, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 06/05/2022, 19:00

Hai mái đầu bạc

HOÀI CẨM
Người đàn ông ngồi bên song cửa, ngoảnh đầu lại nhìn vợ mình. Hơn 40 năm, khuôn mặt ngày xưa đã hiển hiện những nếp chai hằn của thời gian, sóng gió cuộc đời trằn trọc lên từng giấc ngủ. Còn được bao nhiêu năm cho cả hai người khi mái đầu đã điểm từng sợi bạc?

 

Đi qua những ngày đạn bom, khói lửa, người đàn ông ấy đã chịu nhiều vết thương của thời cuộc, mặc cảm lạc loài thế hệ khi mà những ước vọng cao cả bị mài mòn dần bởi chiến tranh. Chiến tranh kết thúc, trong cuộc mưu sinh, lúc ông bán đồ ăn vặt cho trẻ con ở căn tin, lúc thì chạy xe thồ, xe khách... 

Nhưng nghề chẳng chọn người! Bán đồ ăn vặt cho lũ trẻ bao giờ ông cũng cho chúng thêm cái này hay cái khác. Ông chạy xe thồ thì bị dân trong nghề giật mối. Chở thuê mà gặp người khốn khó ông cũng chẳng lấy tiền. Ông hiền quá, đời ông gian truân, lận đận quá, nên bảo kinh doanh thế thôi chứ tiền kiếm được cũng chỉ vừa đủ trả tiền mở quán, tiền mua xe. 

Nghĩ lại ông càng thấy xót xa cho vợ mình.

Người phụ nữ ấy chẳng mấy khi than phiền hay trách móc gì ông. Bà đi dạy, cố vun vén đồng ra đồng vào để nhà vẫn đủ cơm ăn, để mấy đứa con vẫn được đến trường, đến lớp. 

Thời điểm sau giải phóng, có người ở gần nhà cần tìm giáo viên để dạy chữ cho con. Nghe người ta đồn cô giáo H xóm bên dạy hay chữ đẹp, thế là họ mang con đến gửi nhờ cô rèn cho con nết chữ, nết người. Không biết đã có bao thế hệ được cô giáo H uốn nắn từ những bước đường đời đầu tiên, nhưng cho đến nay có người đã ngoài bốn mươi, gặp lại vẫn vòng tay "Em chào cô H"!

Đến giờ, dù mắt đã mờ, sức khỏe đã không được như ngày trước, bà vẫn mỗi tối "gõ đầu trẻ". Nhiều học sinh cô H ngày trước, nay lại gửi con, gửi cháu cho cô dạy. Người phụ nữ ấy dù trong nghịch cảnh khó khăn vẫn giữ cho mình sự thanh cao của nghề giáo, bằng cái tâm mà uốn nắn lũ trẻ thành người.

Ông nhìn vợ, rồi ngẫm thấy buồn đời mình. Lý ra ông phải là trụ cột gia đình, phải làm được nhiều hơn nữa cho vợ con mình. Nhưng thời cuộc này ông không thuộc về…

Ông cố gắng sống tốt bằng việc giúp người này hay người khác, người ta thường cảm ơn ông bằng chút quà bánh nho nhỏ. Và ông thấy vui vì những giá trị sống đó.

Giá ông có đủ tiền, đủ năng lực để không phải lo thiếu cơm áo, gạo tiền, để có thể thỏa lòng giúp người mà không phải đắn đo, day dứt về gia đình mình. Một mình vợ cán đáng cả gia đình đâu dễ dàng gì. Nhiều đêm ông thấy bà thao thức tính toán cuốn sổ chi tiêu, có hôm người mệt nhoài đau nhức mà vẫn ráng dạy lũ trẻ ê a câu chữ. Ông thương bảo bà nghỉ ngơi ít bữa, bà cười, bảo chỉ là cơn đau vặt thôi, uống viên thuốc là khỏi.

Vợ ông vẫn thường vậy, bà chẳng mấy khi than phiền, dù là lúc đau ốm hay khi chạnh lòng nhớ con. Hôm Tết, vợ chồng thằng Út ở xa gọi về, bảo không về được. Ông vu vơ hát câu "Mẹ ơi, con hứa xuân nay trở về, dù cho"… bà vội nghiêng điện thoại, cố tình để màn hình sang hướng khác. Bà chặm vội giọt nước mắt chợt trào: “Ừ, không sao. Ít bữa nữa hai đứa về cũng được mà"!…

Tết rồi nhà chỉ có hai ông bà, mấy đứa con cháu cũng chỉ ghé qua chúc Tết ông bà rồi đi việc này việc khác. Vậy mà ông vẫn thấy bà cặm cụi muối dưa, làm mứt rồi thở dài: "Tết này hai đứa nó chắc thèm bánh tét, kiệu chua lắm. Tội nghiệp"…

Hai đứa nhỏ tính sắp tới về thuê nhà gần trường thằng Út dạy để đi lại thuận tiện, có chỗ nghỉ trưa, rồi tối về nhà ông bà. Ông nghe vậy, vội vàng điện thoại: "Hai đứa về nhà ở đi, ba má sửa lại nhà cho hai đứa về có chỗ ở rồi, ra ngoài thuê tốn kém"… 

Ông chững lại, giọng nghèn nghẹt: "Với nữa, lâu nay ba cũng có ý vào chùa làm công quả. Ba muốn phần đời còn lại sống nhẹ nhàng, thanh thản, giúp người này người khác cho thỏa lòng mình. Chỉ là giờ má không khoẻ, lại cao huyết áp, ba không nỡ để má con một mình. Hai đứa về nhà với ba má đi con"…

Sau cả đêm trằn trọc, người đàn ông thiếp đi trên bàn đọc sách. Bà trở mình nhìn dáng vẻ khắc khổ của ông mà chạnh lòng xót xa. Đâu phải là bà không hiểu những ý nghĩ và ước mong của ông. Đâu phải là bà không hiểu những vết thương hằn sâu không phải trên thịt da mà là trong trái tim đầy khắc khoải nhân sinh của người đàn ông đó… 

Nhưng bà biết làm gì hơn, còn quá nhiều ràng buộc giữa cuộc đời này. Bà thương ông, cảm thông số phận nghiệt ngã mà người đàn ông đã đeo mang gánh nặng suốt mấy mươi năm trời. Nhưng mà, ông và bà, không phải lúc nào cũng được sống như mình mong muốn. Mỗi người, dù thế nào, cũng đều phải đi trọn con đường mình đã chọn, vì tình thương, vì trách nhiệm…

Bà nhắm mắt lại. Giọt nước mắt chợt rơi...

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất