, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 30/11/2022, 08:27

Hạn hán và nước mặn biến vùng đầm lầy Iraq thành “sa mạc”

MINH TRÍ
(theo AP)
Hạn hán kéo dài và nước mặn xâm thực đang đe dọa vùng đầm lầy bao quanh hai sông Tigris và Euphrates ở miền nam Iraq.
Người chăn trâu trong vùng đầm lầy. Ảnh: AP

Vùng đầm lầy biến thành sa mạc

Khi hoàng hôn phủ xuống vùng đầm lầy Chibayish, Abbas Hashem đành chấp nhận việc mất con trâu thứ sáu trong đàn 20 con của ông. Lúc ban chiều, khi nhìn về chân trời, không thấy con vật trở về chuồng, ông đã biết nó đã chết vì đói khát trong một bãi sậy mặn chát nào đó. 

Hashem than thở: “Nơi này từng tràn ngập sự sống. Nay nó là một bãi sa mạc, một nghĩa địa”. 

Trong năm 2022, tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng nhất từ 40 năm qua đã đẩy những người chăn nuôi gia súc tại đây lâm vào tình cảnh nghèo và nợ nần, buộc nhiều người phải bỏ nhà và chuyển đến các thành phố lân cận để tìm việc làm.

Trong vùng đầm lầy Chibayish, nơi mà việc chăn nuôi trâu nước đã là nghề cha truyền con nối, Hamza Noor (33 tuổi), mỗi ngày phải chèo xuồng 5 lần trong vùng đầm lầy để lấy nước sông vào thùng chứa và đem về cho đàn trâu của anh. Noor và hai người anh của mình đã bị mất 20 con trâu kể từ tháng 5. 

Nhưng Noor vẫn ở lại quê, không như nhiều nhà nông chăn trâu khác đã bỏ quê lên thành phố kiếm việc làm. Chẳng qua do anh không biết làm gì khác. 

Đồng cảnh ngộ là Ahmed Mutliq, 30 tuổi, từng lớn lên trong vùng đầm lầy và nói anh đã từng chứng kiến nhiều vụ khô hạn từ nhiều năm trước, “nhưng không gì có thể so sánh với năm nay”. 

Mutliq kêu gọi chính quyền địa phương cấp thêm nước từ các hồ trữ nước ở thượng nguồn sông Tigris. 

Tuy nhiên, Salah Farhad - lãnh đạo mảng nông nghiệp tỉnh Dhi Qar - cho biết: “Chúng tôi rất bối rối. Nông dân kêu gọi chúng tôi cung cấp thêm nước, nhưng chúng tôi không thể làm gì được”.

Nhà của nông dân trong vùng đầm lầy. Ảnh: AP

Iraq chỉ hy vọng vào một thỏa thuận chia sẻ nguồn nước với Thổ Nhĩ Kỳ

Theo AP, các cộng đồng nông thôn dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi ở Chibayish từ lâu đã bị các quan chức ở thủ đô Baghdad bỏ mặc. Đặc biệt, năm nay, người dân trong vùng càng “tuyệt vọng”, khi chính quyền áp dụng chính sách cấp nước theo định mức rất nghiêm ngặt. 

Iraq có nguồn tài nguyên dầu thô dồi dào, nhưng không xây lại hệ thống cấp nước cùng cơ sở hạ tầng tưới tiêu vốn đã lạc hậu. Trong khi đó, Iraq chỉ hy vọng vào thỏa thuận dùng chung nước sông Tigris với Thổ Nhĩ Kỳ ở thượng nguồn. 

Iraq phụ thuộc vào lưu vực sông Tigris - Euphrates để có nước uống, tưới tiêu và tắm giặt cho toàn bộ 40 triệu dân. Tuy nhiên, việc tranh chấp chủ quyền đối với lưu vực này - trải dài từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Syria và Iran trước khi đến Iraq – đã khiến khả năng lập kế hoạch sử dụng và bảo vệ nguồn nước thêm phức tạp. 

Theo AP, các cuộc đàm phán đang tiếp tục với nhiều lần bị trì hoãn. Thổ Nhĩ Kỳ bị ràng buộc với một thỏa thuận năm 1987, qua đó cung cấp 500 mét khối nước/giây qua Syria, rồi nước này chia sẻ nguồn nước đó với Iraq. 

Nhưng vài năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ không đáp ứng được điều kiện bắt buộc nêu trên, do mực nước giảm và nước này không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận chia sẻ nguồn nước nào khác vốn có thể buộc nước này cấp một lượng nước cố định. 

Kế hoạch nước hàng năm của Iraq ưu tiên cấp đủ nước uống cho toàn quốc, kế đến là cung cấp cho mảng nông nghiệp cũng như cấp đủ nước ngọt cho các vùng đầm lầy nhằm kéo giảm mực nước mặn xâm thực ở đó. Tuy nhiên, khối lượng nước cấp cho vùng đã giảm một nửa trong năm nay. 

Việc nước mặn xâm thực vùng đầm lầy càng nặng, khi  Iran thiếu nước phải chặn dòng chảy từ sông Karkheh của Iran vào vùng đầm lầy của Iraq, mà Iraq thì không có thỏa thuận chia sẻ nguồn nước nào với Iran. 

Việc Iraq quá cần nước đã khiến nhiều nước phương Tây cùng các tổ chức viện trợ cố gắng hỗ trợ phát triển, để Iraq có thể nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp nước cũ kỹ và hiện đại hóa cách làm nông nghiệp đã lạc hậu. 

Cục Khảo sát Địa chấn Mỹ đã huấn luyện người Iraq đọc ảnh vệ tinh, “nhằm củng cố lợi thế của Iraq trong các cuộc đàm phán khả năng chia sẻ nguồn nước với Thổ Nhĩ Kỳ”, theo một quan chức ngoại giao Mỹ. Người này đề nghị AP  giấu tên vì các cuộc đàm phán đang diễn ra. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất