, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 05/06/2021, 10:09

Hạn mức tín dụng thấp, có đáng lo?

ĐÔNGTHỊNH

Tăng trưởng tín dụng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tài chính và thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn. Đây cũng là công cụ giúp điều tiết thị trường để tránh tình trạng tăng trưởng quá nóng hoặc quá lạnh của nền kinh tế…

Thực tế ghi nhận tại một số ngân hàng cũng cho thấy dấu hiệu khả quan về tín dụng trong quý I/2021.

Những dấu hiệu lạc quan

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong quý đầu năm đạt 4,48%, một mức tăng trưởng khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Các số liệu thống kê cũng cho thấy hoạt động sản xuất - kinh doanh của cả nước đang trên đà phục hồi tích cực. Bởi vậy, nhu cầu vốn được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới và tăng trưởng tín dụng theo đó cũng được kỳ vọng sẽ hồi phục từ quý II trở đi.

TS.Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNNVN - cho biết: Đến hết tháng 3, tín dụng tăng trưởng khoảng 2,3% so với cuối năm 2020. Con số này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái khi tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng chưa đến 1%. Theo giới chuyên gia, mức tăng trưởng tín dụng này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng điều hành của NHNNVN cũng như sự hồi phục của nền kinh tế.

Thực tế ghi nhận tại một số ngân hàng cũng cho thấy dấu hiệu khả quan về tín dụng trong quý I/2021. Đáng chú ý có trường hợp MaritimeBank, đến hết quý I/2021 tín dụng tăng khoảng 9%. Còn Sacombank, trong quý I, tín dụng của ngân hàng tăng khoảng 4% so với cuối năm 2020 nhờ những biện pháp kiểm soát dịch tốt của Chính phủ và triển vọng hồi phục của nền kinh tế. Hết quý I/2021, tăng trưởng tín dụng của ACB ước đạt 3,5% trong khi cùng kỳ tăng 2,3%. Tại VPBank, tín dụng có thể tăng 3,9% trong quý đầu năm...

Liên quan đến hoạt động tín dụng, từ đầu năm, NHNNVN đã chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; đồng thời, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp, chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh…

Các giải pháp tổng thể của Chính phủ cùng những giải pháp đồng bộ của ngành ngân hàng đã góp phần phục hồi tín dụng tăng trưởng dương ngay từ đầu năm (tháng 1 tăng 0,76%; tháng 2 tăng 0,66% (do bùng phát dịch Covid-19) và cải thiện rõ rệt trong tháng 3/2021 với 2,93%, cao hơn cùng kỳ (1,3%), góp phần hỗ trợ tăng trưởng GDP quý I/2021 đạt 4,48%) cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục được kiểm soát.

Thận trọng là cần thiết

Tuy tăng trưởng tín dụng có tín hiệu khả quan, nhưng NHNNVN vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá thận trọng cho các ngân hàng trong năm 2021.

Căn cứ theo 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng năm 2021 mà NHNNVN đã xây dựng (gồm (i) tăng trưởng tín dụng 12 - 14% nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát và tiêm phòng vắc-xin trên diện rộng; (ii) tăng trưởng tín dụng 10 - 12% nếu đại dịch kéo dài đến tháng 06/2021, các biện pháp giãn cách xã hội được duy trì và tiến độ tiêm chủng chậm hơn dự kiến; (iii) tăng trưởng tín dụng 7 - 8% nếu đại dịch kéo dài đến cuối năm) thì với diễn biến hiện tại, tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức khoảng 12%. Và cũng theo đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 cấp cho Agribank là 6,5%, BIDV là 7,5%, Vietinbank là 7,5%, VIB, ACB, Sacombank từ 8,5 - 9,5%; Vietcombank là 10,5%...

Với hạn mức tín dụng này, theo đánh giá của SSI Research (Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán SSI), là phù hợp với kịch bản về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% mà NHNNVN đã dự báo cho cả năm 2021 trong trường hợp đại dịch Covid-19 còn kéo dài. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với hạn mức ban đầu của năm 2020, nhất là ở các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, thể hiện sự thận trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNNVN.

Về phía các ngân hàng, hạn mức tín dụng nói trên nhìn chung thấp hơn nhiều so với năm 2020 cũng như so với dự báo và mục tiêu đặt ra. Hạn mức tín dụng thấp, nhiều ý kiến đang lo ngại dòng vốn sẽ đổ vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán thay vì tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, những năm gần đây, tín dụng bất động sản được NHNNVN kiểm soát khá chặt chẽ nên tốc độ tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực này có xu hướng giảm (năm 2018 tăng 26,76%, năm 2019 tăng 21,53%, năm 2020 tăng 9,97%). Năm 2021, NHNNVN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là đầu tư, kinh doanh bất động sản trong bối cảnh “sốt” đất có dấu hiệu lan rộng.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lạc quan khác vẫn cho rằng hạn mức tín dụng có thể sẽ được NHNNVN điều chỉnh trong những tháng cuối năm khi tình hình dịch bệnh khả quan hơn, tương tự như năm ngoái, để duy trì chính sách hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 và duy trì sự ổn định vĩ mô. Vì thế, các ngân hàng hoạt động tốt, lành mạnh có thể không phải lo “thắt lưng buộc bụng” hoặc phải điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận.

Ở góc độ khác, hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn cũng buộc các ngân hàng có sự chọn lọc kỹ hơn trong việc cho vay, từ đó, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm rủi ro cho hệ thống. Quyết định cấp room tăng trưởng tín dụng ở mức thấp còn buộc ngân hàng cân đối lại danh mục đầu tư, thận trọng hơn trong các hoạt động cho vay có nguy cơ rủi ro cao, đồng thời đốc thúc thu hồi nợ để mở room. Năm 2020, tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng vượt xa hạn mức ban đầu như Techcombank (24%), MB (23,7%), HDBank (22,6%), VPBank (18,9%)…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất