, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 07/03/2023, 07:25

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Cần giải phóng, sử dụng hiệu quả hơn đất nông nghiệp

KIÊN TRUNG
(nongnghiep.vn)
Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và PTNT cho rằng cần sửa đổi một số điều tại dự thảo Luật Đất đai để giải phóng tài nguyên đất, thúc đẩy tích tụ ruộng đất.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nhận định: Việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cùng với các chế định về chế độ sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013 đã tạo điều kiện cho các chủ thể quản lý, sử dụng hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về đất đai vẫn còn những hạn chế, bất cập; chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao, chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, thiếu tầm nhìn dài hạn.

Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; tài chính đất đai và giá đất còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong triển khai thực tiễn.

Luật Đất Đai sửa đổi cần giải phóng tài nguyên đất nông, lâm ngư nghiệp hiệu quả hơn. Ảnh: Minh Quý. 
Luật Đất Đai sửa đổi cần giải phóng tài nguyên đất nông, lâm ngư nghiệp hiệu quả hơn. Ảnh: Minh Quý.

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa đồng bộ, thống nhất; thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống của người dân.

Do đó, nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững. Sản xuất nông nghiệp quy mô nông hộ nhỏ lẻ, ruộng đất manh mún, phân tán vẫn là rào cản lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế.

Quản lý, sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp, đất chưa sử dụng do UBND cấp xã quản lý hiệu quả còn thấp, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện. Suy thoái đất đai diễn ra ngày càng tăng, làm suy giảm sức sản xuất và hiệu quả sử dụng đất dưới tác động của con người và biến đổi khí hậu.

Thực tế cho thấy, đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là sản xuất nông hộ quy mô nhỏ; thu nhập người trồng lúa, trồng rừng còn thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn

Người dân bảo vệ rừng Nà Hầu (Yên Bái). Ảnh: Tuấn Anh.
Người dân bảo vệ rừng Nà Hầu (Yên Bái). Ảnh: Tuấn Anh.

Tích tụ ruộng đất diễn ra chậm; ruộng đất manh mún, lợi nhuận sản xuất nông nghiệp thấp, nhiều rủi ro dẫn đến ruộng đất bị bỏ hoang hoá.

Đơn cử: năm 2013, tổng diện tích đất bỏ hoang của 5 tỉnh ở vùng ĐBSH (Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình) là 1.063 ha. Sau 5 năm, con số này là 2.398 ha, tăng 2,3 lần; không đầu tư cho việc cải tạo chất lượng đất, có nơi ngừng canh tác.

Để sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên đất nông lâm ngư nghiệp, ông Tiến cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) cần có sự điều chỉnh, sửa đổi chi tiết hơn.

Đối với đất trồng lúa, nhà nước có chính sách điều tiết, phân bổ ngân sách, hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; nâng cao đời sống người trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Tích tụ ruộng đất

Trăn trở với vấn đề mở rộng tích tụ đất nông nghiệp, TS. Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT, đồng tình với việc Dự thảo Luật mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức được giao.

Thu hoạch lúa mùa tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Kiên Trung.
Thu hoạch lúa mùa tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Kiên Trung.

Tuy nhiên, ông kiến nghị cần có chế định rõ ràng, đảm bảo công ty nông lâm nghiệp được giao, cho thuê đất có quyền bình đẳng như các doanh nghiệp khác trong tự chủ tổ chức sản xuất kinh doanh và chịu trách nhiệm trước nhà nước về quản lý sử dụng hiệu quả đất được giao, thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước như các doanh nghiệp nông nghiệp khác.

Các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông trường, lâm trường có trách nhiệm rà soát hiện trạng sử dụng đất về vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất.

Đất đã cấp Giấy chứng nhận (sau rà soát) cho các công ty nông, lâm nghiệp, thì các công ty này đã được xác lập đầy đủ địa vị pháp lý của chủ thể sử dụng đất, có quyền tự chủ sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Khi đó, quan hệ khoán, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư... giữa chủ thể sử dụng đất (công ty) với người nhận khoán và đối tác khác là quan hệ kinh tế, dân sự. Do vậy, Nhà nước không thể vừa cấp Giấy chứng nhận cho công ty vừa công nhận quyền sử dụng đất cho các chủ thể khác trên cùng diện tích đất.

Thời gian qua, nhiều 'cánh đồng trăm triệu' đã xuất hiện ở nhiều địa phương nâng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp lên gấp nhiều lần. Ảnh: Kiên Trung.
Thời gian qua, nhiều "cánh đồng trăm triệu" đã xuất hiện ở nhiều địa phương nâng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp lên gấp nhiều lần. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Tuấn nhận định, việc bổ sung quy định “tập trung đất nông nghiệp” và “tích tụ đất nông nghiệp” là cấp thiết. Quy định có tính định “khung” về nguyên tắc, điều kiện, hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp; giao Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp đối với những quy định pháp luật mới.

Tuy vậy, về mặt kỹ thuật xây dựng luật, ông đề nghị cân nhắc, xem xét điều chỉnh theo hướng gộp hai Điều 185 - 186 của dự thảo Luật mà vẫn giữ nguyên nội dung quy định như dự thảo điều chỉnh kết cấu Khoản, điểm hợp lý để viết chung các quy định như nhau và các thể hoá quy định khác nhau. Nếu giữ 2 Điều riêng, thì những nội dung quy định tại Điều 186 trùng với Điều 185 trình bày theo hình thức viện dẫn.

Thực tiễn hiện nay, các tổ chức phát triển quỹ đất ở các địa phương phần lớn hoạt động khó khăn, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của địa phương, chưa thực hiện được chức năng tạo quỹ đất phát triển theo quy hoạch, kế hoạch do vướng mắc về cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế về tài chính. Kinh phí hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất rất lớn, cần có cơ chế huy động từ nhiều nguồn; rủi ro cao khi giá đất xuống.

Qua nghiên cứu thực tiễn, ông đề nghị sửa Khoản 3, Điều 115 về Kinh phí hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất; giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện; bổ sung quy định về loại hình Ngân hàng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai, thúc đầy hình thành thị trường quyền sử dụng đất lành mạnh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm






Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất