, //, :: GTM+7

Hà Nội bảo đảm cấp nước sạch mùa hè 2021: Chủ động các giải pháp

KHÁNH - DƯƠNG
(hanoimoi.com.vn)

Mùa hè năm nay, nhiệt độ được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ 0,5-1 độ C. Trước nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao trong thời gian cao điểm mùa hè (tăng 6-10%), thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch, chủ động triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm cung cấp nước sạch ổn định cho người dân Thủ đô.

Hà Nội đã ban hành kế hoạch cấp nước sạch mùa hè 2021, bảo đảm đáp ứng ổn định, đầy đủ nhu cầu của người dân Thủ đô. Trong ảnh: Công nhân vận hành hệ thống sản xuất nước sạch tại Nhà máy Nước mặt sông Đuống. Ảnh: Phạm Khánh.
Hà Nội đã ban hành kế hoạch cấp nước sạch mùa hè 2021, bảo đảm đáp ứng ổn định, đầy đủ nhu cầu của người dân Thủ đô. Trong ảnh: Công nhân vận hành hệ thống sản xuất nước sạch tại Nhà máy Nước mặt sông Đuống. Ảnh: Phạm Khánh.

Vẫn còn những nỗi lo

Ghi nhận việc cấp nước sạch mùa hè 2 năm gần đây cho thấy, tình trạng “khát” nước sạch trong những ngày nắng nóng, nhất là khu vực nội đô, đã được cải thiện. Tuy nhiên, tại một số địa phương, người dân vẫn canh cánh nỗi lo thiếu nước sạch dịp hè.

Chị Đỗ Huệ Chi, chung cư Gemek Tower, xã An Khánh (huyện Hoài Đức) bày tỏ lo ngại, khi nhiều năm qua, tình trạng vỡ ống nước sạch sông Đà thường xảy ra. Mỗi lần như vậy, cư dân Gemek Tower lại rơi vào cảnh thiếu nước, ít nhất 1-2 ngày. Tương tự, tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, ông Nguyễn Văn Bình (thôn Đồng Lạc), cho hay, trên địa bàn xã đã hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch từ tháng 12-2020 và đã có 85% hộ sử dụng, trong đó có gia đình ông. Song hằng ngày, cứ vào 10-12h và 17-19h, nước chảy khá yếu. Do đó, các hộ phải “canh” giờ nước chảy mạnh để bơm lên bể mới có đủ nước sử dụng. “Không biết vào hè này, liệu nước có đủ phục vụ cho người dân?”, ông Nguyễn Văn Bình nói.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 2.038.483 khách hàng (cả đô thị và nông thôn) sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của thành phố. Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du cho biết, hiện nhu cầu sử dụng nước tại những khu vực đã được đầu tư hệ thống cấp nước là 1.150.000-1.250.000m3/ngày-đêm. Dự kiến, vào cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng sẽ tăng 6-10%, lên mức 1.250.000-1.350.000m3/ngày-đêm.

Với tổng công suất nguồn cấp từ các nhà máy nước tập trung đạt khoảng 1.520.000m3/ngày-đêm, thành phố hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. "Tuy vậy, vẫn còn một số khu vực có thể thiếu nước cục bộ, như: Khu đô thị mới chưa được đầu tư đồng bộ mạng cấp nguồn; khu vực sử dụng nguồn từ các trạm cấp nước cục bộ... Ngoài ra, trường hợp xảy ra sự cố vỡ đường ống cũng sẽ ảnh hưởng đến việc cấp nước", ông Lê Văn Du thông tin thêm.

Là đơn vị quản lý việc cấp nước cho 15 quận, huyện của Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội Trần Quốc Hùng dự báo, các khu vực nằm ở cuối nguồn, cốt địa hình cao có khả năng thiếu nước trong dịp hè là: Từ cuối ngõ 124 đến cuối ngõ 172 Âu Cơ; ngõ 267 Hoàng Hoa Thám; tập thể cao tầng khu 7,2ha Vĩnh Phúc... (quận Ba Đình). Ngoài ra, các khu vực: Ngách 898/1 đường Láng, khu vực bãi rác Thành Công, ngách 25/59 Vũ Ngọc Phan... (quận Đống Đa) có thể thiếu nước khi nguồn cấp từ Nhà máy Nước sạch sông Đà xảy ra sự cố...

Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội túc trực tại phòng điều hành để phát hiện và kịp thời xử lý các sự cố trong quá trình cung cấp nước sạch. Ảnh: Yên Khánh.
Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội túc trực tại phòng điều hành để phát hiện và kịp thời xử lý các sự cố trong quá trình cung cấp nước sạch. Ảnh: Yên Khánh.

Bảo đảm cung cấp nước sạch ổn định

Để bảo đảm công tác cung cấp nước sạch trong những ngày cao điểm nắng nóng năm nay, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Sở vừa ban hành kế hoạch cấp nước sạch mùa hè 2021. Theo đó, bên cạnh duy trì sản xuất 1.370.000-1.520.000m3 nước sạch/ngày-đêm, Sở cũng yêu cầu các đơn vị cấp nước bảo đảm hệ thống mạng lưới vận hành ổn định, đủ áp lực cho toàn bộ khách hàng hiện có. Đồng thời, sử dụng thiết bị tiên tiến phát hiện và khắc phục kịp thời những điểm rò rỉ, vỡ đường ống gây mất nước...

Cùng với đó, Sở cũng xây dựng phương án vận hành cấp nước nếu xảy ra sự cố. Cụ thể, nếu vỡ đường ống truyền dẫn, thiếu nguồn từ Nhà máy Nước mặt sông Đà, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) chuẩn bị đầy đủ vật tư, ống dự phòng, phương tiện, nhân lực để sửa chữa, khắc phục; đồng thời vận hành điều tiết trạm bơm tăng áp Tây Mỗ và đoạn tuyến từ trạm tăng áp đến đường Vành đai 3 để duy trì nguồn cấp cho khu vực nội đô... Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống điều tiết bổ sung nguồn cấp cho Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông.   

Trường hợp sự cố hoặc phải bảo dưỡng, sửa chữa đường ống truyền dẫn của Nhà máy Nước mặt sông Đuống, Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống sẽ xây dựng phương án giảm thiểu ảnh hưởng do thiếu nguồn cấp từ nhà máy. Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội vận hành tối đa công suất các nhà máy đang quản lý để bổ sung nguồn thiếu hụt. Công ty Viwasupco tăng công suất, bổ sung nguồn cấp cho Công ty cổ phần Viwaco, các công ty TNHH một thành viên: Nước sạch Hà Đông, Nước sạch Hà Nội.

Cũng về vấn đề này, theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội Trần Quốc Hùng, công ty đã xây dựng phương án vận hành mạng, điều tiết cấp nước, sử dụng bơm tăng áp, sử dụng xe stec để cấp nước ổn định...

Với khu vực ngoại thành, tỷ lệ sử dụng nước sạch ở nhiều xã đã đạt hơn 90%, tuy nhiên vẫn còn một số khu dân cư chưa được sử dụng nước sạch tập trung, vì vậy Sở Xây dựng đang đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án mạng lưới cấp nước. “Để bảo đảm việc cấp nước sạch cho các hộ dân, nhất là khi mùa hè đã đến, chúng tôi đã kiến nghị thành phố đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm mục tiêu cấp nước sạch cho người dân Hoài Đức”, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường kiến nghị. 

Bình luận

Xem nhiều



Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.


Căn bệnh virus sưng chồi ca cao (CSSVD) do loại rệp sáp gây ra đang tàn phá những rừng cây ca cao ở Tây Phi và có khả năng khiến nguồn cung chocolate toàn cầu gặp nguy hiểm.
Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất