, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 09/11/2022, 15:49

Hàng trăm hổ mang chúa, khỉ mặt đỏ, rái cá... từ TP.HCM đã được về rừng

HOÀNG LÂM
(phunuonline.com.vn)
Hơn 110 cá thể động vật hoang dã quý hiếm do người dân TP.HCM giao nộp thời gian qua đã được thả về tự nhiên.

Ngày 9/11, nguồn tin từ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tổ chức thả một số lượng lớn động vật hoang dã quý hiếm về tự nhiên.

Nhiều động vật hoang dã quý hiếm được Chi cục Kiểm lâm TPHCM thả về rừng Bù Gia Mập.
Nhiều động vật hoang dã quý hiếm được Chi cục Kiểm lâm TPHCM thả về rừng Bù Gia Mập.

Được biết, có 111 cá thể động vật hoang dã quý hiếm (20 loài) đã được Chi cục Kiểm lâm TP.HCM thả về rừng Bù Gia Mập. Trong đó, có nhiều động vật quý hiếm như: khỉ đuôi lợn (23 cá thể), khỉ đuôi dài (18 cá thể), khỉ mặt đỏ (2 cá thể), mèo rừng (5 cá thể), rắn hổ mang chúa (1 cá thể), rái cá (5 cá thể), công Ấn Độ (1 cá thể) và nhiều loại rùa quý hiếm…

Theo Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, các cá thể động vật hoang dã do các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tự nguyện giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm đưa vào cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng đều có sức khỏe tốt để tái thả về môi trường tự nhiên.

Số lượng động vật hoang dã trên đã được UBND TP.HCM phê duyệt phương án xử lý tài sản do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước.

Theo các chuyên gia về động vật hoang dã, từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19 đến nay, người dân ở các đô thị lớn bắt đầu “ngán” nuôi nhốt động vật hoang dã do lo ngại dịch bệnh và vấn đề kinh tế. Do đó, rất nhiều người đã chủ động bàn giao động vật hoang dã cho cơ quan chức năng.

Cùng với đó, không ít người đã chủ động thả động vật hoang dã ra tự nhiên sau thời gian nuôi nhốt nên xảy ra tình trạng động vật hoang dã liên tục đi lạc vào nhà dân trong tháng 10/2022.

Ông Nguyễn Vũ Khôi - Giám đốc Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) - nhận định: “Nếu người nuôi bàn giao cho cơ quan chức năng thì phải lập biên bản, điều tra nguồn gốc… rất phức tạp. Còn nếu mang đi xa để thả thì có thể bị phát hiện lập biên bản xử lý; người dân chọn cách thả ra gần nhà nên mới có tình trạng động vật hoang dã “đi lạc” trong thành phố. Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở TP.HCM, ở nhiều tỉnh, thành lân cận chúng tôi cũng ghi nhận có tình trạng này”.

Sau đại dịch COVID-19, nhiều người dân ở TPHCM đã chủ động bàn giao động vật hoang dã cho lực lượng Kiểm lâm.
Sau đại dịch COVID-19, nhiều người dân ở TP.HCM đã chủ động bàn giao động vật hoang dã cho lực lượng Kiểm lâm.

Theo ông Khôi, hiện nay pháp luật đã có quy định rất cụ thể và chặt chẽ về bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Do đó, khi người dân phát hiện động vật hoang dã vào nhà mình thì không được đánh bắt, giết hại, làm thịt, hay bán cho người khác... mà phải báo cho cơ quan chức năng. Những trường hợp xâm hại động vật hoang dã quý hiếm đều sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất