những ai quan tâm đến nghệ thuật gốm, gần như chỉ biết đến gốm Thổ Hà, gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng ở phía Bắc hoặc gốm Lái Thiêu, gốm Cây Mai ở phía Nam. Vậy thì gốm Nam Trung bộ có vị trí như thế nào trong di sản gốm Việt Nam? Hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc và Trần Thanh Hưng đã bỏ nhiều năm để miệt mài đi tìm câu trả lời.

Cùng sinh sống ở Phú Yên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc năm nay 84 tuổi vốn là một giáo viên dạy Văn nổi tiếng và  nhà nghiên cứu Trần Thanh Hưng năm nay 52 tuổi đang đảm nhiệm Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Phú Yên, có chung say mê về gốm cổ Nam Trung bộ qua quá trình tìm hiểu gốm Quảng Đức ở địa phương.

Làng gốm Quảng Đức xuất hiện ở xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên vào đầu hế kỷ thứ 17. Thời thịnh hành, gốm Quảng Đức được bán đi nhiều nơi trong nước, cả người Kinh, người Thượng lẫn các quan Tây ở Cheo Leo, Phú Bổn, Phú Túc, Đắk Lắk, Gia Lai đều tìm mua. Nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn ở TP.HCM cho biết, ông có một số hiện vật gốm Quảng Đức có thơ Nôm tìm được khi nạo vét kênh rạch Sài Gòn những năm sau 1975. Ban đầu, ông Trần Đình Sơn không biết chúng thuộc dòng gốm nào, nhưng thấy khá lạ mắt, nhất là sự đa dạng về men màu có dính vỏ sò.

Từ những hiện vật gốm Quảng Đức có trong tay, hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc và Trần Thanh Hưng không chỉ truy nguồn tài liệu để chứng minh giá trị của thương hiệu này, mà còn mở rộng biên độ tìm hiểu gốm Châu Ổ ở Quảng Ngãi, gốm Gò Sành ở Bình Định, gốm Lư Cấm ở Khánh Hòa, gốm Bầu Trúc ở Ninh Thuận. Sau gần 10 năm lặn lội với vẻ đẹp mang hồn vía đất đai, cuốn sách “Gốm Nam Trung bộ” được hình thành khá tỉ mỉ và hấp dẫn với chất folklore sinh động.

Hai nhà nghiên cứu Trần Thanh Hưng và Nguyễn Đình Chúc.

Theo hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc và Trần Thanh Hưng, điều mà giới sưu tầm rất quan tâm là vì sao tất cả gốm cổ Quảng Đức đều có dấu vỏ sò dính trên thân và màu men khá đặc trưng. Trên thế giới, việc sử dụng vỏ sò để làm tăng nhiệt độ lò đã xuất hiện khá sớm, song, việc dùng sò huyết tạo nên hiện tượng hỏa biến trong quá trình nung để làm nên nhiều sắc màu cho sản phẩm gốm cổ Quảng Đức là một sự độc đáo. Theo các nghệ nhân làng, sò huyết được mua chủ yếu ở thôn 8 xã An Ninh Đông - một xã ven đầm Ô Loan của huyện Tuy An nối với vùng Ngân Sơn qua hai hệ thống giao thông thủy là Hà Yến và Tam Giang. Thai gốm (sản phẩm gốm chưa nung) đặt vào một bao nung, sau đó, sò huyết được chèn vào trước khi cho vào lò nung.

Nguyên liệu và cách chế tác gốm Quảng Đức có nét tương đồng với gốm Gò Sành ở Bình Định, nên có màu men riêng biệt. Hiện nay, dòng gốm Quảng Đức đang được dân chơi cổ vật sưu tầm khá hào hứng. Điều đó cũng góp phần bảo tồn một dòng gốm cổ đã thất truyền, là cơ sở để nghiên cứu, phục dựng việc chế tác khi có điều kiện.

Nếu tương lai có thể chế tác thành công gốm Quảng Đức theo tiêu chuẩn của các bậc tiền bối thì sẽ chứng minh cho thế giới thấy được về một kỹ thuật độc đáo, đồng thời bảo tồn theo cách xây dựng Quảng Đức thành một địa chỉ du lịch, sản xuất gốm làm quà lưu niệm, nằm trong quần thể du lịch của địa phương gồm những di tích, thắng cảnh cấp quốc gia như thành An Thổ, nơi sinh Tổng Bí thư Trần Phú, nhà thờ Mằng Lăng, gành Đá Dĩa…

Di sản được giới thiệu trong cuốn sách "Gốm cổ Nam Trung bộ".

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Trần Thanh Hưng lưu ý: “Trước sự quan tâm của nhiều người về dòng gốm cổ Quảng Đức, gần đây Trung Quốc đã chế tác ra một dòng gốm tương tự. Nhiều người nhầm tưởng đó là những sản phẩm độc đáo, có một không hai, và mua với giá rất cao. Nhưng nếu quan sát kỹ, dòng gốm này không có dấu lạc tinh (độ bào mòn qua thời gian), dấu vỏ sò in trên gốm quá lớn, không đúng với kích thước phổ biến của sò huyết đầm Ô Loan, men màu quá sặc sỡ, chất đất ở đáy hiện vật không phải chất đất sét An Định”.

Mơ ước của hai tác giả cuốn sách “Gốm Nam Trung bộ” là có thể số hóa hiện vật, xây dựng không gian trưng bày, bảo tàng 3D để lan tỏa giá trị văn hóa đến cộng đồng yêu gốm Việt Nam và quốc tế. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất