, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 26/01/2023, 19:00

Hà Nội tỉnh, Hà nội quê

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
Một điều khá phiền cho những người lớn tuổi khi làm các thủ tục cấp lại giấy khai sinh là địa danh nơi sinh theo dữ liệu gốc đã thay đổi sau nhiều biến đổi địa chính. Rất nhiều người từng sinh ra hay quê quán ở một làng nào đó thuộc tỉnh Hà Đông, nay nằm trong một phường nội thành Hà Nội. Sau nhiều năm đô thị hóa và thay đổi địa danh hành chính giữa lòng Hà Nội, nhiều ngôi làng vẫn hiện diện, trong cái tên lẫn lối sống.
Hà Nội Tết Ất Mùi 1955. (Ảnh tư liệu)

Tên làng tên phố

Làng trong phố là một hình thái đặc thù cho không gian sống Hà Nội trong vòng trăm năm qua. Để hình dung phố Hà Nội, cần hiểu tinh thần và cấu trúc những làng xóm ấy. Đầu tiên phải kể tới những làng tiểu công nghệ mà trong đó hình thành những phường thợ, thậm chí từng là những phường cổ có từ thời Lý. Trên báo Khoa học số 193 - 196 năm 1938, các nhà nghiên cứu đã liệt kê 134 làng tiểu công nghệ ở phủ, huyện như Hoài Đức, Hoàn Long, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa… thì 40 làng nay thuộc nội thành.

Những cái tên nổi bật như Hạ Yên Quyết (tức làng Cót, nhuộm giấy màu), Nghi Tàm, Quảng Bá (đan lưới), Vạn Ngọc (Tứ Liên, đóng thuyền), Ngọc Trục (đan bồ), Yên Thái (làm giấy ta), Nghĩa Đô (dệt lĩnh), cùng rất nhiều làng làm nghề dệt nay thuộc vùng Bưởi hay Mỗ, La, Canh, Cót, bốn vùng “tứ danh hương” có nhiều người đỗ đạt khoa bảng và làm quan thuở trước. Những làng thuộc tỉnh Hà Đông phát triển mạnh nghề dệt, để rồi mỹ danh “áo lụa Hà Đông” của những làng Vạn Phúc, La Khê, Tây Mỗ… còn được truyền tụng đến giờ.

Trong quỹ tên đường phố Hà Nội, từ lâu người ta đã có ý thức lấy tên các làng cũ đặt bên cạnh tên các danh nhân. Nhưng làng còn lại chính là nhờ một lối sống vẫn duy trì, một thứ tương đối khác biệt với phố cổ hay phố Pháp, hoặc so với những khu tập thể thời bao cấp và khu đô thị mới hiện nay.

Hàng Da năm 1986. (Ảnh tư liệu)

Một trong những chỉ dấu đầu tiên để nhận diện là đường phố đi qua những làng xóm cũ này vốn là những đường làng mở ra, ít đồng dạng với quy hoạch ô bàn cờ hay phố lớn. Chúng trở thành những phố hẹp, ngõ ngách, nơi mà trong làng vẫn còn những mái đình hay ngôi chợ nho nhỏ như trăm năm trước các cụ vẫn họp. Phố Thụy Khuê đi đến chợ Bưởi vẫn phải thắt hẹp lại và uốn lượn quanh những cổng làng và ngôi miếu cổ Thái Luân thờ cụ tổ nghề giấy án ngữ sát mặt đường, không xa là dòng cũ sông Tô Lịch nay đã lấp thành đường mới. Những mái đình, chùa hay ngôi chợ họp 6 phiên một tháng là những hình ảnh và tập quán cũ bảo tồn một không gian làng trong phố. Chợ Bưởi từ chỗ tập trung sản phẩm thủ công quanh vùng như giấy, lĩnh… giờ thành nơi bán chim, cây, cá cảnh nhộn nhịp, chứng tỏ một sức sống của mô hình làng xóm lâu đời.

Chợ hoa Tết Ất Mùi 1955. (Ảnh tư liệu)

Tiếng tơ tiếng trống

Nói đến làng xóm quanh trung tâm Hà Nội là phải nói đến những làng liên quan đến đời sống giải trí thị dân. Một trong những làng như vậy nay đã mất tên, nhưng còn đó tên phố Khâm Thiên. Ngôi làng Mỹ Đức xưa cạnh những làng Văn Chương, Trung Phụng, Thổ Quan… vào đầu thế kỷ 20 thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, hình thành một dãy phố có những nhà hát cô đầu, dần thay thế xóm cô đầu ở phố Hàng Giấy cạnh chợ Đồng Xuân. Tiếp theo là xóm cô đầu Vạn Thái ở phố Bạch Mai, trên đất làng Bạch Mai tít dưới phía Nam cũng thuộc đất huyện Hoàn Long, rồi xa hơn là ở Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở. Thuật ngữ “xuống xóm” đồng nghĩa đi hát cô đầu, dành cho các ông say mê tiếng hát và nhan sắc các cô đầu, vốn được các văn thi sĩ tô điểm thành thú chơi tao nhã lẫn trần tục.

Những làng phục vụ thú chơi thị dân như đồ chơi sắt tây của làng Khương Hạ (Thanh Xuân), từng chế tác những món đồ như tàu thủy chạy bằng hơi nước được đốt nóng, từng làm mưa làm gió phố Hàng Thiếc mỗi dịp Trung thu, hay các làng hoa Ngọc Hà, Hữu Tiệp (Ba Đình), Nghi Tàm (Tây Hồ) khi không còn đất trồng hoa đã có các làng Nhật Tân, Tứ Liên, Tây Tựu… tiếp nối với những đào, quất, lay ơn, violet cho ngày Tết. Thiếu những thức này, ngày Tết Hà thành có lẽ mất màu sắc, không khí đặc trưng của mình.

Cổng làng Ngọc Trục (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) ngày nay.

Những làng trong phố còn được nhận ra hồn vía cũng là vì chúng thành nơi bảo lưu những không gian tín ngưỡng truyền thống. Mỗi làng có một ngôi đình để làm nơi diễn ra các tập tục nghi lễ cộng đồng vào các dịp Tết hay hội làng. Nhiều công trình đã thành di tích quan trọng làm nên âm hưởng linh thiêng của đất Thăng Long Kẻ Chợ, mà vốn là những nếp chùa làng như Chiêu Thiền Tự (chùa Láng), Liên Phái (Bạch Mai), Kim Liên (Nghi Tàm), hay đền Đồng Cổ (Thụy Khuê), Voi Phục (Thủ Lệ), Hai Bà Trưng (Đồng Nhân)… cũng đều gắn với những làng xã sở tại. Tiếng trống, tiếng chuông của những nơi chốn này đã làm nên âm vang của những huyền tích cho mảnh đất nghìn năm tuổi. Thiếu chúng, trí tưởng chúng ta thật khó hình dung ra những nếp sống xưa cũ, khi mà những không gian dân sinh đã chẳng còn mấy dấu tích nguyên bản các thế kỷ trước.

Một góc Hà Nội những năm 1980. (Ảnh tư liệu)

Món ngon nhớ lâu

Phần sôi động và còn lâu bền nhất của làng trong phố chính là… món ăn! Những thức quà của phố trước đây nhiều phần do các gánh hàng rong quẩy từ các làng xung quanh ra phố, như Thạch Lam đã viết trong Hà Nội băm sáu phố phường. Bánh cuốn Tứ Kỳ (Hoàng Liệt) hay mang cái tên rộng hơn là bánh cuốn Thanh Trì (giờ thuộc về quận Hoàng Mai), bún ốc, chả nhái Khương Thượng (Đống Đa), xôi lúa Phú Thượng (Tây Hồ), bún Phú Đô (Nam Từ Liêm), hay thứ đậu phụ lừng danh của Hoàng Mai (kẻ Mơ) đã thành thương hiệu đậu Mơ đến giờ vẫn còn rộn ràng trên những mẹt quà bún đậu mắm tôm hay các mâm cơm chiều trong các gia đình.

Nhiều làng chỉ còn vang bóng cái tên hoài niệm gắn với đặc sản như cốm Vòng, húng Láng, kẹo Lủ (Kim Lũ)… mà giờ những tên đường phố giữ lại chút âm xưa. Món ăn ở phố Hà Nội thường đòi hỏi những thức phụ trợ như rau thơm, món ghém như dưa, nộm, nem thính, vốn dĩ trước đây phải lấy trong ngày từ các làng lân cận để đảm bảo độ tươi ngon. Các bậc cầu kỳ xưa nay vẫn khắt khe đòi hỏi, lâu dần làm nên những tiêu chuẩn truyền thế hệ, chẳng hạn húng Láng giờ chẳng còn ruộng để trồng song thị dân vẫn làm mọi cách để thứ rau thơm đặc trưng ấy được trồng ở nơi khác. Những nhu cầu tinh vi như vậy nghe có vẻ nhiêu khê, nhưng cũng làm ra một ý vị rất Hà Nội. Một Hà Nội “tỉnh” nhưng lại dựa trên những thứ “quê”.

Từ Gia Lâm lên cầu Long Biên thập niên 70 của thế kỷ trước. (Ảnh tư liệu)

Đấy cũng là một nét của làng trong phố. Với lối nhà vườn cũ chia xẻ thành các miếng nhỏ, trở thành những ngôi nhà ống hay thước thợ bám lấy các đường làng ngõ xóm, những nơi cư trú chật hơn, phù hợp với đời sống buôn bán nhỏ, viên chức hay chạy việc cho hàng phố như trăm năm trước vẫn vậy. Các gia đình sống sát cạnh nhau, hình thành nên một kiểu chung đụng không gian đặc thù. Một đôi nơi vẫn duy trì lệ làng, gắng gỏi giữ một hình ảnh truyền thống, bên cạnh một kiểu sống nửa làng nửa phố, không thể sang trọng như phố lớn nhưng cũng đã thoát ly sự tuềnh toàng của mô hình thôn xóm dân dã. Thị dân ở làng trong phố đôi khi cũng sắc sảo ghê gớm, nhưng cũng có mặc cảm của dân ven đô của vài chục năm trước, khi ánh điện và nước máy hãy còn là thứ ưu tiên của phố trên. Nhưng giờ đây dòng người nhập cư hay sự xuất hiện của các chung cư hay khu đô thị mới ngay trên đất làng đã khiến chất ngoại ô một thuở chỉ còn vang bóng trong những tiểu thuyết giữa thế kỷ trước trở về thời thuộc địa.

Hà Nội đã bắt đầu hình thành đường vành đai 4, các khu làng xóm ngoại thành và thậm chí vài tỉnh lân cận cũng cuốn vào quá trình đô thị hóa. Gần 100 ngôi làng còn lại trong danh sách các làng “tiểu công nghệ” của tỉnh Hà Đông cũ năm 1938 cũng chuẩn bị thành những khu phố mới. Nghề xưa chẳng chờ đến lúc ấy biến mất, mà đã phai nhạt nhiều chục năm nay. Nhưng một điều chắc chắn là Hà Nội phải đối diện với di sản làng trong phố, điều đã từng đóng góp vào bản sắc đô thị, thậm chí người ta còn thấy nhiều khu tập thể hay khu đô thị lại có xu hướng “làng hóa”. Bởi vì Hà Nội làm sao hết được yếu tố làng! Có khi ngay lúc chúng ta đang nói chuyện này, cầm cuốn giai phẩm Xuân này, ngồi xuống chiếc ghế băng bằng gỗ của quán nước chè đầu ngõ, bà quán nước đang chào hỏi cô bán bún đậu vừa hạ gánh xuống bên kia…

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất