, //, :: GTM+7

Hạn chế ô nhiễm trên sông Đồng Nai, cần giải pháp toàn diện

DI LINH
Mặc dù sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm đến mức báo động nhưng việc giảm thiểu ô nhiễm và khôi phục nguồn nước của sông này diễn ra quá chậm.
Rác trên sông Đồng Nai đoạn chảy qua bến đò Kho.

Nói đến việc ô nhiễm nguồn nước trên sông Đồng Nai, đầu tiên phải nhắc tới việc ô nhiễm trên đoạn sông chảy qua TP Biên Hòa, nơi có 1,2 triệu người dân sinh sống cùng khá nhiều khu công nghiệp đang hoạt động. Thực trạng dễ dàng bắt gặp là chỉ sau một cơn mưa, người ta khó có thể nhìn thấy mặt nước trong xanh vốn có của một trong những dòng sông lớn nhất cả nước. Các loại rác sinh hoạt từ các khu dân cư ven sông, rác công nghiệp từ các nhà máy thuộc địa bàn các phường Long Bình, An Bình, Bình Đa theo suối tràn đầy ra sông Đồng Nai. Đáng lưu ý, rác thải nhựa (như hộp xốp, túi nilon, chai nhựa…) chiếm số nhiều trong số rác trôi nổi đầy trên mặt sông.

Không còn nhìn thấy mặt nước trong xanh vốn có của một trong những dòng sông lớn nhất nước.

Ngoài rác, các loại nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư ven sông và không ít nước thải công nghiệp cũng được thải trực tiếp ra sông từ nhiều khu công nghiệp đang hoạt động.

Tình trạng ô nhiễm đã khiến hệ sinh thái trên sông Đồng Nai thay đổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của các loại sinh vật. Từ năm 2004 đến nay, nhiều hộ nuôi cá bè ở tỉnh Đồng Nai điêu đứng vì tình trạng cá chết hàng loạt diễn ra thường xuyên. Đầu năm 2007, cá bè của bà con ở phường Thống Nhất - Biên Hòa bị chết rất nhiều, nhất là lúc nước sông chảy chậm. Còn năm 2010, hàng chục tấn cá bè nuôi trên sông của nhiều hộ dân TP Biên Hòa chết nổi trắng trên mặt nước.

Nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư xả trực tiếp xuống lòng sông.

Điều đáng nói hơn, hệ thống sông Đồng Nai chảy qua 12 tỉnh, thành phía Nam; cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 17 triệu dân, chưa kể cung cấp nước cho sản xuất, tưới tiêu; do đó, việc ô nhiễm nguồn nước có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sức khỏe người dân cũng như sản xuất nói chung. Bên cạnh đó, nó còn tác động mạnh mẽ đến hệ sinh thái trên toàn lưu vực.

Trao đổi về những giải pháp nhằm giảm ô nhiễm sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP Biên Hòa, ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP, thừa nhận tình trạng nhiều hộ dân ở Biên Hòa vẫn lén lút đổ rác và xả thải trực tiếp ra sông. Ông Lộc cho biết ở những đoạn sông có cầu bắc ngang, TP đều dựng biển cấm đổ rác và dựng rào kẽm cao hai bên thành cầu để hạn chế nạn đổ rác. Ông cũng cho rằng nạn đổ rác xuống sông một phần do việc tổ chức thu gom rác không đồng bộ, không thường xuyên, đúng giờ. Nắm bắt được thực trạng này, Biên Hòa đã chấn chỉnh hoạt động của hệ thống thu gom rác trên địa bàn theo hướng thu gom thường xuyên hơn, theo giờ nhất định để người dân chủ động tập trung rác.

Nhiều nhất vẫn là rác thải sinh hoạt như hộp xốp, vỏ chai, túi ni lon…

Bên cạnh đó, Biên Hòa cũng tổ chức nạo vét, khai thông dòng chảy và xây dựng kè, rào ven bờ cho các suối lớn trên địa bàn như suối Săn Máu, suối Tân Mai, suối Bà Bột… nhằm giảm thiểu việc xả rác xuống suối của người dân.

Tuy chính quyền TP nỗ lực là vậy nhưng tình trạng xả rác xuống sông vẫn còn khá phổ biến. Điều này cho thấy ý thức tự giác của người dân là yếu tố quan trọng và ý thức này cần được giáo dục, nhắc nhở thường xuyên đi kèm các biện pháp chế tài nghiêm khắc.

“Trước thời gian giãn cách do dịch bệnh, chúng tôi thành lập 2 tổ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt những người đổ rác hoặc xả thải xuống sông. Từ lúc giãn cách, hoạt động của 2 tổ này bị hạn chế nên tình trạng đổ rác, xả thải lại tái diễn. TP Biên Hòa cũng mới có văn bản chỉ đạo phục hồi hai tổ này để tiếp tục xử lý nghiêm các tình trạng vứt rác và xả thải ra dòng sông”, ông Lộc cho biết thêm.

Có thể thấy cho đến nay, Biên Hòa - địa phương có mức độ ô nhiễm trên sông Đồng Nai khá lớn - chỉ mới đề ra được một số giải pháp nhằm hạn chế rác thải và kiểm soát phần nào việc xả thải ra sông; trong khi đó, để bảo vệ sông Đồng Nai trước nạn ô nhiễm đang ngày càng tăng, cần nhiều giải pháp khoa học toàn diện và hiệu quả hơn nữa cũng như sự nỗ lực tối đa không chỉ của chính quyền các địa phương, các cơ quan chuyên môn mà của cả xã hội - đặc biệt là của cộng đồng dân cư - tại những nơi có sông Đồng Nai chảy qua. Chỉ khi có sự hợp tác và quyết tâm của toàn xã hội, nạn ô nhiễm trên sông Đồng Nai mới có thể được hạn chế đến mức thấp nhất.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất